(GD&TĐ) - Đến thời điểm này đã có nhiều trường ĐH, CĐ ở ĐBSCL công bố chỉ tiêu dự kiến tuyển sinh năm 2013. Trước tình hình tuyển sinh năm vừa qua “nóng – lạnh” khác nhau nên năm nay các trường đưa ra chỉ tiêu dự kiến khá dè dặt. Khối ngành kinh tế, sư phạm, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh nhìn chung vẫn duy trì tuyển sinh nhưng chỉ tiêu không cao…
Năm nay các trường ĐH, CĐ ở ĐBSCL giữ chỉ tiêu ở mức ổn định, không tăng so với năm trước |
Là trường đóng vai trò đầu tàu trong hệ thống các trường ĐH ở khu vực ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ đưa ra chỉ tiêu dự kiến tuyển sinh năm 2013 là 8000 (tăng 1000 chỉ tiêu so với năm 2012) cho 65 mã ngành bậc ĐH chính quy và 200 chỉ tiêu cho ngành CNTT bậc CĐ. Theo Trường ĐH Cần Thơ, trong 8000 chỉ tiêu bậc ĐH, trường dành 580 chỉ tiêu đào tạo tại Khu Hòa An (Hậu Giang) với 7 ngành học. Trường tuyển sinh trong cả nước, ngày và khối thi theo quy định của Bộ GD & ĐT, điểm xét tuyển theo ngành học… Được biết Trường ĐH Cần Thơ đang chờ quyết định của Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh thêm 6 ngành mới (dự kiến khoảng 400 chỉ tiêu). Theo kế hoạch dự kiến tuyển sinh của trường, các ngành sư phạm chỉ tiêu ngành thấp nhất là 60, ngành cao nhất là 180. Trong khi đó ngành kinh tế trường chỉ tuyển 80 chỉ tiêu, ngành Tài chính ngân hàng 200 chỉ tiêu. Trường chú trọng đào tạo nhân lực cung cấp cho sự phát triển của vùng ĐBSCL như ngành khoa học môi trường (140 chỉ tiêu), CNTT (160), Kỹ thuật cơ khí (240), Kỹ thuật công trình xây dựng (240), Khoa học cây trồng (270), Kinh tế nông nghiệp, Nuôi trồng thủy sản, Quản lý đất đai… Đây là những ngành thế mạnh của trường và nhu cầu các địa phương trong vùng đang rất cần nguồn nhân lực.
Trường ĐH Đồng Tháp dự kiến năm 2013 tuyển khoảng 3.600 chỉ tiêu, trong đó bậc ĐH tuyển 2.500 chỉ tiêu (giảm 300 chỉ tiêu so với năm 2012). Trường vẫn duy trì tuyển sinh các ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán. Trong mùa tuyển sinh năm 2012, Trường ĐH Đồng Tháp phải tạm dừng tuyển sinh các ngành Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp bậc ĐH và Công nghệ thiết bị trường học bậc CĐ. Trường dừng tuyển sinh các ngành trên do số thí sinh trúng tuyển quá ít, không đủ để mở ngành.
Năm 2013 Trường ĐH An Giang dự kiến tuyển 3.290 chỉ tiêu, trong đó có 2.330 chỉ tiêu ĐH và 960 chỉ tiêu CĐ. Năm nay trường dành chỉ tiêu cho ngành sư phạm khá ít, khoảng 40 chỉ tiêu/ngành. Bên cạnh đó trường dự kiến tuyển khối ngành kinh tế với chỉ tiêu khá cao như: Tài chính doanh nghiệp (100), Kế toán (100), Kinh tế quốc tế (50), Quản trị kinh doanh (150), Tài chính - Ngân hàng (150)… Được biết năm 2012 Trường ĐH An Giang cũng tạm dừng tuyển sinh 4 ngành: Sư phạm Sinh học, Sư phạm Tin học, Chăn nuôi bậc ĐH và Chăn nuôi bậc CĐ. Theo Trường ĐH An Giang thì các ngành ngoài sư phạm sẽ tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh ĐBSCL. Các ngành sư phạm sẽ tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ). Các ngành còn lại tuyển sinh cả nước.
Dự kiến năm 2013 Trường ĐH An Giang sẽ có thêm các ngành liên kết đào tạo. Trường xin chủ trương của Bộ GD&ĐT liên kết với một số trường ĐH trong nước đào tạo một số ngành đặc thù: Ngành GD Mầm non (trình độ ĐH) liên kết với Trường ĐHSP- ĐH Huế. Ngành SP Âm nhạc, SP Mỹ thuật (trình độ ĐH) liên kết với trường ĐH Sài Gòn. Ngành Giáo dục Thể chất (trình độ ĐH) liên kết với trường ĐH Sư phạm TDTT TP. HCM. Ngành Bảo vệ thực vật liên kết với Ttường ĐH Nông lâm- ĐH Huế…
Trường ĐH Tiền Giang dự kiến tuyển 2.170 chỉ tiêu năm 2013, trong đó có 670 chỉ tiêu ĐH và 1.500 chỉ tiêu CĐ. Ở bậc ĐH, ngành học ngoài sư phạm có tới 620 chỉ tiêu, ngành ĐH sư phạm chỉ có 50 chỉ tiêu cho ngành Giáo dục tiểu học. Ở bậc CĐ, các ngành học ngoài sư phạm tuyển 1.290 chỉ tiêu, ngành sư phạm tuyển 210 chỉ tiêu (GD mầm non 170 và Sư phạm Anh văn 40). Trường tuyển sinh trong khu vực ĐBSCL. Các ngành sư phạm chính quy chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Tiền Giang.
Trường ĐH Y Dược Cần Thơ năm 2013 sẽ tuyển 1.250 chỉ tiêu, tăng 150 chỉ tiêu so với năm 2012. Trường dự kiến mở ngành mới là Bác sĩ y học cổ truyền. Tính thêm ngành mới, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ có 8 ngành ĐH: Y đa khoa, Y tế công cộng, Xét nghiệm y học, Dược học, Điều dưỡng, Răng hàm mặt, Y học dự phòng, Bác sĩ y học cổ truyền. ĐH Y Dược Cần Thơ là trường đóng vai trò quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y tế cho vùng ĐBSCL. Trường tuyển thí sinh có hộ khẩu ở các tỉnh ĐBSCL, miền Đông Nam bộ và Nam Trung bộ.
Năm 2013, ĐH Trà Vinh dự kiến tăng 100 chỉ tiêu bậc ĐH và 300 chỉ tiêu bậc CĐ. Trong đó bậc ĐH tuyển 3.400 chỉ tiêu, bậc CĐ 1.300 chỉ tiêu. Trường có các ngành đặc thù và có thế mạnh đào tạo như Ngôn ngữ Khmer; Biểu diễn nhạc cụ truyền thống (Biểu diễn nhạc cụ truyền thống Khmer Nam bộ); Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (Văn hóa Khmer Nam bộ, Văn hóa các dân tộc Tây Nam bộ); Sư phạm ngữ văn (Sư phạm ngữ văn Khmer Nam bộ, tiếng Việt)… Năm nay trường sẽ tuyển sinh một số ngành kinh tế, ngân hàng như: Kinh tế (kinh tế đối ngoại; kinh tế nông nghiệp); Tài chính - Ngân hàng (chuyên ngành ngân hàng); Kế toán (chuyên ngành kế toán tổng hợp)… Trường ĐH xây dựng Miền Tây dự kiến tuyển 1.200 chỉ tiêu, trong đó các ngành ĐH 450 chỉ tiêu với 2 ngành: Kiến trúc và Kỹ thuật Công trình Xây dựng. Hệ CĐ trường tuyển 750 chỉ tiêu các ngành: Công nghệ Kỹ thuật Kiến trúc; Công nghệ Kỹ thuật CT Xây dựng; Công nghệ Kỹ thuật Giao thông; Công nghệ Kỹ thuật Tài nguyên nước; Kế toán…
Nguyễn Quốc Ngữ