Các nhà khoa học trường ĐH Harvard ở Massachusetts mới đây đã có bước tiến mới trong việc tái tạo lại loài vật đã tuyệt chủng - loài ma mút lông dài Woolly - bằng cách chèn 14 gene tạo được vào loài voi.
Cụ thể, các chuyên gia đã nghiên cứu cấu trúc DNA từ xương voi ma mút được bảo quản ở Bắc Cực để tái tạo bản sao chính xác 14 gene của loài ma mút. Sau đó, họ đã tích hợp những gene này vào hệ gene của loài voi châu Á.
Nhà di truyền học George Church - người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Ma mút Woolly từng sống ở vùng đảo Wrangel, Bắc Băng Dương 4.000 năm về trước. Các nghiên cứu về di truyền cho thấy, ma mút Woolly có họ hàng gần với voi châu Á.
Chúng tôi đã ưu tiên nghiên cứu các gene liên quan đến lớp lông mịn, kích thước tai, lớp mỡ dưới da và đặc biệt là hemoglobin (các protein vận chuyển oxy đi khắp cơ thể)".
Ông nói thêm với biên tập viên của tờ Sunday Times rằng: "Hiện chúng tôi đã nắm giữ được tế bào DNA của loài ma mút và sẽ tiến hành cấy ghép trong một ngày gần đây".
Voi ma mút có kích thước gần như một chú voi châu Phi hiện đại, cao 3,3m và nặng khoảng 7 tấn, phần lông dài của Woolly sẽ bảo vệ chúng khỏi mùa đông khắc nghiệt.
Hiện có 3 nhóm khoa học sẽ cùng thực hiện việc gây dựng lại bộ gene và hi vọng tạo được bản mẫu để tái tạo voi ma mút.
Chuyên gia ADN cổ đại - Giáo sư Alex Greenwood cho biết: "Tuần trước, các nhà khoa học đã có báo cáo về việc thu được DNA từ phần mẫu tủy xương bên chân trái của một chú voi ma mút tìm thấy ở Siberia".
Các mẫu nghiên cứu DNA sẽ được kiểm tra tại Yakutsk, Nga. Các nhà khoa học hi vọng một ngày nào đó có thể hồi sinh loài voi ma mút lông dài Woolly đã tuyệt chủng hàng ngàn năm trước.