(GD&TĐ)-Đó là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi tại buổi thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các báo cáo của Chính phủ ngày hôm nay (01/10).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Trước tình trạng một số địa phương đang lạm chi vào ngân sách dành cho giáo dục để ưu tiên phát triển kinh tế, ông Đào Trọng Thi đề nghị cần có sự điều hành cứng rắn của Nhà nước để nguồn ngân sách này được sử dụng đúng mục đích. Ông Thi cho rằng, thực trạng này đã tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục trong thời gian qua. Dẫn chứng, hiện nay, quy mô tuyển sinh đào tạo đại học đang vượt xa khả năng đào tạo, dẫn đến càng tuyển sinh đông thì chất lượng đào tạo càng giảm, ông Thi đề nghị, bên cạnh các chỉ tiêu về số lượng trong nhóm các chỉ tiêu phát triển an sinh xã hội, giáo dục đào tạo của giai đoạn 5 năm tới, cần phải có các yếu tố về chất lượng mới đảm bảo hiệu quả phát triển.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 , Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7%, mặc dù thấp hơn so với kế hoạch đề ra nhưng vẫn là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
An sinh xã hội nói chung, nhất là khu vực nông thôn được bảo đảm. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa có bước phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần phân tích, đánh giá sâu sắc hơn nguyên nhân của những tồn tại như: Có tới 10/24 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm, cơ cấu ngành trong GDP và một số chỉ tiêu về môi trường thấp so với kế hoạch; hiệu quả đầu tư chưa cao do đầu tư dàn trải, thời gian triển khai dự án, công trình kéo dài nhất là các công trình cảng biển, sân bay, các khu kinh tế ven biển và các khu kinh tế cửa khẩu.
Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc, lạm phát tăng cao, dư nợ tín dụng ngân hàng tăng nhanh, thâm hụt thương mại, nhập siêu kéo dài, bội chi ngân sách trong nhiều năm ở mức cao, nợ công tăng cao sắp đến ngưỡng an toàn trong khi hiệu quả đầu tư công thấp. An ninh, trật tự, an toàn xã hội còn xảy ra nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng hơn, bạo lực xã hội gia tăng, tội phạm hình sự đã đến mức báo động, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông chưa giảm.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan, những tồn tại trên xuất phát chủ yếu từ lỗi chủ quan: Công tác chỉ đạo, điều hành còn hạn chế, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm, tổ chức bộ máy còn bất cập; việc triển khai thực hiện chưa linh hoạt, đồng bộ; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, nhất là trong phân cấp quản lý ngân sách, quản lý đầu tư, quản lý quy hoạch; nạn tham nhũng, lãng phí. Thêm vào đó, công tác dự báo về các cân đối kinh tế vĩ mô, thị trường, giá cả... chưa theo kịp diễn biến phức tạp tình hình.
Về mục tiêu tổng quát thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với các chỉ tiêu: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 35% GDP; số lao động được tạo việc làm 7,94 triệu người; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm và giảm bình quân 4%/năm với 62 huyện nghèo; tuyển sinh mới chính quy đại học, cao đẳng tăng bình quân khoảng 6-7%/năm ; tuyển mới cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 8%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế 55%; tỷ lệ che phủ rừng là 42-43%.
Tuy nhiên, có đến 6 trong tổng số 22 chỉ tiêu không hoàn thành, hai chỉ tiêu quan trọng là tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm 2010 và chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với nhiều lần điều chỉnh theo điều hành của Chính phủ trong những tháng đầu năm.
Quan tâm đến khâu phân định trách nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý đề nghị làm rõ nguyên nhân của các chỉ tiêu không đạt trong kế hoạch 5 năm qua và phải xác định cơ quan, tổ chức, cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm. Ông Lý đề nghị, cần có chế tài trong việc quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện không đạt các chỉ tiêu mà Quốc hội đã quyết nghị.
Thảo luận tại buổi họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, đối với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015, trong 2-3 năm đầu, tập trung thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và tiến hành bước khởi động mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. 2-3 năm tiếp theo, phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội
Thực hiện Kế hoạch 5 năm tới, Chính phủ nêu 11 nhóm nhiệm vụ định hướng và giải pháp, trong đó tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ giải pháp cấp bách cần triển khai ngay trong năm 2012 gồm: nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; định hướng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại.
Về các giải pháp thực hiện Kế hoạch, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần bổ sung các giải pháp cụ thể hơn nữa như giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp phải làm từng bước như thế nào để người dân hiểu được rằng sẽ làm cho doanh nghiệp lớn lên, mạnh mẽ hơn.
Kết luận về việc xây dựng kế hoạch KT-XH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng báo cáo kế hoạch của Chính phủ cần đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sâu sắc hơn ở các yếu tố chủ quan (trình độ quản lý, điều hành), đồng thời làm rõ hơn những thuận lợi cũng như thách thức để làm sáng tỏ mục tiêu của 5 năm tới.
Minh Duy