Cá sấu lớn nhất hành tinh nặng hơn một tấn

Danh hiệu cá sấu lớn nhất hành tinh thuộc về một con cá sấu nước mặn hơn 100 tuổi và nặng 1.000 kg ở Australia.

Cá sấu Cassius có kích thước khổng lồ. Ảnh: Flickr.
Cá sấu Cassius có kích thước khổng lồ. Ảnh: Flickr.

Cassius, một con cá sấu nước mặn ở Australia dài gần 5,48 m được Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness ghi nhận là cá sấu nuôi nhốt lớn nhất hành tinh vào ngày 1/1/2011. Con vật sống tại công viên giải trí Marineland Melanesia trên đảo Green ở ngoài khơi thành phố Cairns, Queensland, theo Live Science.

Nhân viên ở Marineland cho biết, con cá sấu hơn 100 tuổi thường ăn gà, cá và thịt lợn. Cassius với trọng lượng hơn một tấn tạm mất danh hiệu cá sấu lớn nhất vào cuối năm 2011 vào tay Lolong. Lolong là con cá sấu nước mặn bị bắt tại tỉnh Bunawan, Philippines, có chiều dài 6,17 m.

Những người săn cá sấu mất ba tuần để tìm và bắt Lolong. Hơn 100 người được huy động trong công cuộc lùng bắt con cá sấu từng hai lần giằng đứt dây thừng để trốn xuống nước. Trên thực tế, họ phải dùng xe đẩy kéo Lolong lên cân cầu đường nhằm xác định trọng lượng của nó (1.075 kg).

Tại thời điểm đó, cá sấu Lolong 50 tuổi bị nghi là thủ phạm trong hai vụ việc bao gồm cái chết của một thiếu nữ vào đầu tháng 3/2009 vụ một ngư dân gần làng Bunawan mất tích. Kiểm tra thức ăn trong dạ dày Lolong, các nhà khoa học tìm thấy thịt trâu nước và không có dấu vết của con người.

Vào ngày 10/2/2013, Lolong qua đời trong chuồng tại Công viên Cá sấu Davao trên đảo Mindanao của Philippines, theo CNN. Do danh hiệu cá sấu lớn nhất trong sách Kỷ lục Guinness chỉ dành cho động vật còn sống, danh hiệu này một lần nữa được trao cho Cassius.

Những con cá sấu nhỏ thường ăn con mồi nhỏ như côn trùng và loài giáp xác, trong khi cá thể lớn hơn chủ yếu ăn con mồi lớn như chim, rùa biển động vật có vú như trâu nước, theo Bảo tàng Australia. Chúng cũng có thể ăn thịt lẫn nhau và nhiều khả năng coi con người là mồi săn tốt.

"Một người bị cá sấu nước mặn lôi xuống nước có rất ít cơ hội thoát thân mà không bị thương nặng. Những vết thương thường rất đáng sợ và chắc chắn sẽ nhiễm trùng", đại diện Bảo tàng Australia cho biết. Cá sấu nước mặn nằm trong danh sách động vật nguy cấp do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế phân loại.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ