Cà Mau còn 3.439 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

GD&TĐ - Ngày 5/3, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030.

Hội nghị tổng kết công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030.
Hội nghị tổng kết công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Quân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tổng số trẻ em trên địa bàn tỉnh là 237.130 trẻ, trong đó số trẻ em dưới 6 tuổi là 111.197 trẻ em. Trong năm 2020, tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là 3.439 em.  

Trong đó, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa là 416 em; trẻ em khuyết tật là 2.612 em; trẻ em nhiễm HIV/AIDS là 49 em; trẻ em vi phạm pháp luật là 15 em; trẻ em nghiện ma túy là 1 em; trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục THCS là 299 em; trẻ em bị xâm hại tình dục là 20 em và trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc phải điều trị dài ngày là 27 em.

Theo báo cáo kết quả công tác trẻ em tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2020, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã thường xuyên thực hiện tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kỹ năng về phòng ,chống xâm hại trẻ em và đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, nhất là trong các dịp như: Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6; tháng hành động vì trẻ em; Tết Trung thu…

Công tác phát hiện, can thiệp giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em và nguy cơ dẫn đến trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đã được chú trọng. Đa số các đơn vị trên địa bàn tỉnh nắm bắt tình hình, giải quyết khá kịp thời các vụ việc, quan tâm đến các hoạt động trợ giúp trẻ em là nạn nhân của các hành vi xâm hại.

Từ năm 2016 đến 2020 có 149 trẻ em bị xâm hại tình dục; các hành vi xâm hại tình dục được phát hiện và xử lý, tỷ lệ điều tra và xử lý các vụ án xâm hại trẻ em đạt trên 85%. Quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng các vụ liên quan đến trẻ em đều đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc về quyền trẻ em, có biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế phải đối mặt đó là: Từng lúc, từng nơi việc phối hợp giữa chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình trong công tác bảo vệ trẻ em chưa tốt; công tác truyền thông giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ trẻ em hiệu quả chưa cao; trẻ em chưa có nhiều kỹ năng để tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị tổn hại.

Nhiều gia đình còn tâm lý chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em; khi phát hiện hành vi xâm hại trẻ em, một số gia đình không kịp thời thông tin đến ngành chức năng, mà tự thương lượng với gia đình đối tượng; khi thương lượng không thành mới tố giác, từ đó gây khó khăn cho ngành chức năng trong việc tiếp cận, thu thập các chứng cứ để khởi tố.

Có nhiều em do hoàn cảnh gia đình ly hôn, cha mẹ qua đời sớm không có người chăm lo, giáo dục, hoặc những em được chăm lo tốt nhưng ham chơi, đua đòi nên rơi vào tình trạng hư hỏng, vi phạm pháp luật… Đặc biệt, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các văn hóa phẩm đồi trụy, phim ảnh, clip bạo lực, phản cảm… xuất hiện càng nhiều và chưa được kiểm soát trên mạng Internet.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em mong muốn tỉnh Cà Mau tiếp tục phát huy sự quan tâm chỉ đạo ưu tiên của cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, ban hành chính sách và tổ chức thực hiện Luật Trẻ em; tiếp tục ưu tiên tăng nguồn ngân sách địa phương để phát triển toàn diện trẻ em, để bảo vệ trẻ em; tăng cường giáo dục pháp luật về kiến thức, kỹ năng , thực hành của trẻ em.

“Chúng tôi kiến nghị tỉnh cần tăng cường thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện các khiếu kiện về trẻ em, giải quyết các vấn đề trẻ em và các vụ việc về trẻ em. Qua đó, gắn với  trách nhiệm các cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giáo dục pháp luật, đặc biệt là pháp luật trẻ em”, Cục trưởng Cục trẻ em kiến nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.