PV báo Giáo dục và Thời đại trao đổi TS Nguyễn Hiệp Thương – Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường ĐHSP Hà Nội – về vấn đề này.
5 khó khăn trong phát triển lĩnh vực CTXH
Nhu cầu phát triển CTXH trường học ở Việt Nam là rõ ràng trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập hoá hiện nay. Nhưng tại sao hoạt động này chưa thực sự phát huy được hiệu quả trong nhà trường?
- Việc xây dựng và phát triển lĩnh vực CTXH còn gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, lĩnh vực này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của Nhà nước, các cấp, các ngành so với nhu cầu cần có. CTXH trong trường học là một vấn đề còn khá mới mẻ đối với khoa học xã hội ở Việt Nam nói chung và các nhà lãnh đạo cấp cao nói riêng.
Thứ hai, công tác nghiên cứu lý luận về CTXH trường học tại Việt Nam còn rất khiêm tốn. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào được tiến hành một cách sâu rộng được công bố chính thống về các mô hình dịch vụ CTXH tại trường học ở Việt Nam.
Thứ ba, nguồn nhân lực phục vụ cho việc xây dựng và phát triển CTXH trường học còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Điều này trước hết được thể hiện ngay trong việc đào tạo CTXH ở Việt Nam nói chung còn nhiều bất cập do thiếu nhân lực và hạn chế về trình độ.
Đa số các trường đào tạo cử nhân CTXH hiện nay vẫn phải huy động nhiều giảng viên ở các ngành gần kề như tâm lý, giáo dục. Số lượng giảng viên được đào tạo cơ bản về CTXH vẫn còn rất thiếu
Việc đào tạo cử nhân hoặc cán bộ CTXH chuyên sâu về lĩnh vực trường học còn rất manh mún. Đa số các trường cao đẳng, đại học chưa thiết kế chương trình đào tạo chuyên biệt về lĩnh vực CTXH này, kể cả ở góc độ lý thuyết lẫn thực hành.
Hiện tại, chỉ có một số cơ sở đào tạo giảng dạy CTXH trường học như một môn học riêng (thường là tự chọn), song nội dung kiến thức và kỹ năng trong các tài liệu đó cũng không được chuyên sâu, không bàn luận cụ thể các giải pháp can thiệp về CTXH cho những vấn đề học sinh gặp phải.
Thứ tư, công tác nghiên cứu thực tiễn và tài liệu hoá những chương trình can thiệp đã có liên quan tới CTXH trường học chưa được thực hiện tốt.
Thứ năm, ngân sách đầu tư cho CTXH trường học cũng như các dịch vụ hỗ trợ học sinh khác còn rất thấp. Đa phần các trường chưa có ngân sách ngoài biên chế cứng cho giáo viên và cán bộ quản lý. Ở những trường đã có phòng tham vấn học đường cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn tài chính để trả lương cho tư vấn viên.
Hầu hết các trường đều phải tự xoay sở để có nguồn kinh phí hỗ trợ cho đội ngũ này, vì thực tế chưa có chế độ đãi ngộ của Nhà nước dành cho các tư vấn viên như những người làm các nghề nghiệp khác. Sự khó khăn về mặt tài chính cũng thể hiện ở việc đầu tư cho các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho việc tư vấn.
Cần phân biệt rõ CTXH trường học và tham vấn trường học
Trong một số hội thảo gần đây, nhiều nhà quản lý đặt câu hỏi về lý do tại sao cần có các dịch vụ CTXH trong trường học trong bối cảnh một số trường đã triển khai mô hình tham vấn trường học?
- Một số điểm phân biệt giữa hai loại hình dịch vụ CTXH trường học và tham vấn trường học như sau:
CTXH trường học: Do cán bộ được đào tạo CTXH và/hoặc một số ngành gần đảm nhiệm. Hỗ trợ giải quyết nhiều vấn đề khác nhau: sức khỏe, tâm lý, nghèo đói, chính sách, nhận thức, hành vi, lối sống, … (mang tính tổng quát)
Mục tiêu là giúp học sinh có điều kiện sống và học tập tốt nhất. Bao gồm 3 cấp độ can thiệp, trong đó quan tâm nhiều đến phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp sớm;vtương tác, làm việc nhiều với gia đình và các bên liên quan. Làm việc ở nhiều nơi khác nhau với nhiều bên khác nhau. Đánh giá tổng thể nhiều khía cạnh cuộc sống có ảnh hưởng tới học sinh, sử dụng lý thuyết hệ thống để phân tích.
Tham vấn trường học: Do các cán bộ được đào tạo chuyên ngành tâm lý thực hiện. Chủ yếu hỗ trợ các vấn đề cảm xúc và hành vi, đặc biệt là các rối nhiễu tâm lý như trầm cảm, lo âu,... (đòi hỏi mang tính chuyên sâu)
Mục tiêu là giúp học sinh có được nhận thức, cảm xúc và hành vi đúng đắn. Thiên nhiều về can thiệp cá nhân, chủ yếu là tham vấn và trị liệu cho một số học sinh cụ thể - tương ứng với mức độ 3 (can thiệp/ trị liệu) của CTXH.
Chủ yếu làm việc một – một trong phòng tham vấn. Chủ yếu sử dụng các bài kiểm tra (test) tâm lý để đo các mức độ rối nhiễu về cảm xúc và hành vi
Có thể thấy, CTXH quan tâm đến nhiều mặt của cuộc sống có ảnh hưởng tới việc học tập và phát triển của học sinh. Để làm được điều này, nhân viên CTXH trường học cần được đào tạo các kiến thức và kỹ năng CTXH, biết cách làm việc với nhiều đối tượng khác nhau liên quan tới học sinh, như phụ huynh, giáo viên, bạn bè, họ hàng, các ban ngành, đoàn thể và cán bộ chuyên môn khác.
Trong khi đó, cán bộ tham vấn làm việc ở góc độ bó hẹp hơn – chuyên sâu hơn về một lĩnh vực cụ thể, thiên về việc xác định, tham vấn và trị liệu các vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần.
Nó đòi hỏi cán bộ tham vấn phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn sâu về tham vấn tâm lý và có thể đưa ra những lời khuyên, những bài tập trị liệu nhằm thay đổi suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của học sinh.
Một điều cần làm rõ ở đây là ở nhiều nước phát triển, trong trường học thường có cả nhân viên CTXH và cán bộ tham vấn trường học. Họ phối hợp chặt chẽ với nhau để hỗ trợ học sinh một cách tốt nhất. Thậm chí, ở Anh, Mỹ, Singapore, Hồng Kông,... còn có thêm một số vị trí cán bộ hỗ trợ khác để giúp đỡ học sinh.
Ngoài giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn, học sinh có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhiều cán bộ chuyên môn khác nhau trong trường học: Cán bộ tham vấn học đường (school counsellor), chuyên gia tâm lý học đường (school psychologists), cán bộ phụ trách công tác học sinh sinh viên (student care officer) và cán bộ CTXH (social workers).
Mặc dù là có sự khác nhau về tên gọi, mô tả công việc cũng như yêu cầu thực tế của mỗi nước (thậm chí là các khu vực, các trường trong cùng một quốc gia cũng khác nhau), song rõ ràng là học sinh ở những nước phát triển này có nhận được nhiều dịch vụ hỗ trợ hơn ngoài giáo viên giảng dạy chuyên môn.
Điều này cho thấy, khi xã hội phát triển hơn, rõ ràng các trường học ở Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề của học sinh chứ không chỉ đơn thuần bó hẹp ở việc dạy và học kiến thức chuyên môn.
Cân nhắc tính toán phương án bổ sung cán bộ CTXH cho trường phổ thông
Ông có khuyến nghị gì nhằm phát triển CTXH trường học tại Việt Nam hiện nay?
- Trên cơ sở phân tích thực trạng của Việt Nam và ác vấn đề liên quan, chúng tôi xin đưa ra một số khuyến nghị liên quan tới việc phát triển CTXH trường học tại Việt Nam hiện nay như sau:
Trước hết, cần khẳng định tầm quan trọng của CTXH trường học và theo xu hướng phát triển, các trường học ở Việt Nam cần có nhân viên CTXH.
Trước mắt, Bộ GD&ĐT nên triển khai nội dung này tại nhà trường và bổ sung vai trò, nhiệm vụ của CTXH vào các hoạt động của nhà trường bên cạnh các hoạt động giáo dục chuyên môn.
Thứ hai, yêu cầu thực tế của Việt Nam đòi hỏi cần có nhiều nghiên cứu, đánh giá thực chứng hơn nữa về nhu cầu của học sinh, cách thức triển khai và vai trò, nhiệm vụ cụ thể của CTXH trường học.
Rõ ràng việc các vấn đề xảy ra với học sinh ngày càng nhiều và phức tạp, đòi hỏi cần sự trợ giúp của nhân viên CTXH. Tuy nhiên, việc lựa chọn hoạt động, dịch vụ can thiệp như thế nào cho phù hợp thì cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể.
Một điểm quan trọng nữa là Việt Nam cần thiết phải sớm xây dựng những văn bản hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc đạo đức và tiêu chuẩn thực hành nghiệp vụ CTXH nói chung, và hướng dẫn chi tiết cho CTXH trường học nói riêng. Đây chính là những cơ sở lý luận quan trọng nhất cho việc xây dựng và triển khai các mô hình CTXH trường học trên thực tiễn.
Về lâu dài, cần có định hướng phát triển con người, nguồn nhân lực nhân viên CTXH trường học đủ về số lượng và thực sự có chất lượng.
Các cấp, các ngành và các cơ sở đào tạo CTXH nên có định hướng mở những mã ngành đào tạo chuyên sâu về CTXH trường học và bồi dưỡng năng lực cho cán bộ giáo dục, giáo viên phổ thông về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ CTXH.
Cần có định hướng đầu tư cho việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết cho việc triển khai các nghiệp vụ CTXH cụ thể trong trường học. Đây sẽ là cơ sở cho việc đào tạo nguồn nhân lực cũng như việc áp dụng, triển khai các mô hình trên thực tế.
Về nhân sự, Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT có thể cân nhắc tính toán các phương án bổ sung cán bộ CTXH cho mỗi trường phổ thông trên cơ sở tham khảo mô hình các nước và dựa vào thực tiễn Việt Nam.
Trước mắt, có thể tính đến việc huy động sự tham gia của giáo viên phụ trách đoàn đội, cán bộ y tế, cán bộ tham vấn tâm lý (nếu đã có) và một số giáo viên khác để đào tạo kiến thức, chuyên môn trong việc hỗ trợ các dịch vụ CTXH cho học sinh.
Về lâu dài, có thể cân nhắc đề xuất thêm một vị trí biên chế chính thức ở mỗi trường phổ thông phụ trách triển khai các dịch vụ CTXH hỗ trợ học sinh và giáo viên.
Cần truyền thông mạnh mẽ về vai trò, tầm quan trọng và những hoạt động của CTXH trong trường học để nâng cao nhận thức cho học sinh, giáo viên, cha mẹ và cộng đồng. Cần có những buổi hội thảo, truyền thông hoặc phát tờ rơi trực tiếp cho học sinh và gia đình về các hoạt động của CTXH.
Xin cảm ơn ông!