Buồn vui... dịch vụ ăn theo mùa lễ hội

Buồn vui... dịch vụ ăn theo mùa lễ hội

(GD&TĐ) - Năm nay, nghỉ dài ngày cho nên nhiều người tổ chức du xuân. Với tâm lý cầu may, cũng như cầu mong sự bình yên một năm cho bản thân và gia đình nên các chùa chiền, miếu mạo, các danh thắng... là những địa chỉ du khách tìm đến... Một số địa chỉ tâm linh làm rất tốt việc tổ chức lễ hội cho bà con du xuân đi lễ và cầu may. Nhưng cũng không ít nơi, lợi dụng việc tín ngưỡng để móc túi du khách, khiến cho không ít người bực mình, phiền muộn. 

1. Dịch vụ... chém đẹp, giá trên trời

Khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám ( Hà Nội) là một trong những địa chỉ hấp dẫn du khách trong việc đi lễ đầu năm, không chỉ khách ta mà còn khách Tây. Ngày mùng 8 Tết, chúng tôi đưa người thân trong gia đình đến đây để thắp hương, cho con cháu biết được một nơi ghi danh bảng vàng một thưở trong con đường học vấn. Biết để phấn đấu và tri ân với các bậc tiền bối. 

Buồn vui... dịch vụ ăn theo mùa lễ hội ảnh 1
Cảnh sát sinh, nhếch nhác vẫn diễn ra ngang nhiên bên ngoài danh thắng Hương Tích (Mỹ Đức-Hà Nội)

Tuy vậy, xe của chúng tôi vừa vào đường 1 chiều Văn Miếu, ở phố Ông Đồ,  thì hàng loạt nam nữ thanh niên, thậm chí già có, trung niên có, tiến ra đường vẫy tay rối rít. Sau khi để xe ô tô 4 chỗ tấp vào lề đường theo chỉ dẫn của 2 thanh niên, một trong hai người phát giá: 50.000 đồng/ xe/lượt. Vừa nhận tiền, thanh niên vừa nhăn nhở: “Đắt nhưng là ngày Tết, các bác mừng tuổi cho em ...”. Tôi nhìn dãy xe kín chật lề đường, dài cả dãy phố, tấp nập hàng loạt chiếc  đến rồi đi, mới thấy ở đây, qua vụ Tết, số người này thu nhập “khủng” như thế nào.

Tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh), ngày 7 Tết, dịch vụ gửi xe ô tô 4 chỗ được báo với mệnh giá ghi trên vé là 30.000 đồng/ xe. Tất nhiên, xe khủng thì tiền gửi cũng khủng hơn...Bãi đỗ xe sát bên trạm xăng, và bãi đỗ xe được làm vội vàng, chật hẹp. Để quay đầu và ra khỏi bãi đỗ là cả một nghệ thuật công phu, đòi hỏi sự giỏi giang và liều lĩnh của những tay lái lụa. 

Tại khu vực đền Quán Thánh ( Hà Nội), những ngày Tết, giá một xe máy gửi là 10.000 đồng/xe. Vé vào cổng đền Quán Thánh cũng tới 10.000đồng/ lượt/ người. Nhưng bạn tôi biết, giá này tuy là “chém”, nhưng cũng là còn “mềm” so với 1 số nơi khác. 

Thế mới biết, các dịch vụ -đặc biệt là dịch vụ gửi xe, ở các địa chỉ tâm linh, lễ hội đã bị một số người ( trong Ban tổ chức, hay cá nhân...) thổi bùng giá. Vì vậy, lễ hội đã mất đi ý nghĩa tâm linh, cầu xin mọi điều tốt lành, may mắn trong cuộc sống của mọi người  trong sự khởi đầu du xuân một năm mới.

2- Vẫn còn những địa chỉ văn hóa - tâm linh theo đúng nghĩa

Đó là khu vực đền Đô, thờ 8 vị vua thời Lý. Du khách bị ám ảnh bởi cách tổ chức quy mô, bài bản, và với vẻ đẹp khoáng đạt, trong không gian tín ngưỡng văn hóa tâm linh theo đúng nghĩa của nó. Bến bãi đỗ xe rộng lớn. Sạch sẽ và văn minh. Dịch vụ vừa phải. Xe 4 chỗ giá gửi là 15.000 đồng/xe. Đó là điều khác biệt nhất của khu vực Đền Đô so với tất cả các nơi khác mà du khách đã đi qua trong mùa lễ hội. Các dịch vụ khác như hàng ăn, cũng được khách chấp nhận. Như 1 bát bún riêu, có đậu phụ, chỉ 25.000 đồng/bát. Một cặp bánh phu thê: 30.000 đồng...

Buồn vui... dịch vụ ăn theo mùa lễ hội ảnh 2
Dịch vụ trông xe được tăng giá "khủng khiếp". Ảnh: Tuấn Hải

Tại khu văn hóa tâm linh liên hoàn: đình, chùa La Khê, Bia Bà ( Hà Đông), gửi 1 chiếc xe máy chỉ có 5.000 đồng. Năm nay, không gian khu văn hóa tâm linh này được tổ chức tương đối tốt, sạch sẽ. Các dịch vụ viết sớ chữ Nho, để đặt lễ 3 nơi: Chùa, Đình, Bia là 30.000 đồng/bộ 3 lễ sớ. Mọi dịch vụ khác, giá cả chấp nhận được.

Chùa Quán Sứ, ngay từ mùng Một, đông nghịt bởi số người vào lễ cầu an cho cả gia đình đầu năm. Không có hiện tượng chém khách ở khuôn viên, không có chuyện khói hương tùy tiện và các dịch vụ bói toán mê tín dị đoan. Tất cả nghiêm trang, trật tự trong hương khói tâm linh. Thậm chí, xe buýt tuyến số 01 đi qua đây, dừng tại bến đỗ Quán Sứ cũng cẩn trọng, phụ xe dìu khách cao tuổi xuống khỏi xe mới lên xe và tiếp tục chạy. Tôi hỏi lái xe số 01, tuyến Yên Nghĩa-Long Bên, biển số 30Z-5073 vì sự chăm sóc, chu đáo và chăm chút hành khách như vậy, anh trả lời, vui vẻ: “Ngày Tết, các cụ đi lễ chùa cầu an, cầu may, mình cũng phải giúp các cụ an toàn và may mắn...Họ bình an và vui vẻ thì mình mới vui được, chị ạ”.  Chỉ một điều dễ hiểu như vậy, mà tôi tìm kiếm bấy lâu nay trên các tuyến xe buýt-mà không dễ thấy. Văn minh xe buýt là ở đây, lâu rồi, tôi mới tìm được ở tuyến xe,  ở nhà xe có biển số xe này. 

3. Kết

Mùa lễ hội đang đến, đi nhiều, vui buồn có khắp mọi nơi. Ước gì, ở đâu, các địa chỉ văn hóa tâm linh cũng là miền đất du khách đến và mong ngóng ngày trở lại, như chùa Quán Sứ, khu di tích văn hóa Đền Đô, khu chùa, đình, bia La Khê...Ước gì du khách không còn bị chặt chém trong mùa lễ hội...

Vì vậy, trách nhiệm của địa phương, của các tổ chức có các khu di tích văn hóa lịch sử. tâm linh... về các vấn nạn ăn theo, móc túi du khách theo kiểu chặt chém như trên là rất lớn...

Rất mong các cơ quan hữu trách vào cuộc chấn chỉnh các vấn nạn móc túi du khách theo kiểu chặt chém như trên vào cuộc. Để các khu văn hóa tâm linh thực sự là nơi mong đến, chốn mong về sau bao nhọc nhằn của cuộc sống, của kiếp người...

Ngân Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ