Bác sĩ Lê Minh Hiển, tiến sĩ Thu, những người điều phối chương trình ghép tạng của Chợ Rẫy muốn kiểm tra sức khỏe của Bằng vào ngày 22-4, nhưng họ muốn làm việc trước với người đại diện. Sáng nay Hồng Phước, Phó TBT Báo Long An cho biết đã hẹn lịch và sáng nay Phước sẽ cùng anh Tư Đấu, Phó TBT Báo Long An sẽ lên gặp gỡ, trao đổi với các bác sĩ Chợ Rẫy. Bằng côi cút, lãnh đạo và đồng nghiệp Báo Long An sẽ đứng ra lo cho em. Báo sẽ cắt cử một người lo lo lắng việc đưa đón chăm sóc em.
Từ Hà Nội, GS TS Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Tất Cường, Phó GĐ BV Quốc tế Vinmec cho biết ông rất quan tâm đến "nhà báo chuyên viết về những điều tử tế" Hữu Bằng và muốn giúp đỡ.
Trước đó, một lãnh đạo của một BV Quốc tế Vinmec cũng cho biết ông và BV muốn hỗ trợ Hữu Bằng.
Tổng Biên Tập một tờ báo tại TP.HCM cho biết: một chuyên gia muốn tiếp cận hồ sơ bệnh án của Bằng với hy vọng có thể phục hồi thận bằng phương pháp kết hợp Đông- Tây y. Nếu có khả năng làm được điều đó, anh và một người bạn doanh nhân sẽ đài thọ toàn bộ chi phí chữa trị. Tuy nhiên theo các bác sĩ, điều này khó vì Bằng đã bị suy thân giao đoạn cuối, phải lọc máu nhiều lần mỗi tuần.
Ngay khi PLO viết bài về Bằng, Vụ truyền thông và văn phòng Bộ Y Tế đã theo dõi sát và tham mưu cho lãnh đạo Bộ. Bộ trưởng đang đi công tác nước ngoài vẫn chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, BV Việt Đức và Trung tâm điều phối Quốc gia ghép bộ phận cơ thể người hỗ trợ trợ tối đa để Bằng được hưởng những chăm sóc y tế tốt nhất.
Bên cạnh nhà báo viết về điều tử tế là hàng ngàn, hàng vạn tấm lòng. Từ miền Tây, nhà báo Minh Trường (Trưởng đại diện báo SGGP tại Cần Thơ) gọi điện nói Tổng biên tập báo SGGP muốn đến thăm và tặng quà cho Hữu Bằng. Ở Hà Nội, Nhà báo Vĩnh Quyên (truyền hình Quốc hội), Vũ Quỳnh Hương (Dân Việt), Mai Phan Lợi (Pháp Luật TP.HCM) viết bài kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp giúp đỡ Bằng. Nhiều đồng nghiệp khác cũng đã đóng góp giúp đỡ thông qua Diễn đàn Nhà Báo Trẻ.
Các anh chị đồng nghiệp ở miền Tây, ở Đăk Nông, có người đã về hưu cũng gửi chút ít giúp Bằng. Một chị là sĩ quan công an đã nghỉ hưu từ Hà Nội gửi cho Bằng 20 triệu. Một cô gái đang nuôi mẹ bị ung thư cũng muốn hiến thận cho Bằng.
Hôm trước ở Long An, khi tôi nhắn tin cho các bạn, các anh chị là lãnh đạo BBT và Tòa soạn của 6 tờ báo về chuyện của Bằng, tất cả đều nhiệt tình đưa tin về em. Sáng qua, Báo Thanh Niên cũng có bài về Bằng. Còn ở Tuổi Trẻ, nhiều anh chị ở các VP Cần Thơ và VP Sông Tiền cùng nhau thăm hỏi Bằng. Ngoài ra, có hơn 20 anh chị là cán bộ, phóng viên Báo Tuổi Trẻ gửi tiền nhờ tôi chuyển cho em.
Cuộc sống đời thường của nhà báo Hữu Bằng. Ảnh: CTV
Đa phần sự quan tâm đến từ những người chưa gặp, chưa quen, chưa nghe tên Hữu Bằng trước đó.
Hôm làm việc với đại diện của Quỹ từ thiện, tôi nói thật: "Ca ghép thận của Bằng cần chi phí lớn quá, vượt quá khả năng hỗ trợ của bạn bè và cơ quan. Chỉ riêng chi phí y tế của ca ghép, dù cố gắng và gom tất cả các khoản hỗ trợ cũng chỉ có thể lo được một nửa". Khi đó tôi hy vọng sẽ được hỗ trợ 200 triệu đồng. Sau đó Ban điều hành Quỹ đã họp và quyết định hỗ trợ 500 triệu.
Hữu Bằng đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ bởi vì mọi người yêu quý và trân trọng sự tử tế. Công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Y tế giải thích việc hỗ trợ em là "Để những điều tốt đẹp, những tấm gương người tốt việc tốt tiếp tục được nhân lên bởi ngòi bút của nhà báo Nguyễn Văn Bằng". Sự giúp đỡ và lan tỏa ấy cho thấy cuộc đời dù có lúc vầy lúc khác, nghề báo còn vất vả và cay đắng thì điều tử tế vẫn luôn tồn tại và kết nối những tấm lòng.