Cả nhà cùng đi thi

Cả nhà cùng đi thi

(GD&TĐ) - Ngày thi đầu của kỳ thi tốt nghiệp năm 2012, theo ghi nhận tại Quảng Nam, cho thấy nhiều phụ huynh đã bỏ ruộng đồng để đưa con đến trường trong kỳ thi này; cảnh chồng bồng con đợi vợ thi ở TT. Huế

Phụ huynh Nguyễn Thị Thuận tranh thủ con đang thi ăn chút bánh xèo vỉa hè
Phụ huynh Nguyễn Thị Thuận tranh thủ lót dạ giữ sức trường kỳ

Trao đổi với phụ huynh Nguyễn Thị Thuận (44 tuổi, trú phường An Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam), tranh thủ con đang thi, chị lốt dạ bằng vài cái bánh xèo bán vỉa hè, tâm sự: “mấy ngày nay tôi ngày nào cũng lo cho đứa con gái đầu tên là Nguyễn Thị Bích Diễm (lớp 12/15, trường THPT Phan Bội Châu), mong sao cho cháu đậu tốt nghiệp là vui lắm rồi, mấy ngày nay tôi đã giao đám ruộng gần 3 sào đã cày, giống đã ủ lại cho chồng và thuê người lo gieo sạ, để đưa con đến trường thi, không những thế mà sáng sớm nay tôi dạy rất sớm để nấu xôi đậu đỏ cho con gái ăn để đi thi cho tốt nữa”.

Không riêng gì trường hợp của chị Thuận, trường hợp của anh Đỗ Văn Lực (46 tuổi, trú xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam), cũng bỏ ruộng đồng cho vợ lo, để đưa con trai là Đỗ Phú Quốc (lớp 12/6, trường THPT Phan Bội Châu) đi thi. 

Cảm phục chồng bồng con thơ đợi vợ ngoài phòng thi 

Anh chồng ở trên huyện miền núi A Lưới (tỉnh TT - Huế) về TP Huế dẫn vợ đi thi. Vợ vào phòng thi, anh phải bồng đứa con nhỏ 1 tuổi đầu lòng dỗ dành cho khỏi khóc và đút sữa thay cho vợ.
Vì không có ai là bà con hoặc bạn bè tại thành phố Huế nên khi dẫn vợ về Huế thi tốt nghiệp THPT hệ bổ túc, anh Phan Thanh Ủy (trú xã A Đớt, huyện miền núi A Lưới) phải bồng luôn con nhỏ để chăm sóc. 
Nhìn cảnh người cha phải dỗ dành đứa con trai mới hơn 1 năm tuổi mà nhiều người thấy thương tình cho thêm thằng nhóc ít sữa, bánh trái. Cu Phan Thanh Linh tuy mới tròn 1 năm nhưng rất quậy phá, chĩa tay múa chân và nhìn vào trường thi liên tục, nơi có mẹ đang miệt mài với những con chữ trong kỳ thi của cuộc đời. Người cha thì mệt bở hơi tai vì đứa con hiếu động, hết bế, nựng, bồng đi quanh vỉa hè trước trường THPT Hai Bà Trưng (nơi vợ thi) rồi quanh sang dỗ dành nói ngọt. Nhưng thằng cu vẫn kêu la không ngừng.
Vợ chồng
Vợ chồng anh Phan Thanh Ủy
Phải đến khi người mẹ ra khỏi phòng thi, thằng cu mắt sáng lên, lao vào lòng mẹ. Chị Kê Thị Thơm (vợ anh Ủy) quệt vội mồ hôi trên trán và nhìn cười chồng nói bằng tiếng dân tộc nghĩa là “Anh có mệt không? Để em lo cho con nhé”. Anh Ủy cười, ôm vợ hạnh phúc và cả gia đình nhỏ đứng tươi cười chụp ảnh với phóng viên.
Chị Thơm cho biết năm 2011, chị đăng ký thi tốt nghiệp nhưng vì sinh thằng cu Linh là con đầu lòng nên sau đó phải bảo lưu chờ năm nay thi. Bận giữ con nên cái tay của chị cứng đi, đến nỗi buổi thi sáng nay, môn Văn phải viết nhiều chữ nhưng chị viết không được tốt lắm vì tay đau.
“Tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân là em thấy khó nhất, còn lại 2 câu sau em đều làm được nhưng có lẽ cũng không tốt lắm” (cười). “Bài em học tủ thì không trúng nên cũng hơi buồn chút chút. Mấy anh em người Kinh trong phòng cũng tốt lắm, phút cuối cho em chép bài một ít nhưng em ngại quá nên không chép. Thầy cô giám thị trong phòng cũng nghiêm và căng thẳng lắm làm em run cả người” - Chị Thơm tâm sự.
Hai anh chị thuê phòng trọ ở gần trường thi và may mắn được một bà chủ nhà tốt bụng cho ở nhờ mà không lấy tiền. Ở quê, anh đi làm thuê công nhân, chị đi học ở trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, khi học về thì ở nhà làm ruộng. Đời sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng chị vẫn quyết tâm học để lấy cho được tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 nhằm sau này có nhiều cơ hội tìm việc cho đỡ khổ.
Chúng tôi chúc chị Thơm thi tốt 5 môn còn lại và sẽ đậu tốt nghiệp, chị cười tự tin.
Trên con đường rợp bóng cây in bóng hình anh chị đi bộ về với người mẹ bồng con và người chồng đeo cặp xách sách vở giúp vợ, ước gì tất cả những ai cũng đều hiếu học như chị Thơm ở A Lưới. 

Hoàng Giang - Xuân Trường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ