Vào tháng 2 năm nay, Mỹ đã rời khỏi Hiệp ước này vì cho rằng Nga đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận. Mỹ đã bỏ qua những thông báo của Nga về các đặc điểm, thông số kỹ thuật và khẳng định rằng tên lửa mới 9M729 của Nga là đối tượng vi phạm với tầm bắn vượt quá 500 km.
Nếu ngừng việc thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận INF, Nga có thể sẵn sàng quay lại các dự án chế tạo tên lửa tầm trung và tầm ngắn của mình với các tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5,5 nghìn km.
Các chuyên gia cho rằng, nếu Nga thiết lập các bệ phóng tên lửa với tầm bắn như vậy tại biên giới phía Tây của lãnh thổ, bao gồm khu vực Kaliningrad, thì các căn cứ của NATO ở châu Âu sẽ trở thành mục tiêu cho các tên lửa này.
Theo ước tính, khoảng cách tính theo đường thẳng từ Kaliningrad đến London là chưa đến 1,5 nghìn km và đến căn cứ quân sự của Mỹ ở Sicily (Italia) là khoảng 2 nghìn km. Chính vì vậy, nếu muốn nhắm tới những vị trí này, Nga không nhất thiết phải đặt các bệ phóng tên lửa tại vùng Kaliningrad.
Hơn nữa, các tên lửa tầm ngắn và tầm trung được bắn đi từ Nga còn có thể vươn tới các mục tiêu trên toàn Trung Đông, hay nói cách khác, tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ (NATO) nằm ở khu vực này đều sẽ gặp nguy hiểm.
Do đó, Duma Quốc gia Nga đã tuyên bố rằng nếu Mỹ không sẵn sàng đàm phán thì việc tuân thủ Hiệp ước INF sẽ không còn là bắt buộc đối với Moscow. Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước và Nga cũng có thể làm điều đó.