Bứt phá để thay đổi

GD&TĐ - Một số vấn đề “nóng” như GD đạo đức lối sống cho HS, SV; giải quyết tình trạng thừa, thiếu GV… đã được đặt ra tại Hội nghị Tổng kết năm học 2018 – 2019 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Đáng mừng là, những bài toán khó này đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Chính phủ cùng những cam kết phối hợp giải quyết từ các ngành, địa phương liên quan.

Bứt phá để thay đổi

Vấn đề GD đạo đức lối sống, dạy kỹ năng mềm cho HS, SV được ngành GD hết sức chú trọng, tuy nhiên, trong thực tế triển khai gặp không ít khó khăn. Một trong những nguyên nhân khiến công tác này thiếu hiệu quả chính là do một bộ phận GV sa sút đạo đức. Và như báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” của Bộ GD&ĐT đã chỉ rõ, việc GD đạo đức lối sống cho HS, SV còn gặp hạn chế do một bộ phận thanh thiếu niên thiếu bản lĩnh dễ bị lôi kéo, sa vào tệ nạn xã hội; Một số thanh thiếu niên thiếu động cơ học tập rèn luyện đúng đắn; Sử dụng mạng xã hội chưa đúng mục đích và công tác truyền thông chưa đạt hiệu quả mong muốn...

Để tránh tình trạng “khoán gọn” công tác này cho nhà trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cấp ủy Đảng và chính quyền của 63 tỉnh/thành phải cùng ngành GD – ĐT từ năm học tới tạo ra sự chuyển biến căn bản về GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, trong đó nhà trường giữ vai trò chủ công. Có thể thấy, ngành GD rất cần sự chung tay của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương… để HS, SV được cảm nhận bài học đạo đức từ chính tình cảm, gương sáng của thầy cô, thấm nhuần lối sống văn minh, tuân thủ pháp luật từ bố, mẹ, người thân trong gia đình, ngoài xã hội.

Bài toán về cơ chế cho GV trong tuyển dụng, ưu đãi, lương thưởng… một lần nữa được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Tổng kết năm học của ngành GD. Một số tồn tại: Đội ngũ giáo viên nơi thừa, nơi thiếu, dẫn tới bất cập trong điều hành quản lý; Tình trạng sử dụng giáo viên hợp đồng, tuyển dụng giáo viên còn bất cập ở một số địa phương; Chính sách về đội ngũ giáo viên về thang bảng lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, chế độ phụ cấp cho nhà giáo… còn chưa được thực hiện đã góp phần khiến chất lượng đội ngũ GV chưa được nâng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả dạy - học.

Trong năm học vừa qua, trong phạm vi, trách nhiệm về quản lý Nhà nước của mình, Bộ GD&ĐT đã nỗ lực tư vấn, tham mưu cho các ban, ngành liên quan nhằm đưa ra giải pháp hiệu quả giải quyết bài toán cơ chế cho GV. Rất mừng khi trước thềm năm học mới, vị lãnh đạo ngành Nội vụ - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, tới đây, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT để báo cáo Chính phủ quan tâm đến xây dựng thể chế nhằm thu hút đội ngũ GV nhằm nâng cao chất lượng GD.

Nhiều tín hiệu vui từ Hội nghị Tổng kết năm học 2018 - 2019 của ngành GD, cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với GD - ĐT, sự sẻ chia, chung vai của các ban, ngành, địa phương… Những chỉ đạo, giải pháp đưa ra đều hướng tới năm học mới, việc dạy – học không chỉ diễn ra trong mỗi nhà trường, mà còn là những bài học thực tế từ các hoạt động đoàn thể, là sự nêu gương không chỉ từ bạn bè, thầy cô, mà còn là tấm gương tích cực từ những người lớn trong toàn xã hội. Khi Chính phủ đã chọn năm nay là năm bứt phá, ngành GD cũng phải bứt phá để tạo ra sự thay đổi thực chất ở những vấn đề mà xã hội đang quan tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ