Kỳ 3: Nỗ lực tự thân của các trường chưa đủ!
(GD&TĐ) - Hai quan niệm đầu tư và hai cách làm giáo dục nêu trên đã dẫn đến hai con đường hoặc phát triển hoặc trì trệ và có thể đi đến diệt vong như chúng tôi đã đề cập. Con đường đi đúng đắn, hợp quy luật và sự nỗ lực tự thân là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh, sự tồn tại và phát triển của các trường ĐH NCL. Nhưng chỉ thế chưa đủ, các trường ĐH NCL rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội về chính sách và các mặt khác, đặc biệt trước hết là về cơ chế tài chính. GS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GD& ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL đề xuất: “Không thể tránh né mà phải giải quyết triệt để bài toán tài chính của GD ĐH. Phải đưa tư duy thoát khỏi vòng rào ngân sách Nhà nước…”
Cận cảnh
Như đã nói ở kỳ trước, Trường ĐH Bình Dương là một trong những mô hình trường ĐH NCL hoạt động tốt. Quy mô nhà trường phát triển không thua kém trường công. Những quan điểm, triết lý GD đúng hướng được trường xem là kim chỉ nam cho việc xây dựng và phát triển nhà trường, phù hợp với xu thế, xây dựng nền GD mở, trong nền kinh tế mở - kinh tế tri thức. Tuy vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển, không phải mọi chuyện đều thuận lợi một cách dễ dàng. Trường ĐH Bình Dương cũng như Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH Thành Đô và nhiều trường ĐH NCL khác, mặc dầu đã gặt hái được những thành công bước đầu nhưng nhà trường cũng đã gặp phải vô vàn khó khăn từ những ngày đầu khởi nghiệp: Từ xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ, giáo trình, tuyển sinh cho đến chỗ ăn, chỗ ở của sinh viên… Phải tự thân vận động là chính, mà nếu không có sự chủ động sáng tạo, thì rất khó thành công. Đơn cử như việc xây dựng ký túc xá cho sinh viên của Trường ĐH Bình Dương. Hàng chục ngàn SV, đa số từ các địa phương khác đến học, có nhu cầu ký túc xá rất lớn. Trong lúc giải quyết cơ sở vật chất để dạy học đã vất vả, giải quyết thêm chỗ ở cho SV như thế nào khi nguồn lực hạn hẹp? Sáng kiến xây dựng mô hình KTX ba nhà của nhà trường ra đời. Đây là mô hình hoạt động bằng sự kết hợp đồng thuận giữa “3 nhà”: Nhà trường - nhà dân - Nhà nước. Tất cả đều thỏa thuận một nguyên tắc chung để hoạt động, đó là: Nhà trường chịu trách nhiệm giới thiệu SV, thành lập BQL KTX, ban hành nội quy, quy chế hoạt động nội trú, khung giá phòng… Nhà dân - chủ nhà trọ chịu trách nhiệm xây dựng phòng trọ đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của nhà trường đặt ra, trang bị hệ thống máy tính, loa truyền thanh để quản lý SV, thành lập tổ tự quản… Nhà nước - chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về quản lý tình hình an ninh trật tự và sẵn sàng có mặt kịp thời để giải quyết các sự cố xảy ra nếu có. Cái lợi của mô hình là nhà trường được chỗ ở cho SV, mà lại tiết kiệm được một khoản kinh phí rất lớn. Không ít lúc, vì sự ổn định và phát triển cũng như nhu cầu, quyền lợi của người học và địa phương, nhà trường buộc phải trong cái khó ló cái khôn. Và đôi khi, có những cái khôn buộc phải… “vượt rào”...
Phòng CNTT ĐH Quản lý-Kinh doanh Hà Nội: Ảnh Thái Hòa |
Vấn đề đặt ra ở đây là cần một hành lang pháp lý đủ rộng để các trường ĐH NCL không buộc phải “vượt rào”. GS.VS Cao Văn Phường - Hiệu trưởng Trường ĐH Bình Dương cho biết: “Để các trường ĐH NCL phát triển ổn định cần phải có luật pháp (kể cả các văn bản dưới luật) ổn định. Thứ hai cần nghiên cứu chính sách thuế doanh nghiệp cho các ĐH NCL, nên miễn giảm thuế. Thứ ba là chính sách đất đai cho các ĐH NCL như đối với đại học công lập...”.
Không chỉ cần một hành lang pháp lý đủ rộng, các trường NCL cũng rất cần được đảm bảo bằng những chính sách ổn định lâu dài để các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư vào việc thành lập, xây dựng và phát triển nhà trường. Bởi khi đã quyết định đầu tư để làm một ngôi trường, người sáng lập trường dường như phải dốc vào đó toàn bộ tài sản, thế chấp tài sản để vay ngân hàng, thế chấp uy tín bản thân… nghĩa là đặt sinh mệnh của cả đời mình, và cả sinh mệnh những thế hệ sau trong gia đình mình cho ngôi trường tương lai, cũng là cho sự nghiệp đào tạo phát triển nguồn nhân lực để phát triển đất nước. Tuy nhiên, ở đây cũng cần phân định rõ để khuyến khích, ủng hộ những người thực sự có công lớn trong việc thành lập, xây dựng trường và ngăn ngừa những người có tiền đầu tư chỉ nhằm mục đích vụ lợi.
Cần có chính sách để phát triển
GS Trần Hồng Quân cho biết, cho tới nay các trường ĐH NCL đào tạo trên 14% SV cả nước, trong đó có một số trường đầu tư rất lớn và hiện đại. Phần lớn các trường đã khang trang, phương tiện dạy học khá tốt, quản lý năng động, tổ chức đào tạo chặt chẽ. Một số trường liên kết với các trường nổi tiếng của nước ngoài đào tạo theo chương trình của họ, SV ra trường được cấp hai bằng của trường nước ngoài và của trường ta. SV tốt nghiệp của nhiều trường được thị trường lao động tín nhiệm, dễ tìm được việc làm. Tuy nhiên còn một số trường còn khó, còn phải thuê mướn trường sở. Phần lớn đều khó khăn về đất đai chật hẹp, đội ngũ thầy giáo cơ hữu còn mỏng, tuyển đầu vào còn hạn chế về chất lượng. Nói tổng quát, các trường ĐH và CĐ NCL chưa tạo được ấn tượng tốt bằng với các trường công lập lâu năm. Để tháo gỡ khó khăn, đương nhiên các trường NCL rất cần sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của chính sách. GS Trần Hồng Quân nhấn mạnh: “Nguồn tài chính còn có từ các nhà đầu tư tư nhân mà ta chưa khuyến khích và tận dụng khai thác, ngược lại còn giữ định kiến kỳ thị, còn làm khó dễ. Ngoài ra cũng còn nhiều nguồn khai thác nữa từ nước ngoài, từ các nhà hảo tâm”. Ông cũng nhấn mạnh: “Cần bảo đảm công bằng xã hội về cơ hội học tập đối với mọi công dân. Tài trợ của Nhà nước mang tính phúc lợi giáo dục và tín dụng ưu đãi cho SV thì không phân biệt học trường công hay trường tư”.
SV ĐH Bình Dương trong phòng thí nghiệm |
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. HCM cho biết, nói riêng về lĩnh vực GD, các nguồn lực do tư nhân trong nước nắm giữ rất dồi dào. Không chỉ có tiền, cơ sở vật chất, trang thiết bị và cả năng lực huy động những thứ đó từ trong nước cũng như ngoài nước, khu vực tư còn sở hữu một lực lượng nhà khoa học có chất lượng, có khả năng và sẵn sàng dấn thân cống hiến cho sự nghiệp GD, bên cạnh đó còn có các nhà giáo về hưu có nhiều kinh nghiệm và vẫn đủ sức tiếp tục đảm nhận chức năng trồng người. Trong điều kiện GD không là lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, thì sự tham gia khai thác của tư nhân và nói chung của bất kỳ nhà đầu tư nào có thực lực và có tâm huyết trong lĩnh vực này là việc cần được khuyến khích...
Đương nhiên, chính sách cho ĐH NCL không chỉ là vấn đề tài chính, các trường ĐH NCL rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội về nhiều mặt. TS. Ngô Xuân Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Đô chia sẻ: “Để có thể khẳng định mình với xã hội, tôi nghĩ rằng các trường “non trẻ” đừng vô tình tự sớm đánh mất mình trên con đường mưu sinh để tồn tại và phát triển. Nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề sống còn của các trường NCL. Nhưng cần có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này. Việc nâng cao chất lượng đào tạo không chỉ là vấn đề riêng của từng trường. Ở đây đòi hỏi cần có sự hỗ trợ nhiều mặt hơn của cơ quan quản lý GD và toàn xã hội để các trường NCL cảm nhận được sự khích lệ trong phát triển”.
Chủ trương xã hội hóa GD, huy động các nguồn lực của xã hội, nhất là nguồn lực tài chính, cho sự nghiệp phát triển GD đã được khẳng định qua nhiều kỳ đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mới đây nhất, Đại hội lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa GD. Sự ra đời hệ thống trường NCL ở nước ta là một trong những kết quả hiện thực hóa chủ trương đúng đắn này. Gần đây sự quan tâm đến các trường ĐH NCL cũng được thể hiện rõ trong chiến lược phát triển GD 2011 – 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13/6/2012, trong đó nêu rõ: “Triển khai các chính sách cụ thể để hỗ trợ cho các cơ sở GD đại học, dạy nghề và phổ thông NCL, trước hết về đất đai, thuế và vốn vay”.
Đặc biệt, sự quan tâm đến các trường ĐH NCL đã được thể hiện đậm nét trong Luật GD Đại học vừa được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và đã được ban hành. Trong bộ luật này, nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, các nhà quản lý GD nêu trên và của nhiều vị khác đã được đưa vào Luật. Đương nhiên những vấn đề được đặt ra nhưng chưa chín muồi trong thực tiễn, những vấn đề cụ thể chưa phù hợp với tính khái quát của Luật sẽ được xem xét và sẽ được thể hiện một cách thích hợp trong các văn bản dưới Luật tiếp theo. Phát biểu tại Lễ công bố Luật GD ĐH ngày 16/7/2012, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “...Nhà nước có chính sách ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng... để khuyến khích các trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nhưng không vì mục đích lợi nhuận. Các trường có vốn đầu tư lớn cũng được ưu tiên thành lập. Tuy nhiên để tránh tình trạng một trường ĐH nào đó muốn lợi dụng danh nghĩa phi lợi nhuận, Luật GD ĐH quy định trường phải dành ít nhất 25% phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi để đầu tư phát triển trường. Phần này được miễn thuế. Phần còn lại nếu phân phối cho các nhà đầu tư, sẽ phải nộp thuế theo quy định. Luật GD ĐH quy định giá trị tích luỹ trong quá trình hoạt động của các trường tư thục (như đất đai Nhà nước giao, tài sản được ủng hộ - hiến tặng...) là tài sản chung, không chia, không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào. Như vậy sau vài chục năm hoạt động, trường tư thục cũng trở thành cơ sở phục vụ xã hội như một trường công lập...”. Sự ra đời Luật GD ĐH là một bước tiến vượt bực trong việc thể chế hóa các hoạt động GD ĐH và chắc chắn sẽ tác động tích cực đến thực tiễn giáo dục.
ĐH NCL ở nước ta là một hệ thống mới và đang vận động phát triển. Trong quá trình này, đương nhiên có những vấn đề đang đặt ra và có những vấn đề sẽ tiếp tục nẩy sinh. Sẽ tiếp tục có nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, trao đổi để hiểu rõ bản chất và có sự đồng thuận về nhận thức, từ đó có thể thể chế hóa khi sự việc chín muồi. Về căn bản, các trường ĐH NCL phải tự đi trên đôi chân của mình là chính. Điều này đòi hỏi các trường, trên cơ sở căn cứ vào các quy định của Nhà nước, phải chủ động sáng tạo, vừa học hỏi những điểm tốt từ các mô hình của trường bạn để vận dụng vừa phải có cách làm riêng phù hợp với đặc thù của trường mình. Ở đây việc tiếp tục hỗ trợ các trường ĐH NCL, nhất là hỗ trợ về phương diện cơ chế chính sách tiếp cận các lợi ích là rất cần thiết. Có như vậy mới kỳ vọng ĐH NCL phát triển tốt và cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ gánh nặng của ngân sách trong sự nghiệp đào tạo phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước. Phát triển ĐH NCL cũng là một trong những thể hiện thiết thực tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện GD mà Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra.
-> Kỳ I: Những cái chết được báo trước
TS. Nguyễn Danh Bình