Các trường đại học phải hành động

GD&TĐ -Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.  Tuy nhiên, tại các trường đại học hiện nay việc  đào tạo nhân lực ngành này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Vậy làm cách nào để giải quyết khủng hoảng nhân lực ngành Logistics?

Sinh viên BVU thực tập tại Cụm cảng Tân cảng-Cái Mép
Sinh viên BVU thực tập tại Cụm cảng Tân cảng-Cái Mép

Nhu cầu nhân lực ra sao?

Trong thời đại ngày nay, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang bùng nổ mạnh mẽ tại Việt Nam, khi thị trường kinh tế toàn cầu phát triển không ngừng thông qua các tiến bộ công nghệ, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng đã trở thành một trong những công cụ, phương tiện hữu dụng nhất giúp các doanh nghiệp liên kết các khâu khác nhau trong nội bộ hoặc liên kết các lĩnh vực khác nhau giữa các doanh nghiệp để thực hiện quy trình kinh doanh của mình.

Chính vì Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành có thể ứng dụng được ở rất nhiều lĩnh vực kinh tế và trong bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào nên hoạt động này là một trong những thành tố  quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Ngày 14/2/2017, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành Logistics trong giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030 (số 200/Qđ-TTg) cho thấy nhà nước đã đánh giá cao vai trò quan trọng của Logistics đối với sự phát triển kinh tế của nước nhà.

Trong thực tế, ở Việt Nam, dù Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là một ngành có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, song đây lại là một ngành mới mà hiện nay có rất ít trường đại học chính thức đào tạo và cấp bằng cử nhân hoặc kĩ sư Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đang rất khát, thậm chí khủng hoảng nhu cầu nhân lực ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng vì nhiều lý do.

Thứ nhất, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tham gia vào rất nhiều khâu của hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ. Thứ hai, nguồn nhân lực có chuyên môn chính thức về lĩnh vực này ở Việt Nam không nhiều, đa số doanh nghiệp phải dùng nhân sự ở những ngành gần hoặc đào tạo lại dẫn đến năng suất không cao.

Đại diện lãnh đạo Cụm cảng Tân cảng- Cái Mép chào đón sinh viên BVU đến học tập thực tế tại cảng
Đại diện lãnh đạo Cụm cảng Tân cảng- Cái Mép chào đón sinh viên BVU đến học tập thực tế tại cảng

Giải pháp của trường đại học và doanh nghiệp

Theo thống kê, ở Việt Nam hiện nay, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng mới chỉ có ở một số ít trường đại học. Trong đó, việc nhiều trường đại học đào tạo ngành Logistics gắn với nhu cầu nhân lực trực tiếp của địa phương như Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu không nhiều.

Việc tham gia vào đào tạo ngành tiềm năng này tại Bà Rịa – Vũng Tàu, địa phương có thế mạnh phát triển tập trung vào 5 ngành kinh tế mũi nhọn gồm: công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ cho thấy hướng đi đúng đắn, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội của Trường ĐH Bà Rịa- Vũng Tàu mà nó còn mở ra cơ hội việc làm cho sinh viên khi Bà Rịa- Vũng Tàu là địa phương hội tụ rất nhiều yếu tố như: cảng biển- phát triển nhu lịch và dịch vụ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng kiêm Giám đốc Trung tâm Tư vấn việc làm – Khởi nghiệp của Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu (BVU); Một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng khan hiếm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường trong lĩnh vực này là “Kết hợp nhà trường và doanh nghiệp”.

"Hiện BVU đã, đang và sẽ tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp để xác định rõ nhu cầu về kiến thức, kỹ năng cũng như số lượng nhân sự mà doanh nghiệp cần theo kế hoạch phát triển, mở rộng kinh doanh. Thông qua mối quan hệ lâu dài và gắn bó, BVU sẽ tiến đến khả năng đào tạo theo đúng “đơn đặt hàng” của các doanh nghiệp. Ngoài ra, trong chủ trương chung của Nhà trường về việc “Doanh nghiệp hóa chương trình đào tạo”. Tiến sĩ Hưng cho biết. 

Được biết, trong Đề án mở ngành đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, BVU xây dựng chương trình đào tạo đại học chính quy theo hướng rút ngắn thời gian đào tạo (còn 3,5 năm) nhưng vẫn đảm bảo nội dung, chất lượng chuyên môn.

Trong đó, tập trung giảm thiểu kiến thức hàn lâm, tăng thời lượng thực hành, thực tế; bổ sung một số chuyên đề được cập nhật theo sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; bổ sung các học phần kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo; bố trí thời gian và không gian đào tạo hợp lý, hiệu quả; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào giảng dạy, học tập.

Đây được xem là hướng đi phù hợp để sớm kiện toàn nguồn nhân lực cung ứng cho các Doanh nghiệp và thị trường lao động mà các trường cần đẩy mạnh.  

Ông Lê Văn Toàn – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: Ngoài việc đảm bảo chuẩn đầu ra về chuyên môn, sinh viên tốt nghiệp chương trình này còn phải đạt chuẩn đầu ra về công nghệ thông tin, ngoại ngữ và kỹ năng mềm ở mức độ thuần thục.

"Như vậy, sau 3,5 năm (nếu tập trung học vượt còn 2,5 đến 3 năm), sinh viên tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể làm việc được ngay khi hòa nhập thị trường lao động, đặc biệt là tiếp cận nhanh trong môi trường hội nhập quốc tế"- ông Toàn nói.

Nhân lực ngành Logistics- hay còn gọi là dịch vụ hậu cần đang rất nóng bỏng
Nhân lực ngành Logistics- hay còn gọi là dịch vụ hậu cần đang rất nóng bỏng

Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM về chất lượng nguồn nhân lực Logistics cho biết, hiện ở Việt Nam, có 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về Logistics. Trung tâm Dự báo nhu cầu lao động và thông tin thị trường lao động TPHCM cũng cho biết, hiện có ít nhất 300.000 doanh nghiệp trong cả nước tham gia vào lĩnh vực Logistics, với khoảng 1,5 triệu người lao động làm nghề Logistics.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ