Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm 12 nước thành viên và thỏa thuận này đang trong giai đoạn 2 năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.
Tuy nhiên, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, hiệp định có sự tham gia của Mỹ và 11 đối tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương này gây phương hại cho khu vực sản xuất của Mỹ và cướp công ăn việc làm của người dân nước này.
Rút Mỹ khỏi TPP là một trong những quyết định đầu tiên của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP.
Chính quyền mới của Mỹ “dị ứng” với TPP đến đâu?
Ngay trong ngày làm việc chính thức đầu tiên, tân Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành chính chính thức rút nước này khỏi TPP nhằm hiện thực hóa cam kết ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016.
Phát biểu sau khi ký sắc lệnh ông Trump nhấn mạnh: “TPP không phải là cách đi đúng. Chúng ta sẽ phải quay trở lại với các nước và đàm phán song phương. Điều này sẽ tốt hơn. T
ôi hôm nay cũng đã có cuộc gặp với nhiều lãnh đạo công ty lớn như Ford, Johnson&Johnson. Họ đều rất vui mừng với quyết định mà chính phủ đang làm. Kế hoạch hiện nay đang mất quá nhiều thời gian.”
Theo phân tích của USA Today, thực tế ông Trump không hoàn toàn phản đối các thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên vốn là một nhà kinh doanh đã quen với các cuộc đàm phán kéo dài, nên ông Trump thấy Hiệp ước đa phương buộc một số nước phải có các nhượng bộ lớn hơn.
Một quan chức thân cận của ông Trump cho biết, Mỹ nên tìm kiếm thêm các thỏa thuận song phương giữa Mỹ và các nước khác – sẽ dễ dàng và đàm phán nhanh hơn so với đa phương.
Tuy nhiên giới quan sát cũng nhận định, việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ làm giảm vị thế của nước này ở châu Á và khiến Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain ngày 23/1 cũng ra tuyên bố chỉ trích hành động rút khỏi TPP là “một sai lầm nghiêm trọng”.
Ông cho rằng quyết định của tân Tổng thống Trump sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực về lâu dài đối với nền kinh tế Mỹ và vị thế chiến lược của nước này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các nước tham gia TPP khẩn trương lên “kế hoạch B”
Trước việc Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi TPP, nhiều nước thành viên khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi và đang cân nhắc khả năng triển khai hiệp định này mà không cần có Mỹ tham gia.
Ngày 24/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - một nước thành viên quan trọng trong TPP cho biết sẽ tiếp tục lên tiếng ủng hộ thương mại tự do, trong khi đó các quan chức Nhật Bản khẳng định sẽ không từ bỏ Thỏa thuận này.
Chile ngày 23/1 cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi các thỏa thuận thương mại mặc dù Mỹ rút khỏi TPP. Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz cho biết đã mời Bộ trưởng các nước thành viên TPP cũng như đại diện Trung Quốc và Hàn Quốc tham gia một hội nghị tại Chile vào tháng 3 tới, để thảo luận các bước đi tiếp theo.
Còn Australia hôm nay hi vọng có thể cứu vãn TPP bằng việc khuyến khích Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác tham gia thỏa thuận. Theo Australia, Trung Quốc và Indonesia có thể lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết: “Chính sách của Mỹ có thể thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên vẫn có cơ hội để thúc đẩy TPP mà không có Mỹ. Tôi đã có các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo khác trong TPP, trong đó có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để bàn về vấn đề này.”
Thủ tướng New Zealand Bill English cũng cho biết nước này đang nghiên cứu “kế hoạch B” cho thỏa thuận TPP và khả năng có sự tham gia của Trung Quốc.
Theo ông Bill English, việc tân Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi TPP sẽ không ngăn cản 11 nước còn lại cân nhắc một phiên bản sửa đổi của hiệp định này.
Ông Bill English cũngcho rằng chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền mới ở Mỹ “không có lợi cho các nước và cũng sẽ không có lợi cho Mỹ về lâu dài”. Bộ trưởng Thương mại New Zealand cho biết, các nước thành viên TPP sẽ có cuộc gặp trong những tháng tới để thảo luận biện pháp cứu vãn Thỏa thuận thương mại này./.