Các dự án ứng dụng Công nghệ thông tin của học sinh tăng mạnh

GD&TĐ - Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm nay có 488 dự án, tăng thêm 30 dự án so với năm trước. Lĩnh vực Phần mềm hệ thống có số lượng các dự án tăng vượt trội (với gần100 dự án) theo xu hướng ứng dụng CNTT.

Các dự án ứng dụng Công nghệ thông tin của học sinh tăng mạnh
Buổi họp báo về cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017 – 2018
Buổi họp báo về cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017 – 2018

Ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), thành viên Ban chỉ đạo cuộc thi đã thông tin với báo chí trong buổi họp báo về cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017 – 2018.

Cùng chủ trì buổi họp báo có bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An.

Tại cuộc thi lần này, lĩnh vực Kỹ thuật -  Cơ khí vẫn có số dự án nhiều nhất. Các dự án cơ khí tập trung vào các ứng dụng thực tiễn trong nông nghiệp, gắn với thực tiễn lao động sản xuất.

 Các dự án về môi trường, hoá – sinh có xu hướng nghiên cứu về cây bản địa và công dụng, kinh nghiệm dân gian ứng dụng trong cuộc sống, điều trị bệnh.

Lĩnh vực xã hội hành vi được các tác giả/nhóm tác giả dự án đi nhiều vào công tác giáo dục học đường, tâm sinh lý lứa tuổi, tâm lý giới, kỹ năng sống…

Công tác chấm giải được BTC năm nay đặc biệt chú trọng. Tại cuộc thi này, đề tài nghiên cứu được thực hiện trong 1 năm có thầy hướng dẫn, các đề tài có thể làm thí nghiệm ở trường, các cơ sở thí nghiệm. Tuy nhiên tiêu chí chấm, kết quả điểm của đề tài về mặt khoa học, không phải là tiêu chí duy nhất.

Công tác chấm và đánh giá dự án được tập trung vào tỷ lệ đóng góp, tham gia của học sinh, vai trò của các em trong quá trình hình thành ý tưởng, xây dựng đề tài, hoàn thiện dự án- sản phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: Năm nay giám khảo chấm thi được chọn ngẫu nhiên trong hàng trăm giám khảo là các giáo sư, chuyên gia để đảm bảo tính khách quan.

Tại các vùng miền, những giám khảo đã chấm tại cuộc thi khu vực năm trước chỉ chiếm 50% trong danh sách này, còn lại 50% là những giám khảo chưa từng chấm thi tại khu vực. Một giám khảo có thể được đảo chấm đề tài ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Năm nay một dự án do 10 giám khảo chấm, được chia làm 2 phần chấm: báo cáo tóm tắt của tác giả và phần phỏng vấn tác giả dự án. Mỗi giám khảo sẽ cho điểm độc lập, rồi nhập chung vào phần mầm xử lý mới có kết quả điểm cuối cùng.

Mỗi giám khảo chấm thi tại cuộc thi năm nay được phát một máy ghi âm, ghi lại câu hỏi giám khảo và phần trả lời của thí sinh để minh bạch quá trình chấm sau này.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2017 - 2018 sẽ được tổ chức ở khu vực phía Bắc (tại Nghệ An) và phía Nam (tại Lâm Đồng);

Cuộc thi khu vực phía Bắc năm nay có 34 đơn vị tham gia dự thi với 249 dự án tham gia dự thi; Cuộc thi khu vực phía Nam 34 đơn vị với 239 dự án tham gia dự thi.

Intel ISEF là hội thi khoa học và kĩ thuật quốc tế hàng năm lớn nhất dành cho học sinh trung học (từ lớp 8 đến lớp 12) do tập đoàn Intel là nhà tài trợ chính từ năm 1997.

Mỗi năm có khoảng hơn 1.700 học sinh trung học từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia giới thiệu kết quả ở 22 lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Liên tục tham gia Hội thi khoa học, kĩ thuật quốc tế Intel ISEF tại Hoa Kì trong những năm qua, năm nào đoàn học sinh Việt Nam đều có dự án đoạt giải;

Cụ thể: năm 2012 đoạt 1 giải Nhất; năm 2013 đoạt 2 giải Tư; năm 2014 đoạt 2 giải Tư và 1 giải Đặc biệt; năm 2015 đoạt 1 giải Tư và 1 giải Đặc biệt; năm 2016 đoạt 4 giải Ba; năm 2017 đoạt 1 giải Ba, 4 giải Tư và 4 giải Đặc biệt.

Tỷ lệ dự án đoạt giải của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình 25% của Intel ISEF. Việt Nam là 1 trong số 50% quốc gia có giải hằng năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ