Các NHTM đồng thuận giảm lãi suất cho vay

Các NHTM đồng thuận giảm lãi suất cho vay

(GD&TĐ) - Ngày 29-8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố nội dung cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 12 ngân hàng thương mại (NHTM) về các giải pháp triển khai hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2011.

Tại cuộc họp, Thống đốc NHNN đã đánh giá tình hình tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 8 tháng đầu năm và trao đổi định hướng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ trong 4 tháng cuối năm 2011. Đại diện các NHTM tham dự cuộc họp phát biểu ý kiến nhất trí cao với những đánh giá và định hướng các giải pháp điều hành của Thống đốc NHNN, đồng thời bày tỏ quyết tâm trong việc thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp điều hành hoạt động ngân hàng trong các tháng cuối năm 2011.

Về lãi suất, các ngân hàng cam kết thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động 14%/năm và đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường xuống 17-19%/năm từ giữa tháng 9/2011.

Các ngân hàng cam kết thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động 14%/năm. Ảnh: Internet
Các ngân hàng cam kết thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động 14%/năm. Ảnh: Internet

Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tình hình thực tế của thị trường và ý kiến của các NHTM, Thống đốc NHNN đã có ý kiến kết luận về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 4 tháng cuối năm, cụ thể:

Thứ nhất: Các TCTD tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20% theo yêu cầu của NHNN tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 1/3/2011 về thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Hiện nay, thanh khoản VND toàn hệ thống đang dư thừa; do vậy trước mắt, NHNN xem xét tạm thời chưa áp dụng quy định về tỷ lệ sử dụng vốn tại Thông tư số 13/2010/TT-NHNN, Thông tư 19/2010/TT-NHNN nhằm tạo sự luân chuyển và điều hòa vốn giữa thị trường I và thị trường II, giữa TCTD thừa và TCTD thiếu vốn, giúp các TCTD thiếu vốn có điều kiện tăng trưởng tín dụng trong giới hạn 20% và hạ được lãi suất cho vay.

Thứ hai: Về điều hành cung ứng tiền, trong hơn 8 tháng đầu năm, NHNN đã điều hành linh hoạt cung ứng tiền phù hợp với chỉ tiêu của Chính phủ phê duyệt từ đầu năm. Từ nay tới cuối năm, tùy theo diễn biến thị trường, đặc biệt là tình hình cung cầu ngoại tệ, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt qua các kênh, đảm bảo hài hòa về mức tăng và lượng cung ứng tiền qua các tháng, đảm bảo mục tiêu chính sách tiền tệ.

Thứ ba: Về lãi suất, từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục giữ ổn định mức trần lãi suất huy động vốn bằng VND 14%/năm để tạo điều kiện cho các TCTD đưa mặt bằng lãi suất cho vay về biên độ 17-19% đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường; giữ nguyên trần lãi suất bằng ngoại tệ của các TCTD đối với khách hàng là tổ chức và dân cư, nhằm góp phần thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ; yêu cầu các TCTD quan tâm điều hành, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ nhằm hạn chế rủi ro cho các TCTD và góp phần ổn định thị trường ngoại hối.

Thứ tư: Để góp phần kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, NHNN sửa đổi cơ chế cho vay bằng ngoại tệ theo hướng quy định điều kiện chặt chẽ hơn đối với khách hàng không có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ vay; tăng tỷ lệ và mở rộng phạm vi áp dụng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các TCTD.

Thứ năm: Điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đến cuối năm tỷ giá biến động tối đa 1%. Định hướng này được dựa trên cơ sở diễn biến cán cân thanh toán quốc tế có khả năng thặng dư từ 2,5-4,5 tỷ USD và Dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua. Trong mọi tình huống, NHNN đủ sức để can thiệp bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Thứ sáu: Về điều hành thị trường vàng, NHNN sẽ điều hành theo mục tiêu bỉnh ổn giá vàng trong nước diễn biến phù hợp với giá vàng quốc tế, chống đầu cơ, làm giá. NHNN xây dựng và trình Chính phủ phương án bình ổn giá vàng trong ngắn hạn và phương án NHNN huy động vàng trong nền kinh tế để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người dân nắm giữ vàng cũng như tăng cường sự quản lý của Nhà nước.

Thứ bẩy: NHNN tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD, trước mắt tập trung thanh tra các TCTD có tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao, xử lý nghiêm và kịp thời đối với những sai phạm của TCTD nhằm đảm bảo việc thực thi chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng có hiệu quả trên cơ sở đồng thuận để đạt được. Các TCTD tự giám sát việc thực hiện trần lãi suất huy động vốn, trường hợp phát hiện vi phạm tại TCTD nào, báo cáo NHNN để xử lý nghiêm, NHNN sẽ cụ thể hóa các biện pháp xử lý vi phạm và công khai phổ biến cho các NHTM.

Thứ tám: Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều ý kiến cho rằng dưới tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, đi vay với lãi suất cao, là nguyên nhân dẫn đến nhiều doanh nghiệp bị phá sản. Các TCTD cần có đánh giá về năng lực tài chính, về cơ cấu nguồn vốn và tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp là khách hàng của TCTD để tuyên truyền, tạo sự chia sẻ của dư luận xã hội đối với hoạt động của ngành. 

Thứ chín: Thống đốc NHNN cũng khẳng định thường xuyên duy trì một cơ chế đối thoại chính sách giữa NHNN với các NHTM và đặc biệt là với 12 NHTM hàng đầu của Việt Nam (chiếm gần 80% thị phần hoạt động ngân hàng). Trừ trường hợp đột xuất, hàng quý NHNN sẽ họp với nhóm 12 ngân hàng này để kịp thời cập nhật và thảo luận những vấn đề thời sự trong kỳ của ngành. Các cuộc họp sẽ được luân phiên tại trụ sở chính của các NHTM thành viên. Giúp việc cho các cuộc họp có Ban thư ký do Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN làm trưởng ban, và 12 thành viên từ các NHTM trong nhóm. Ban thư ký có trách nhiệm tổng hợp, cập nhật tình hình, ý kiến đề xuất của các NHTM và dự thảo chương trình nghị sự của các cuộc họp. Thống đốc NHNN khẳng định: Việc cho phép các NHTM tham gia rộng rãi vào quá trình xây dựng chính sách sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các NHTM trong quá trình thực thi chính sách.

Vũ Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ