Các chuyên gia y tế đã cảnh báo châu Á có thể trở thành khu vực tiếp theo bùng phát Zika quy mô lớn sau khu vực Nam và Trung Mỹ. Thậm chí, họ mô tả tình hình ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở các quốc gia có môi trường nhiệt đới, là “một quả bom hẹn giờ”. Nhiều nước trong khu vực có dân số đông đúc và có thể là môi trường sinh sản màu mỡ cho muỗi - sinh vật truyền virus Zika.
Tạp chí y khoa The Lancet (Anh) đã đăng một mô hình mới cho thấy Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Nigeria và Pakistan là các quốc gia được dự báo có rủi ro cao nhất với dịch virus Zika.
Phun thuốc diệt muỗi tại Singapore.
Không cách ly, tập trung diệt muỗi
Ở Singapore, số ca nhiễm virus Zika đã nhảy vọt lên 275 chỉ trong vòng 10 ngày kể từ khi dịch được ghi nhận ngày 27/8, khiến Bộ Y tế nước này rơi vào tình trạng báo động. Các ngày tiếp theo, Singapore đều ghi nhận các ca mới nhiễm Zika. Tính đến ngày 16/9, số ca nhiễm là 355, trong đó có 8 phụ nữ mang bầu. Các ca nhiễm liên quan tới 7 chùm bệnh.
Bộ Y tế Singapore đã phản ứng với dịch Zika bằng một kế hoạch hành động ba giai đoạn gồm chuẩn bị, phản ứng và quản lý dài hạn. Bộ này đã phối hợp với Viện Sức khỏe Môi trường thuộc Cơ quan Môi trường Quốc gia để thực hiện chương trình giám sát Zika cách đây hai năm. Hai đơn vị có khoảng 200 phòng khám. Họ thu thập mẫu máu từ bệnh nhân có triệu chứng Zika và xét nghiệm.
Với những ca đầu tiên, Bộ Y tế Singapore thực hiện soi chiếu thành viên cùng nhà bệnh nhân. Cơ quan Môi trường Quốc gia thì triển khai nhân viên thực hiện chiến dịch kiểm soát vật truyền bệnh ở những khu vực có virus một cách triệt để. Hai đơn vị đã hành động để chủ động phát hiện các ca bệnh, xác định chùm bệnh để quản lý sự lây lan của virus.
Việc xét nghiệm virus Zika được nhà nước trợ cấp với mọi người Singapore, chứ không chỉ với các ca thuộc chùm bệnh. Phụ nữ có thai sẽ được hỗ trợ theo nhóm đặc biệt. Bộ không khuyến khích xét nghiệm thường kỳ với thai phụ không có triệu chứng Zika. Còn thai phụ có triệu chứng hoặc thai phụ có chồng nhiễm Zika sẽ được xét nghiệm miễn phí tại các cơ sở y tế công và tư nếu bác sĩ thấy cần xét nghiệm.
Do Zika là bệnh muỗi truyền và phần lớn người nhiễm không có triệu chứng nên chính phủ Singapore không có chính sách cách ly hay yêu cầu người nhiễm Zika nhập viện do không có hiệu quả và không cần thiết. Thay vào đó, nỗ lực dồn cho việc kiểm soát muỗi truyền bệnh. Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong xác định cuộc chiến chống Zika là cuộc chiến trường kỳ vì muỗi truyền bệnh có ở mọi nơi. Ông khẳng định: “Khi đối phó với Zika, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Bằng cách phối hợp với nhau, chúng ta có thể khống chế thành công Zika trong dài hạn”.
Phòng chống Zika từ sân bay
Còn tại Indonesia, Tổ chức Y tế Thế giới coi quốc gia này là nơi dễ truyền dịch Zika và có bằng chứng cho thấy Zika xuất phát từ muỗi trong vùng. Dù vậy, chính quyền quốc gia 250 triệu dân này chưa ghi nhận trường hợp nhiễm Zika nào gần đây. Ông Muhamad Subuh, Tổng Giám đốc cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Indonesia cho biết: “Tại thời điểm này, chúng tôi không thể ra ngoài và xét nghiệm tất cả mọi người hay mọi ca nghi nhiễm Zika vì quá tốn kém. Có những ưu tiên khác như sốt xuất huyết, căn bệnh vốn phổ biến hơn và nguy hiểm hơn. Chúng tôi phải phân bổ nguồn lực tùy theo mức độ”.
Dù vậy, theo thông tin mới nhất ngày 15/9, Bộ Y tế Indonesia cũng đã phải có biện pháp phòng chống Zika khi ở sát nách ổ dịch Singapore. Bộ này đã lắp đặt 1.000 bẫy ấu trùng khắp các khu vực ở sân bay Soekarno - Hatta ở Jakarta, một trong những sân bay đông đúc nhất Đông Nam Á. Bẫy được đặt trong vườn, sảnh đến và đi, văn phòng, nhà vệ sinh và các khu vực công cộng ở sân bay.
Bẫy là môi trường giả cho muỗi đẻ trứng và hóa chất trong bẫy sẽ giết ấu trùng. Giới chức y tế hi vọng cách này sẽ giảm hiệu quả số lượng muỗi. Biện pháp đặt bẫy là một phần trong chương trình phòng ngừa Zika của Indonesia mang tên 3M. Ngoài ra, mọi hành khách đến từ Singapore đều bị phía Indonesia quét thân nhiệt từ tháng 8. Có khoảng 6.000 khách đến từ Singapore mỗi ngày.