Các cơ sở rửa xe ngơ ngác với phí nước thải

GD&TĐ - Nghị định 154 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, đã chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017, quy định các cơ sở rửa, sửa chữa ô tô phải nộp phí nước thải.

Các cơ sở rửa xe ngơ ngác với phí nước thải

 Nghị định đã có hiệu lực cả tháng nay, tuy nhiên hiện nay nhiều đối tượng chưa chịu nộp phí và đơn vị có chức năng trực tiếp thu phí vẫn ngơ ngác khi được hỏi về quy định này.

Phí nước thải bằng 10% giá bán nước sạch

Theo Nghị định 154 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải (ban hành ngày 16/11/2016 và có hiệu lực từ 1/1/2017), cơ sở rửa ô tô, xe máy; Sửa chữa ô tô, xe máy nằm trong nhóm đối tượng chịu phí BVMT nước thải sinh hoạt. Mức phí đối với các cơ sở bằng 10% giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Đối với cơ sở tự khai thác nước, mức phí được tính theo giá bán 1m3 nước sạch trung bình tại xã, phường thị trấn. Trường hợp cần thiết, HĐND cấp tỉnh có thể quy định mức cao hơn để phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Cũng theo Nghị định trên, nơi trực tiếp thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt là đơn vị cung cấp nước sạch. UBND cấp xã thu phí đối với cơ sở tự khai thác nước để sử dụng, sau đó chuyển vào ngân sách Nhà nước. Cùng trong nhóm chịu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt là các đối tượng: Hộ gia đình, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, trụ sở văn phòng, bệnh viện, phòng khám chữa bệnh, nhà hàng, khách sạn...

So với Nghị định hiện hành, việc Nghị định mới quy định cụ thể cơ sở rửa, sửa chữa ô tô, xe máy thuộc diện chịu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt giúp các cơ quan chức năng, đơn vị trên toàn quốc dễ áp dụng, góp phần tạo nguồn kinh phí BVMT từ hoạt động của nhóm đối tượng này. Tuy chưa có số liệu thống kê về cơ sở kinh doanh dịch vụ rửa, sửa chữa ô tô, xe máy nhưng có thể thấy đây là hoạt động phổ biến, nhất là tại các đô thị với hàng nghìn cơ sở và cũng là nơi tiêu thụ, xả thải nước sạch đáng kể.

Người nộp và thu đều... ngơ ngác

Hiện quy định trên đã có hiệu lực thi hành được gần một tháng, nhưng theo khảo sát của chúng tôi, nhiều chủ cơ sở rửa xe, sửa chữa xe vẫn chưa hề biết đến việc phải nộp phí BVMT đối với nước thải.

Tại Hà Nội, khi được hỏi một số cơ sở rửa, sửa chữa ô tô, xe máy chủ các cơ sở này đều tỏ rõ sự bất ngờ khi nghe thông tin này. Anh Bùi Đức An - chủ cơ sở rửa ô tô, xe máy trên đường Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mỗi tháng cơ sở dùng khoảng 100 - 150m3 nước sạch, với giá rửa ô tô 50.000 - 60.000 đồng/xe, xe máy 20.000 đồng/xe.

“Từ trước đến nay chúng tôi chỉ phải mua nước sạch theo giá áp dụng với cơ sở kinh doanh là 25.000 đồng/m3 và không phải trả thêm phí môi trường. Tôi chưa nghe thông tin về việc dịch vụ rửa xe phải nộp phí BVMT nước thải. Nếu Nhà nước có quy định thì chúng tôi phải thực hiện. Nhưng khi đó giá rửa xe chắc cũng phải tăng thêm một chút để bù vào phí BVMT” – anh An cho biết.

Anh Nguyễn Văn Việt - chủ cơ sở rửa xe máy trên đường Nguyễn Hoàng Tôn (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, gia đình tự bơm nước giếng để rửa xe cho khách và chưa nghe có quy định về việc phải nộp phí nước thải.

Không chỉ riêng anh An, anh Việt mà khi được hỏi một số hộ kinh doanh dịch vụ rửa ô tô, xe máy trên đường Hoàng Ngọc Phách, Lê Văn Lương (quận Đống Đa), Cao Bá Quát, Đội Cấn (quận Ba Đình)... cũng đều khẳng định chưa hề nghe nói về quy định này. Nhiều hộ còn thắc mắc “nước dùng hết bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, sao phải đóng phí”.

Điều đáng nói hơn, không chỉ đối tượng chịu phí mà ngay cả nhiều tổ chức, đơn vị có nhiệm vụ thu phí BVMT đối với nước thải cơ sở rửa, sửa chữa xe hiện cũng chưa nắm bắt quy định trên, cũng như chưa có kế hoạch thu phí.

Khi được hỏi, nhiều UBND chính quyền phường đều cho biết họ chưa hề biết đến Nghị định 154. Và để triển khai phải chờ văn bản hướng dẫn từ cấp trên sau đó mới thực hiện. Không chỉ có chính quyền phường, mà ngay cả một số công ty cấp nước sạch của Hà Nội cũng cho biết, chưa nhận được văn bản nào hướng dẫn việc thu phí BVMT đối với nước thải cơ sở rửa xe, sửa chữa xe.

Phí BVMT nhằm mục đích khuyến khích các nhà sản xuất, kinh doanh đầu tư giảm thiểu ô nhiễm, thay đổi hành vi gây ô nhiễm theo hướng tích cực, có lợi cho môi trường. Ngoài ra, phí BVMT còn có mục đích khác là tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước để đầu tư, khắc phục cải thiện môi trường. Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới, khoản phí này được thu từ lâu với những tính toán chi tiết cho từng thông số ô nhiễm để người nộp phí phải “tâm phục, khẩu phục”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ