(GD&TĐ)- Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang đang chủ trương kéo dài thời gian nghỉ Tết lên đến một tháng đối với học sinh ở Mầm non và Tiểu học nhằm vừa nghỉ Tết, vừa kết hợp tránh rét. Thời gian nghỉ học sẽ từ 20/12 âm lịch đến hết mùng 10 tháng Giêng.
Tại Cao Bằng: Hàng nghìn học sinh phải nghỉ học
Trong hai ngày 4-5/1, do thời tiết rét đậm, rét hại nên học sinh một số trường của 3 huyện Nguyên Bình, Thông Nông và Quảng Uyên tỉnh Cao Bằng phải nghỉ học để đảm bảo sức khỏe cho các em.
Trong đó, huyện Thông Nông có hai trường Tiểu học, 2 trường THCS; huyện Nguyên Bình có 1 trường Tiểu học; huyện Quảng Uyên có 9 trường Tiểu học với 892 em học sinh, 7 trường Mầm non với 1.230 trẻ phải nghỉ học do rét.
Sở dĩ chỉ có một số trường tại các huyện này nghỉ học do thời tiết là do các phòng GD-ĐT tại đây căn cứ vào tình hình thời tiết của từng khu vực trong huyện mình để có kế hoạch phù hợp, đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Cao bằng là tỉnh miền núi vùng Đông Bắc Bộ có địa hình đồi núi xen kẽ nên có rất nhiều tiểu vùng khi hậu khác nhau khá xa. Trong hai ngày 4-5/1 vừa qua học sinh của 3 huyện trên phải nghỉ học là do nhiệt độ tại đây xuống dưới 10 độ, có nơi dưới 7 độ. Hiện Sở GD-ĐT Cao Bằng đang áp dụng chế độ báo cáo trong ngày đối với các huyện có trường phải cho học sinh nghỉ học do rét.
Trong khi đó tại Lạng Sơn, nhiệt độ ở một số huyện, nhất là khu vực vùng biên giới như Mẫu Sơn, Cao Lộc, Bình Lộc có nơi đã xuống đến 4 độ C. Vì thế, trong hai ngày vừa qua (4-5/1), Phòng GD-ĐT các huyện này đã chủ động cho học sinh Mầm non và Tiểu học được nghỉ học vì thời tiết quá lạnh.
|
Không để học sinh đi học trong thời tiết rét bất lợi. Ảnh, internet |
Sở GD-ĐT Lạng Sơn cho biết, nếu thời tiết tiếp tục có diễn biến xấu như hiện nay và kéo dài trong vài ngày tới thì học sinh ở đây vẫn chưa thể đến trường.
Nếu nghỉ rét kéo dài thêm vài hôm nữa, chương trình của hai cấp học này cũng không bị trễ so với tiến độ chung của toàn ngành; vì Lạng Sơn đã bố trí học sớm hai tuần so với thời gian chính khóa. Bên cạnh đó, thời gian nghỉ Tết của học sinh Lạng Sơn sẽ chỉ khoảng 10 ngày so với khoảng 15 ngày như các tỉnh khác.
Bên cạnh việc chủ động cho học sinh nghỉ học tránh rét, Sở GD-ĐT Lạng Sơn cũng đã tổ chức quyên góp tiền và quần áo ấm cho học sinh nghèo vùng cao, mỗi giáo viên, cán bộ ủng hộ ít nhất 20.000 đồng. Kết quả, giáo viên toàn ngành đã quyên góp được 500 triệu đồng.
Tại Lào Cai, công tác đối phó với thời tiết giá lạnh cũng được Sở GD-ĐT chủ động triển khai từ đầu năm học. Cụ thể với từng Phòng trực thuộc, thành lập một bản đồ xác định những trường nằm trong vùng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi thời tiết để có phương án kiểm tra, sửa chữa cơ sở vật chất đảm bảo việc dạy và học ở các trường này.
So với các tỉnh khu vực miền núi, Hà Nội có ấm hơn nhưng nhiệt độ cũng đang ở mức 7-10 độ C. Sở GD-ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các trường kiểm tra lại cơ sở vật chất, không bắt học sinh mặc đồng phục nếu không đủ ấm, không tập trung học sinh ngoài trời trong điều kiện giá rét và có thể điều chỉnh giờ học để các em không phải đến trường quá sớm.
Trong khi ngành Giáo dục các địa phương cả nước đang ráo riết triển khai phương án tránh rét cho học sinh thì tình hình thời tiết trong mấy ngày tới vẫn không có tín hiệu ấm lên.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hôm nay (6/1), một đợt gió mùa Đông Bắc lại tràn xuống nước ta làm nền nhiệt độ sẽ giảm sâu hơn, trời càng thêm rét buốt. Trong 2-3 ngày tới, nhiệt độ ở phía đông Bắc Bộ xuống rất thấp, trong đó Hà Nội và các tỉnh lân cận phổ biến từ 8-13 độ C, vùng núi cao từ 5-9 độ C.
Rét đậm cũng tấn công các tỉnh Bắc miền Trung từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh với nhiệt độ chỉ còn từ 12-18 độ C. Khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ trời từ rét hoặc se lạnh, nhiệt độ phổ biến trong khoảng 15-27 độ C. Không khí lạnh tràn về yếu hơn nên tại các tỉnh Tây Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La trời chỉ rét thường, nhiệt độ từ 14-25 độ C.
Dự báo, khoảng ngày 9-10.1 và 12-13.1 sẽ còn có không khí lạnh tăng cường bổ sung nên đợt rét đậm sẽ kéo dài ít nhất đến giữa tháng 1 này.
Giang Đông