Các trường đại học: Lấy thương hiệu làm nền tảng tồn tại

GD&TĐ - Trong nhiều vấn đề nóng bỏng phải đổi mới của giáo dục đại học – cao đẳng, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) và giảng viên (GV) để nâng cao chất lượng đào tạo giữ vị trí then chốt.

Rất nhiều sinh viên ĐH Lao động – Xã hội tại TP Hồ Chí Minh tìm được việc làm tốt ngay khi ra trường
Rất nhiều sinh viên ĐH Lao động – Xã hội tại TP Hồ Chí Minh tìm được việc làm tốt ngay khi ra trường

Để rõ hơn vấn đề này, PV báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Bùi Anh Thủy - P. Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Cơ sở II Trường Đại học Lao động – Xã hội tại TP HCM. 

Giải quyết bài toán chỉ tiêu, tài chính, chất lượng

Thưa ông, ông có nghĩ rằng một số các trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay vẫn loay hoay với bài toán làm sao tuyển sinh đạt chỉ tiêu và làm sao tăng thu tài chính; còn chuyện chất lượng đầu vào – đầu ra chưa thực sự chú trọng?

Thực ra, làm sao để tuyển sinh đạt chỉ tiêu và làm sao tăng thu tài chính phục vụ cho hoạt động chuyên môn là những vấn đề các trường đại học và cao đẳng không thể không đặt ra; nhưng nếu cho rằng đa số các trường “vẫn loay hoay” với “bài toán” này “còn chất lượng đầu vào – đầu ra có dấu hiệu bị thả nổi” thì không phải. 

Theo tôi, đa số các trường đang cố gắng tìm những phương án tốt nhất để khẳng định thương hiệu của mình bằng việc nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp sản phẩm “đầu ra” tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng. 

Khi thương hiệu đã được khẳng định, sản phẩm đầu ra đã được xã hội thừa nhận thì vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh và tăng thu tài chính đã có nền tảng bền vững để giải quyết.

Người thầy là “linh hồn” của quá trình đào tạo thế hệ kế cận

Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhiều trường đại học đã tuyển dụng những người có học vị cao về công tác ở trường mình; song thực tế lại cho thấy rằng không phải cứ có bằng cấp cao là có người thầy giỏi, chất lượng đào tạo được nâng lên. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Dù có nâng cao tính năng động, sáng tạo của người học hay như thế nào chăng nữa, người thầy vẫn là “linh hồn” của quá trình đào tạo thế hệ kế cận

Tiến sĩ Bùi Anh Thủy

Đúng là như vậy. Không phải hễ ai có bằng cấp cao cũng sẽ trở thành người thầy giỏi, nhất là “vấn nạn” chạy theo bằng cấp như ở xã hội ta giai đoạn hiện nay. 

Người thầy giỏi trước hết phải là người có “thực tâm” và “thực tuệ”. “Thực tâm” giúp người thầy có trách nhiệm với công việc của mình, có trách nhiệm với chất lượng sản phẩm của mình. 

“Thực tuệ” giúp người thầy có năng lực chắt lọc tri thức, lựa chọn phương pháp, hệ thống hóa nội dung và năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề cuộc sống đang đặt ra có liên quan đến chương trình mình giảng dạy để định hướng nhận thức cho người học. Đấy là chưa nói đến những yêu cầu về ngôn ngữ, tác phong, lối sống... của người thầy.

Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng, trong giáo dục đại học, ngay cả khi đã có người thầy giỏi rồi thì tự bản thân người thầy cũng không hoàn toàn quyết định được chất lượng đào tạo. Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như học trò, cơ sở vật chất, tài chính, kỹ thuật, môi trường sư phạm, mức độ tự chủ của các trường trong việc thiết kế chương trình đào tạo... 

Nhưng suy cho đến cùng, người thầy vẫn là “linh hồn” của quá trình đào tạo thế hệ kế cận. Không phải ngẫu nhiên mà một nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại đã cho rằng: Xã hội có thể chấp nhận tất cả các nghề có người thợ tồi; nhưng xã hội không chấp nhận người thầy tồi, vì sản phẩm của người thầy là chính bản thân con người, không thể vứt đi đâu được. Cha ông ta từ lâu cũng đã đề cao triết lý “Lương sư hưng quốc”.

Vì thế, tôi cho rằng, dù có nâng cao tính năng động, sáng tạo của người học hay như thế nào chăng nữa, người thầy vẫn là “linh hồn” của quá trình đào tạo thế hệ kế cận.

TS Bùi Anh Thủy trong Lễ trao bằng, tặng hoa và giấy khen cho các tân cử nhân tốt nghiệp loại Giỏi
 TS Bùi Anh Thủy trong Lễ trao bằng, tặng hoa và giấy khen cho các tân cử nhân tốt nghiệp loại Giỏi

Trong quản lý, phải ngăn ngừa được cái xấu từ xa

Có một thực tế: Một số hiệu trưởng rất ngại đụng chạm đến rà soát, sắp xếp lại đội ngũ CBQL, GV (nhất là khi buộc phải sử dụng các hình thức xử lý kỷ luật)… Theo ông đây có phải là trở ngại lớn khiến cho một số CBQL, GV dù không đủ năng lực nhưng vẫn ung dung hưởng lương, các quyền lợi và công tác bình thường. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Thực ra, về quyền hạn của các Hiệu trưởng, các nguyên tắc trong việc xử lý CBCC, VC đều đã được quy định trong các văn bản pháp luật của Nhà nước. Còn việc thực thi quyền hạn thế nào thì lại phụ thuộc vào cách thức, phương pháp, phẩm chất chính trị và bản lĩnh của từng người. 

Việc đưa ra quyết định kỷ luật ai đó trong trường học bao giờ cũng là một việc rất khó khăn đối với người lãnh đạo Nhà trường, dù đó là sinh viên hay cán bộ, giảng viên. Không hẳn là họ tìm cách “tốt khoe, xấu che”, thỏa hiệp với cái xấu, cái chưa tốt. 

Điều quan trọng nhất là phải ngăn ngừa được cái xấu từ xa, tức là từ khi nó mới manh nha hình thành, để nó không phát ra và không gây tổn hại cho tổ chức. Và nói thực, không phải khi nào ta cũng làm được như vậy. 

Đó chính là lý do ở nhiều cơ quan, tổ chức, có những người đang gần như không làm việc, không đóng góp, thậm chí còn cản trở, nhưng lại vẫn ung dung hưởng thành quả, tạo ra sự trì trệ cho cơ quan, tổ chức đó.

Thưa ông, hiện nay mặt trái của nền kinh tế thị trường đã bộc lộ khá rõ nét, nó tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có cả hình ảnh của người thầy. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào ?

Cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn, mỗi cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng được môi trường đề kháng; bản thân mỗi người thầy phải nâng cao được năng lực tự đề kháng trước sự tác động của các yếu tố tiêu cực

Tiến sĩ Bùi Anh Thủy  

Khi đã nói đến nền kinh tế thị trường là phải nói đến lợi ích. Một khi tuyệt đối hóa vai trò của lợi ích thì vì lợi ích của cá nhân mình hay của một nhóm, người ta có thể làm mọi việc, kể cả vi phạm đến những nguyên tắc nghề nghiệp. 

Trong giáo dục và đào tạo không phải không có những trường hợp này. Những hiện tượng như mua bán, đổi chác, gian dối của người thầy mà các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội lên án trong thời gian vừa qua, đã không nhiều thì ít cũng ảnh hưởng đến hình ảnh của người thầy và làm tổn thương lòng tự trọng của những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. 

Mặc dù chúng ta có nhiều tấm gương sáng, rất sáng trong giáo dục và đào tạo, những hiện tượng tiêu cực trên chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng nó cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với mỗi cơ sở giáo dục, đào tạo và mỗi người thầy. 

Cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn, mỗi cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng được môi trường đề kháng; cũng như bản thân mỗi người thầy phải nâng cao được năng lực tự đề kháng trước sự tác động của các yếu tố tiêu cực. Sinh thời, C. Mác từng nói rằng: “Nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”. Tôi cho rằng quan điểm này cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị của nó.

"3 công khai, 4 kiểm tra" - Giải pháp nâng cao năng lực tự đề kháng

Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường cao đẳng, đại học đẩy mạnh việc thực hiện “3 công khai, 4 kiểm tra” – một giải pháp không chỉ cho sinh viên mà còn cho toàn xã hội giám sát hoạt động của các trường. Quan điểm của ông về chủ trương này thế nào và Trường Đại học Lao động – Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chủ trương này như thế nào?

 Đó là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” theo đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam. Thực hiện “3 công khai – 4 kiểm tra” là để toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, sinh viên của các Nhà trường cũng như để toàn xã hội biết thực chất và giám sát các hoạt động của các trường. 

Tôi cho đây là một trong những giải pháp có ý nghĩa tích cực mà Bộ GD&ĐT đưa ra nhằm xây dựng môi trường đề kháng và nâng cao năng lực tự đề kháng của mỗi cơ sở giáo dục và đào tạo và cá nhân mỗi nhà giáo.

Đối với trường Đại học Lao động – Xã hội cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh thì ngay sau khi có chủ trương của Bộ Giáo dục – Đào tạo, tập thể đảng ủy và ban lãnh đạo đã tích cực triển khai nhất quán trong Nhà trường. 

Chúng tôi coi đó là điều kiện quyết định để thúc đẩy Trường vươn lên trong định hướng xây dựng một mô hình giáo dục hiện đại, phù hợp xu hướng phát triển – hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam.

-  Xin cảm ơn ông!

Trường ĐHLĐ-XH CS2 đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt chuẩn! Trong tổng số 215 cán bộ viên chức hiện nay, đã có 153 người trình độ trên ĐH, chiếm tỷ lệ 72%. Trong đó, có 4 phó giáo sư, 14 tiến sĩ, 81 thạc sĩ (9 nghiên cứu sinh) và 58 người đang học cao học.

Riêng khối giảng viên, tỉ lệ có trình độ trên ĐH đạt 97,3%. Với những kết quả đó, hiện nay Trường ĐHLĐ-XH CS2 được đánh giá là một trong những trường ĐH có tỷ lệ giảng viên đạt chuẩn cao thuộc tốp đầu khu vực phía Nam”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ