Bước vào ngày thi thứ hai đầy hứng khởi

Bước vào ngày thi thứ hai đầy hứng khởi

(GD&TĐ) - Theo ghi nhận của phóng viên chúng tôi, các thí sinh bước vào ngày thi thứ hai (môn địa lý) với tâm trạng phấn khởi, tự tin và quyết tâm cao.

Mới 6h15, sáng ngày 3/6 trước hội đồng thi Trường tiểu học Vĩnh Lợi (TP.Huế) có rất đông phụ huynh đứng chờ tin con
Mới 6h15 sáng  3/6, trước hội đồng thi Trường tiểu học Vĩnh Lợi (TP.Huế) có rất đông phụ huynh. ảnh gdtd.vn

Sáng ngày 3/6, cùng với thí sinh cả nước, 15.320 thí sinh bao gồm khối học sinh học chương trình THPT và Bổ túc THPT trên 33 Hội đồng thi trên địa bàn Thừa Thiên – Huế bước vào môn thi thứ 3, môn Địa lý với thời gian làm bài 90 phút. Thời tiết tại TP.Huế sáng hôm nay tương đối nắng nóng, oi bức so  với ngày thi thứ nhất.
Theo ghi nhận chúng tôi, mới từ lúc 6h đã có rất đông thí sinh và phụ huynh có mặt tập trung tại các hội đồng thi, với tâm trạng rất phấn chấn, vui tươi vì ngày đầu ra quân làm bài thành công.

Ông Sơn, phụ huynh em Thanh Huy, học sinh lớp 12B3, Trường THPT Hai Bà Trưng, vui mừng: “Ngày thi thứ nhất Huy làm bài rất tốt. Cả nhà ai cũng vui mừng. Hy vọng, hôm nay Huy và tất cả các thí sinh dự thi sẽ làm bài tốt như hôm qua”.

Có mặt tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Huệ và THPT Cao Thắng (TP.Huế), qua quan sát, tìm hiểu chúng tôi thấy dư âm của ngày thi thứ nhất (ngày 2/6) vẫn còn hiện hữu trên từng điệu bộ, nét mặt, cử chỉ của các thí sinh.

Trao đổi lại bài vậy lý chiều qua
Các TS trao đổi lại bài vậy lý chiều qua. ảnh gdtd.vn

Đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 tại tỉnh Thừa Thiên – Huế có sự hiện diện của 2 thí sinh đặc biệt, đã bước qua tuổi 50 vẫn thực hiện hành trình “chinh phục tri thức”, đó là, 2 thí sinh Hồ Xuân Rồi (sinh năm 1959, GDTX A Lưới) hiện đang công tác tại Ủy ban kiểm tra huyện ủy miền núi A Lưới và thí sinh Ngô Thị Bích Đào (sinh năm 1959, Trung tâm GDTX huyện Hương Trà.

Theo thống kê ngành Giáo Dục Thừa Thiên – Huế, đến cuối buổi thi ngày thứ nhất, có 15 em bỏ thi không có lý do, 8 em được đặc cách gồm em Trần Nhật Hoài Bảo (học sinh Quốc Học) được đặt cách vì là thành viên Đội tuyển Việt Nam dự Olympic Vật Lý Quốc tế, 4 em khiếm thị (học sinh Hai Bà Trưng) 3 em đặc cách do ốm bệnh đột xuất. Khối Bổ túc THPT có 5 học sinh bỏ thi, 3 học sinh khiếm thị được đặc cách.

Lâm Đồng: Học bài trên đường đến phòng thi

Sáng sớm ngày 3-6, trên nhiều con đường dẫn đến phòng thi tại thành phố Đà Lạt, rất đông thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT là người dân tộc thiểu số như K’ho, Chil, Mạ… đến từ huyện Lạc Dương vừa đi vừa ôn lại bài cũ.

Vừa đi đến điểm thi vừa tranh thủ ôn bài
Vừa đi đến điểm thi vừa tranh thủ ôn bài. ảnh gdtd.vn

Không như những thí sinh ở thành phố được người nhà đưa đón đến tận địa điểm thi, để tham dự kỳ thi tốt nghiệp này, các em học sinh Trường THPT Đạ Sar huyện Lạc Dương đóng góp mỗi em 320.000đ để ăn uống và thuê phòng trọ tại Đà Lạt trong 3 ngày diễn ra kỳ thi dưới sự hướng dẫn của các thầy cô trong trường.

Các em đều cho biết, đây là lần đầu tiên trong đời phải sống xa nhà, xa gia đình, điều kiện sinh hoạt ở thành phố cũng khác hẳn những gì ở quê.

Em Ka The, thí sinh đến từ trường THPT Đạ Sar huyện Lạc Dương tham dự kỳ thi tại cụm thi trường THCS Nguyễn Du Đà Lạt cho biết: “Mặc dù tối qua thức rất khuya để ôn bài nhưng sáng nay 4 giờ là em đã dậy để ôn bài nữa. Kiến thức của mình phải vững thì mới tự tin làm bài được…”.

*Đề thi môn Địa lý, Sinh học nhẹ nhàng, dễ thở:

Theo phản ánh của số đông học sinh, đề thi địa năm nay không khó, cũng không quá dài nên một số em cảm thấy đây là môn thi nhẹ nhàng nhất trong 2 ngày thi.

Nhiều thí sinh có học lực trung bình tại Hội đồng thi Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nội) cho rằng đề Địa lý năm nay được ra theo hướng “mở”, "dễ thở" nhưng hơi dài. Nhiều em sau khi làm phần chung (3 câu) vẫn chưa đủ thời gian làm phần riêng (1 câu).

Nhận xét chung của nhiều thí sinh, câu III (3 điểm) gần như là câu cho điểm vì chỉ cần nhìn vào Atlat, thí sinh có thể diễn giải được. Cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên dạy Địa lý Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội nhận xét, đề Địa lý năm nay có phần dễ hơn năm ngoái. Các câu hỏi trong đề bài bao quát được kiến thức trong sách giáo khoa, không quá khó và không có câu nào đánh đố với học sinh. Mỗi câu trong đề thi đều phản ánh được đầy đủ các dạng bài và yêu cầu học sinh thể hiện được các kỹ năng của môn Địa lý như tính toán, vẽ biểu đồ, đọc Atlát, phân tích, học thuộc bài. Học sinh chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể đạt từ điểm khá trở lên. Em nào ôn kỹ các kỹ năng là có thể đạt điểm giỏi. Với đề thi này, học sinh trung bình có ý thức học tập có thể đạt điểm 7 trở lên.

Một số giáo viên cũng nhận xét đề thi Địa lý không có sai sót, những phần câu hỏi đều là những phần mà các thầy cô đã cho các em ôn tập rất kỹ trong cả 3 năm học. Tuy nhiên, để đạt điểm 8 - 9, học sinh không chỉ phải nắm vững kiến thức trong chương trình mà còn phải vận dụng kiến thức xã hội, chẳng hạn như “Cho biết tại sao trong quá trình phát triển kinh tế ở Đông Nam bộ phải chú ý đến việc bảo vệ môi trường"... Tuy nhiên, có một lỗi rất đáng tiếc mà nhiều thí sinh khi ra khỏi phòng thi mới phát hiện là việc quên không sử dụng bút mực để tô lại phần vẽ biểu đồ của mình.

Trong đề thi Địa lý, câu hỏi được nhiều thí sinh thấy "khó nhằn" nhất là câu 1 và câu 4 do đây là câu hỏi kiểm tra kiến thức, nhiều thí sinh thi các khối kỹ thuật khá vất vả với phần câu hỏi này

Niềm vui làm được bài của thí sinh sau khi thi xong môn Sinh học tại Hội đồng thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Quý Trung
Niềm vui làm được bài của thí sinh sau khi thi xong môn Sinh học tại Hội đồng thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Quý Trung

Đề thi môn Sinh được nhiều thí sinh đánh giá là nhẹ nhàng. Không ít thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên) cho biết mình hoàn thành bài thi khi chưa hết thời gian. Dù không chắc chắn làm đúng toàn bộ bài thi, nhưng nhiều em khẳng định mình có thể đạt 70 - 80% câu trả lời đúng.

Theo các thầy cô giáo dạy môn Sinh học: Đề thi năm nay ra cơ bản hơn so với đề thi các năm trước. Nội dung bám sát chương trình sách giáo khoa cơ bản, tạo cơ hội cho các em học sinh chăm chỉ ôn tập kiến thức trước khi thi, đồng thời tạo ra sự công bằng cho tất cả các học sinh ở thành thị và ở nông thôn. Về mức độ điểm, qua nội dung đề, đối chiếu với các em học sinh học lực trung bình, trung bình khá, các em có thể đạt được điểm 6 hoặc 7 (đỉnh của phân phối sẽ ở mức này).

Tuy nhiên, không vì thế mà đề không có tính chọn lọc, bên cạnh các câu hỏi cơ bản dành cho tất cả các học sinh, còn các câu hỏi mang tính ứng dụng đòi hỏi học sinh phải hiểu được bản chất và cơ chế của quá trình như quá trình nguyên phân, quá trình giảm phân, quá trình tái bản ADN, phiên mã và dịch mã, hay định luật Hardy - Weinber thì mới làm được trọn vẹn.

Song Linh - Quang Ngọc-Thanh Xuân-Đức Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ