Trả lời:
Bướu mỡ là một tổ chức thường thấy xuất hiện ở dưới da và ở bất cứ chỗ nào (bụng, vai, lưng, mặt, cổ, tay, chân, mông...).
Nguyên nhân xuất hiện của bướu là do rối loạn chuyển hóa mỡ trong cơ thể. Đây là một màng mỏng, bao bọc một khối tế bào mỡ, có mạch máu nuôi. Kích thước của bướu có thể vài milimét hoặc có thể lớn lên 10 - 15cm.
Bướu có khuynh hướng lan tỏa theo chiều rộng (ở những nơi nền xương tiếp giáp với da), phát triển cả chiều ngang và chiều sâu ở những nơi có nhiều mỡ hoặc cơ (lưng, bụng, mông…).
Đa số bướu mỡ là lành tính nhưng giảm thẩm mỹ nếu mọc ở các vị trí như mặt, cánh tay…
Khi bướu phát triển lớn, gây chèn ép thần kinh sẽ gây cảm giác đau nhẹ. Tuy nhiên, chưa có biện pháp nào giúp ngăn chặn cơ thể không bị mọc bướu mỡ hoặc làm chúng nhỏ lại.
Tiến hành tiểu phẫu mổ, bóc tách là cách duy nhất loại bỏ bướu. Khi tiến hành lấy bướu cần đảm bảo không bể, vỡ, hạn chế nhiễm trùng hoặc tái phát. Khi đó, thầy thuốc khâu lại bằng chỉ nhỏ, tránh gây sẹo lồi sau này.
Công nghệ hiện đại cũng đang ghi nhận việc dùng sóng siêu âm để phá hủy mô mỡ. Cần lưu ý, khi có dấu hiệu bất thường, cần khám chuyên khoa ung bướu để được phát hiện kịp thời.