Cả nước đã tiêm gần 36,9 triệu mũi vắc xin Covid-19 cho người dân

GD&TĐ - Theo thống kê của Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, tính đến 12 giờ ngày 24/9, ngành Y tế Việt Nam đã thực hiện tiêm gần 36,9 triệu mũi vắc xin Covid-19 cho người dân toàn quốc.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể số liều tiêm tính đến 12 giờ ngày 24/9 là 36,868,169 liều. Số mũi vắc xin Covid-19 được tiêm trong ngày 23/9 là 628,716 mũi.

Đến nay, đã có 9,326,290 lượt đối tượng đăng ký tiêm.

Cũng theo Cổng thông tin tiêm chủng, hiện có 10 địa phương có tỷ lệ tiêm cao nhất (tính theo số mũi tiêm/ số vắc xin phân bổ theo quyết định) gồm Cao Bằng, Đồng Tháp, Bắc Ninh, Bình Phước, Lào Cai, Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Ninh Thuận, Phú Thọ, Hải Dương.

10 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm thấp nhất trong cả nước (tính theo số mũi tiêm/số vắc xin được phân bổ), gồm Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Điện Biên, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Trị, Kiên Giang, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Đắk Lắk.

Để có thêm nguồn vắc xin đáp ứng nhu cầu phòng chống Covid-19, ngày 17/9, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc sử dụng nguồn Quỹ vắc xin phòng Covid-19 để mua bổ sung gần 20 triệu liều vắc xin của Pfizer.

Tiếp đó, ngày 20/9, Chính phủ ra Nghị quyết về việc mua 10 triệu liều vắc xin Abdala do Cuba sản xuất.

Mới nhất, ngày 22/9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 110/NQ-CP về mua vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng 8 loại vắc xin phòng Covid-19, gồm: AstraZeneca, SputnikV, Janssen (Johnson & Johnson), Moderna, Pfizer-BioNTech, Vero Cell (Sinopharm), Hayat-Vax và Abdala.

Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã nhận được khoảng 50 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 từ nhiều nguồn khác nhau và đã phân bổ số vắc xin này theo 45 đợt, trong đó đợt phân bổ gần nhất là 8 triệu liều vaccine Vero Cell ngày 19/9.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, tháng 9 Việt Nam có thể nhận khoảng 10-12 triệu liều vắc xin Covid-19. Đến quý 4/2021, vắc xin có thể về dồn dập. Riêng vắc xin Pfizer sẽ về khoảng 47- 50 triệu liều.

Trước đó, tại cuộc họp của Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin, tối 24/8 các thành viên đã trao đổi nhiều biện pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh vận động vắc xin, chú trọng đẩy mạnh vận động cấp cao và các cấp, đôn đốc các hãng sản xuất cung cấp vắc xin nhanh nhất và sớm nhất, thúc đẩy khả năng các nước nhượng lại vắc xin.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định ngoại giao vắc xin vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược, dài hạn và là "mặt trận" quyết định thành công của chiến lược vắc xin của Chính phủ. Trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung vắc xin và nhu cầu cấp bách trong nước hiện nay, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác phát huy tinh thần trách nhiệm, triển khai hiệu quả, đồng bộ các biện pháp vận động nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác ngoại giao vắc xin.

Cần nghiên cứu, kịp thời kiến nghị các biện pháp để phát huy vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong cơ chế COVAX; hỗ trợ các tập đoàn trong nước tiếp cận công nghệ để có thể sản xuất vắc xin và thuốc điều trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ