Các nhà lãnh đạo thế giới đang nhóm họp tại Trụ sở của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) để xem lại những thành tựu, những khoảng cách trong quá trình đạt được các mục tiêu trên đã được thế giới chấp nhận năm 2000 để chống lại đói nghèo, tăng bình đẳng về giới, tăng cường chăm sóc y tế cho phụ nữ và cải thiện GD tiểu học.
Các nhà lãnh đạo phát biểu tại cuộc họp tại Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Mỹ) |
Những thông điệp quan trọng
Tổng thư ký Ban Ki-moo nói: “Không có dự án toàn cầu nào quan trọng hơn. Chúng ta hãy gửi một thông điệp hy vọng mạnh mẽ. Chúng ta hãy giữ lời hứa. Mặc dù có những khó khăn, những hoài nghi, mặc dù thời hạn năm 2015 đang đến gần thì Các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vẫn có thể đạt được”. Ông Ban kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy làm đúng những cam kết của mình tới cùng.
Phát biểu tại cuộc họp, chủ tịch Đại hội đồng lần thứ 65, ông Joseph Deiss nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế có trách nhiệm quan tâm đến những thành viên yếu ớt nhất của mình. “Chúng ta phải làm, chúng ta muốn làm và chúng ta có thể làm được. Chúng ta không có quyền thất bại. Cả thế giới đang nhìn chúng ta” – ông Deiss nói.
Các nhà lãnh đạo và quan chức cao cấp của chính phủ các nước đang có những bài phát biểu tại cuộc họp cấp cao này trong vòng 3 ngày tới. Họ cũng có các cuộc thảo luận bàn tròn xác định sẽ tập trung nỗ lực như thế nào trong vòng 5 năm tới để đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Khi phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng, Bộ trưởng Nội vụ Nepal nói rằng các quốc gia kém phát triển nhất cần sự hợp tác hiệu quả của cộng đồng thế giới để đạt được các mục tiêu trên.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói rằng chỉ còn 5 năm nữa để đạt mục tiêu, các nhà lãnh đạo thế giới cần thực hiện cam kết và tăng cường các nỗ lực. Ông nhấn mạnh: “Trong khi tất cả các quốc gia phát triển đang bị thâm hụt tài chính, họ phải tìm các nguồn quỹ mới để chống lại đói nghèo, giáo dục và giải quyết các vấn đề y tế lớn ở châu Phi. Chúng ta không có quyền làm ít đi. Quyết định chúng ta đã đưa ra, chúng ta hy vọng tất cả các quốc gia phát triển sẽ đồng ý làm nhiều hơn nữa, làm một cách tự nhiên như một ưu tiên cho châu Phi”.
Hà Châu (Theo Xinhua)