Sáng 25/10, thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến về tình hình hụt thu ngân sách và tính dàn trải trong đầu tư của các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) hiện nay.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (đoàn Hà Tĩnh) đề cập tình trạng hụt thu ngân sách hiện nay và việc cân đối vĩ mô chưa được ổn định khi mà lạm phát cao hơn tăng trưởng, trong khi yêu cầu lớn là phải tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn để thúc đẩy nền kinh tế đi lên.
Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư phát triển cũng có nhiều điều đáng bàn khi mà tiền mua trái phiếu lại từ các ngân hàng mua là chính bởi ngân hàng thắt chặt cho vay để hạn chế rủi ro, tránh nợ xấu. Trong khi vốn này đáng lẽ để cho doanh nghiệp và người dân vay để phát triển sản xuất.
Về đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội tán thành việc tránh dàn trải trong đầu tư cho các Chương trình mục tiêu quốc gia bởi hiện có đến 16 chương trình như hiện nay. Do đó, nên “gút” lại thành một số chương trình lớn để tập trung đầu tư cho thật hiệu quả.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu đoàn Quảng Nam, cho rằng để bảo đảm nhu cầu phát triển chúng ta vẫn phải vay vốn ODA nhằm đầu tư cho các công trình. Tuy nhiên, cần cân đối, xem xét các dự án đầu tư sao cho thật hiệu quả để con cháu chúng ta còn trả nợ sau này. Trong việc phân bổ ngân sách cũng cần dẹp bỏ tình trạng cục bộ.
Đại biểu Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, tán thành với Tờ trình của Chính phủ trong việc phát hành trái phiếu lấy tiền đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là dành nguồn vốn cho việc mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, vì đây là tuyến đường huyết mạch giao thông và phát triển KTXH của đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng.
Về các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Võ Kim Cự cho rằng, các chương trình mục tiêu vẫn manh mún, dàn trải, trùng lắp giữa các nội dung và cơ quan thực hiện dẫn đến hiệu quả không cao.
“Nên cắt bớt những chương trình không cần thiết để ưu tiên đầu tư cho những công trình lớn. Đề nghị điều chỉnh mục tiêu quốc gia ngay trong năm 2014 theo hướng giảm bớt chương trình mục tiêu quốc gia chỉ để lại chương trình xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo và môi trường”, đại biểu Hà Tĩnh kiến nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị chỉ cần một đầu mối quản lý chương trình mục tiêu quốc gia ở TW, khắc phục tình trạng hiện nay Bộ nào có chương trình là có bộ máy quản lý nên rất cồng kềnh.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh bày tỏ: Tình hình hụt thu khá lớn trong điều hành ngân sách năm nay, ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối chi cho đầu tư phát triển, nhất là đối với các địa phương nghèo, chi đầu tư phát triển chỉ 7-8% thì khó mà vực dậy kinh tế của các tỉnh nghèo được.
Với 16 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay, đại biểu Lê Phước Thanh đề nghị cần giảm bớt để tập trung vào những mục tiêu lớn chứ không dàn trải; tập trung vào chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
Quan tâm việc phát hành trái phiếu, đại biểu Nguyễn Thị Khá, đoàn Trà Vinh, cho rằng vốn trái phiếu Chính phủ lần này cần quan tâm đến giao thông đường thuỷ chứ không chỉ tập trung đầu tư cho đường bộ, đường hàng không, nhất là với đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời, rà soát danh mục bố trí vốn cho hạ tầng quan trọng quốc gia và địa phương nghèo. Việc giám sát thi công các công trình đầu tư cần chặt chẽ và quy trách nhiệm cụ thể chứ không để nhà đầu tư “thông đồng” với tư vấn giám sát để trục lợi, tham nhũng khi đầu tư xây dựng các công trình.
Theo Chinhphu.vn