Các quốc gia ứng phó khẩn cấp với Covid-19

Các quốc gia ứng phó khẩn cấp với Covid-19

Vùng dịch ngoài Trung Quốc

Hôm 23/2, chính phủ Hàn Quốc đã nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất trong thang 4 cấp, sau khi nước này ghi nhận hơn 600 người nhiễm bệnh và 6 người thiệt mạng do Covid-19. Hầu hết ca nhiễm tập trung tại thành phố Daegu lớn thứ tư đất nước và tỉnh Gyeongsang Bắc lân cận.

Giới chức Hàn Quốc sáng 24/2 thông báo nước này vừa có thêm 161 người dương tính với Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 763. Con số này đã khiến Hàn Quốc trở thành nơi có nhiều người nhiễm virus nhất ngoài Trung Quốc. Trước đó, con tàu du lịch Diamond Princess, cập cảng Yokohama tại Nhật Bản, là nơi ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm virus nhất với hơn 500 ca.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc, trong số ca nhiễm mới, 129 người có liên hệ với giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa) ở Daegu.

Một phụ nữ 61 tuổi - thành viên giáo phái này, được cho là đã truyền bệnh sang nhiều người khác khi tham dự các thánh lễ ở nhà thờ tại Daegu. Người này được nhận định là trường hợp “siêu lây nhiễm”. Hai ổ dịch lớn nhất ở Hàn Quốc là Daegu, nơi có nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa, và bệnh viện ở Cheongdo.

Trong khi đó, tại Italy, giới chức nước này đã ghi nhận trường hợp thứ 3 tử vong do Covid-19 và hơn 150 trường hợp nhiễm bệnh. Con số này được cho là đã tăng đột biến, khi trước đó, Italy chỉ ghi nhận 3 người nhiễm Covid-19. Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, chính phủ Italy đã phong tỏa các thị trấn bị ảnh hưởng và cấm các cuộc tụ họp công cộng.

“Tôi đã rất bất ngờ trước sự bùng nổ của số người nhiễm Covid-19. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”, Thủ tướng Italy, ông Giuseppe Conte phát biểu. Thủ tướng Conte cũng cảnh báo rằng, con số này có thể sẽ còn tăng lên trong những ngày tới.

Song song đó, các cơ quan y tế tại Italy đang nỗ lực trong việc tìm hiểu nguồn lây lan. “Nếu chúng ta không thể tìm thấy “bệnh nhân số 0”, thì điều đó có nghĩa là virus thậm chí còn lây lan dễ dàng hơn chúng ta nghĩ”, ông Luca Zaia, thống đốc khu vực Veneto cho hay.

“Chúng tôi bày tỏ mối quan tâm về sự lây lan của dịch bệnh, nhưng chúng ta không cần phải hoảng sợ”, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế và thuế của EU, ông Paolo Gentiloni nhấn mạnh.

Tại khu vực Trung Đông, Iran là quốc gia đầu tiên công bố 2 trường hợp nhiễm Covid-19 vào ngày 19/2. Mới đây, nước này đã xác nhận 43 trường hợp nhiễm bệnh và 8 ca tử vong. Trước tình hình này, Ả-rập Xê-út, Kuwait, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Afghanistan đã áp đặt các hạn chế đi lại và nhập cư đối với công dân Iran.

Tình hình dịch bệnh phức tạp

Tính tới cuối ngày 23/2, Trung Quốc công bố đã ghi nhận thêm 409 ca nhiễm mới, trong đó chỉ có 11 ca nằm ngoài tỉnh Hồ Bắc. Con số này được cho là thấp nhất từ khi chính quyền Trung Quốc công bố dữ liệu một tháng trước.

“Hiện tại, tình hình dịch bệnh vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp. Công tác phòng chống và kiểm soát dịch cũng đang ở giai đoạn khó khăn nhất”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định. Bên cạnh đó, giới chức nước này cũng kêu gọi người dân không nên chủ quan, hạn chế đến những địa điểm đông người và thường xuyên đeo khẩu trang.

Ngay sau khi nhiều người nhiễm Covid-19 tại Hàn Quốc có liên quan đến một nhà thờ tại Daegu, các nhà thờ Công giáo ở thành phố này và Gwangju đã tạm dừng những buổi cầu nguyện. Người dân nước này cũng hạn chế tới nhà thờ, khiến lượng người đến cầu nguyện vào ngày 23/2 sụt giảm nghiêm trọng. “Nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ cần phải thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa”, ông Gi-young (53 tuổi) - một người tới cầu nguyện ở nhà thờ, nói.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, việc nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất sẽ cho phép các cơ quan chức năng điều thêm nguồn lực đến thành phố Daegu và quận Cheongdo - nơi được chỉ định là “khu chăm sóc đặc biệt” kể từ ngày 21/2.

Nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Những tác động tiềm tàng do dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế được cho là một trong những chủ đề nổi bật tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính G20 ở Riyadh (Ả-rập Xê-út). Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva cho biết, mức tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2020 có thể sẽ thấp hơn con số 5,6%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với triển vọng hồi tháng 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống lại dịch bệnh ở thủ đô Bắc Kinh. Theo ông Tập, Covid-19 sẽ có tác động tương đối lớn, nhưng ngắn hạn đối với nền kinh tế. Chủ tịch Trung Quốc cũng khẳng định, Bắc Kinh sẽ tăng cường điều chỉnh chính sách nhằm giảm bớt thiệt hại.

Theo Oxford Economics - cơ quan dự báo và phân tích kinh tế toàn cầu, sự lây lan của virus sang các khu vực bên ngoài châu Á sẽ làm tăng trưởng toàn cầu giảm 1,3% trong năm nay, tương ứng với 1,1 nghìn tỉ USD thu nhập bị mất đi. Oxford Economics nhận định, tác động của Covid-19 sẽ giới hạn ở Trung Quốc, nhưng có tác động đáng kể trong thời gian ngắn đối với nền kinh tế thế giới.

“Mặc dù có sự sụt giảm liên tục trong số lượng trường hợp nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại Trung Quốc, nhưng trong 2 ngày qua, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ trong số ca nhiễm bệnh tại các khu vực khác trên thế giới”, ông Paul Hunter, Giáo sư Y khoa tại Trường Đại học East Anglia (Anh) phát biểu.
Ngày 22/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ lo ngại khi phát hiện rằng, nhiều trường hợp nhiễm bệnh không có mối liên hệ rõ ràng với Trung Quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.