Người vừa được Liên Hợp Quốc chọn là 1 trong 9 ngôi sao quốc tế tham gia chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu năm 2016 và mới đây là đại sứ cho chiến dịch “Hãy làm sạch biển” tại Việt Nam, trò chuyện với “Buffet cuối tuần”.
Muốn Việt Nam là một điểm đến, hơn là… “điểm nóng”
Còn nhớ, trước đây, khi chị cùng một số nghệ sĩ Việt Nam tham gia chiến dịch bảo vệ tê giác ở tít tận Nam Phi, đã có ý kiến mỉa rằng: “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Đó có phải là lý do khiến lần này chị quyết định nhận làm Đại sứ cho chiến dịch “Hãy làm sạch biển”?
- Tôi nhận lời làm đại sứ cho cả hai chiến dịch đều trước hết xuất phát từ quyền lợi của bản thân tôi. Là người Việt Nam, lấy chồng và nhiều bạn bè cùng chơi là người nước ngoài, lại làm một cái nghề hay đi đây đi đó, tôi rất xấu hổ khi nghe ai đó nói rằng Việt Nam là thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới và một lượng lớn tê giác ở Nam Phi bị giết hại chính là vì thế.
Trong nhiều cuộc trò chuyện với những người bạn nước ngoài, thỉnh thoảng tôi lại gặp phải những câu hỏi khiến tôi rất bối rối vì không biết trả lời sao cho phải. Có cái thì còn cố tìm cách thanh minh, “biện hộ” được, nhưng lại cũng có cái đành phải xấu hổ làm thinh. Tôi không muốn phải trải qua những phút “đứng hình” như thế và không muốn phải xấu hổ khi nói câu “tôi là người Việt Nam, tôi đến từ Việt Nam…” chỉ vì những lý do không đáng như vậy.
Tương tự, là câu chuyện về những bãi biển bị ô nhiễm ở Việt Nam. Từng có dịp đi đây đi đó, tham quan nhiều bãi biển nổi tiếng trong khu vực cũng như trên thế giới, tôi thấy rất tiếc cho nhiều bãi biển đẹp ở Việt Nam mình. Vì xét về cảnh quan tự nhiên, không ít bãi biển của ta còn “ăn đứt” của họ, thế nhưng, lượng khách du lịch của ta lại ít hơn họ gấp nhiều lần.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó, có ít nhất một nguyên nhân mà giờ đây chúng ta đều đã biết rõ: Nhiều bãi biển bị ô nhiễm do những hành vi chủ quan của con người, đã vô hình trung đánh mất đi vẻ đẹp trời phú của nó.
Là một người Việt Nam, tôi không muốn phải xấu hổ khi đi ra ngoài. Là một người vợ, tôi cũng muốn được chồng tôn trọng, trong đó tôn trọng cả mảnh đất đã sinh ra tôi và là nguồn gốc, quốc tịch của tôi… Tôi muốn Việt Nam là một điểm đến, chứ không thể là một “điểm nóng”.
Đó là lý do tôi sẵn lòng tham gia chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, cũng như trước đó, là tài trợ cho một công trình bảo tồn và cứu hộ tại Vườn quốc gia Nam Cát Tiên…
Chứ không phải đơn giản là vì: Những chiến dịch “ngoại” kia thì mạnh tiền mạnh bạc hơn và là cái “mác sang” cho chị khi đi ra ngoài, cũng như trong nước?
- Mạnh tiền mạnh bạc, ai nói với bạn như vậy? Mấy ai biết, trừ khoản tài trợ đi lại, ăn ở, thì “lương” đại sứ của tôi là … 1USD/năm - một con số vô cùng tượng trưng, và để đảm đương tốt vai trò đó, đôi khi tôi phải chấp nhận mất show, “bỏ rơi” chồng con, hay bạc mặt vì di chuyển và làm việc trong nhiều ngày liền dưới nắng nóng, tới mức da nổi nám…
Còn nếu vì danh tiếng, để đi ra ngoài? Xin thưa: Nói thẳng ra là ở Việt Nam chưa có ca sĩ nào đủ tầm vươn ra thế giới cả. Trên thế giới có biết bao ngôi sao tầm cỡ hơn nhiều. Và muốn ra được thế giới thì trước hết phải bằng tài năng và đẳng cấp chứ không thể chỉ bằng những hành động thiện nguyện, dù tốt đẹp.
Ai cũng có thể trở thành đại sứ
Ở thời điểm thi “Bước nhảy hoàn vũ”, chị từng bị “ném đá” vì hành vi sử dụng mật gấu. Nếu nghi ngờ cái tâm của chị trong câu chuyện bảo vệ môi trường, bắt đầu từ hành động nhỏ ấy, chị thấy có “oan”?
- Trên thực tế thì tôi chưa hề sử dụng lọ mật gấu ấy. Thấy tôi bị đau chân khi tập luyện “Bước nhảy hoàn vũ”, một fan hâm mộ đã đưa nó cho tôi. Hồi đó có mốt đăng bài “Khám túi sao”, và chi tiết đó đã được đưa lên mặt báo như một tai nạn truyền thông do lơ đãng và bất cẩn.
Tất nhiên, tôi cũng thừa nhận là phải đến khi lấy chồng, được đi mở rộng môi trường giao tiếp với các bạn người nước ngoài hơn thì trong tôi mới dần hình thành rõ nét hơn ý thức bảo vệ môi trường và đến giờ này, sau những trải nghiệm đủ sâu, tôi tự thấy rằng, đó thực sự là một phần trách nhiệm công dân ở người nghệ sĩ. Một trách nhiệm mà có lúc tôi đã không nghĩ nó thuộc về mình.
Cũng xin thú nhận thêm là tôi cũng đã từng mua một chiếc áo lông thú, trong một chuyến lưu diễn tại Châu Âu, không phải vì tôi từng mơ ước nó mà chỉ vì đó là chiếc áo tôi thấy ấm nhất trong cái cửa hiệu đó, để giúp tôi chống lại cái lạnh khủng khiếp ở trời Âu. Chính xác là có những người hôm nay lên tiếng bảo vệ môi trường dù trong quá khứ, họ đã từng có lúc mặc áo lông thú, nhưng điều đó không đồng nghĩa, những người không mặc áo lông thú là những người có ý thức bảo vệ môi trường…
Chị nghĩ, vì sao Liên Hợp Quốc đã chọn chị vào danh sách 9 nghệ sĩ quốc tế nói trên?
- Tôi nghĩ Liên Hợp Quốc chọn tôi không phải vì họ nghĩ tôi là một vị đại sứ lung linh, không tỳ vết như chính “mẹ thiên nhiên”, mà đúng hơn, là tìm đến một tiếng nói giàu cảm xúc và trải nghiệm, ít nhiều có trọng lượng và ảnh hưởng… Trên ý nghĩa đó, tôi nghĩ ai cũng có thể trở thành một đại sứ bảo vệ môi trường trong phạm vi lan tỏa
của mình…
- Xin cảm ơn chị!
Ca sĩ Thu Minh