Được biết, số sinh viên ( tổng cộng 8 sinh viên) này mặc dù không phải là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng không hiểu bằng cách nào đã được các cơ quan chức năng cấp xã, huyện tỉnh Bình Phước “phù phép” đưa vào diện chính sách để được cử tuyển đi học Đại học.
Phát hiện gian lận từ đơn tố cáo
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng- Giám đốc Sở GD&ĐT về các trường hợp mới bị Trường Đại học Y dược TPHCM buộc thôi học vì gian lận, ông cho biết sự việc được phát hiện là từ đơn tố cáo đồng chí Nguyễn Thị Quý, đảng viên (nguyên Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Riềng A). Trong các nội dung tố cáo đồng chí Quý, có nội dung: Hợp thức hóa cho con là Đỗ Hoàng Hải để đi học cử tuyển.
Ngày 27/1/2016, báo cáo của Huyện ủy Phú Riềng (số 19-BC/HU) về kết quả giải quyết tố cáo đối với tỉnh Bình Phước xác định: Sinh viên Đỗ Hoàng Hải sinh ngày 26/9/1995, là người dân tộc Kinh. Thời điểm năm 2013, em Đỗ Hoàng Hải có hộ khẩu tại thôn Phú Hưng, xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập (nay là huyện Phú Riềng), tỉnh Bình Phước….Em Hải không đủ điều kiện để được đi học theo diện cử tuyển.
Ngay sau khi xảy ra sự việc của em Đỗ Hoàng Hải, cùng công văn số 1090/ĐHYD- ĐT của Trường Đại học Y dược TPHCM gửi UBND tỉnh Bình Phước về việc xác minh hồ sơ sinh viên cử tuyển, Sở GD&ĐT đã tiến hành thành lập Tổ rà soát lại danh sách những học sinh cử tuyển. Qua đó, Tổ rà soát đã phát hiện không chỉ có trường hợp Đỗ Hoàng Hải, mà còn có 7 trường hợp khác cử đi học không đúng quy định.
“Sở GD&ĐT xét thấy, để xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong việc tham mưu cử tuyển sinh viên Đỗ Hoàng Hải và các trường hợp còn lại theo kiến nghị của Tổ rà soát là, cần có sự phối hợp của các ngành chức năng để xác định rõ được người thực hiện và động cơ, mục đích của việc thay đổi nội dung các quyết định của UBND tỉnh đã ban hành về việc cử tuyển. Vì vậy, chúng tôi đã có Báo cáo số 8529/BC-SGDĐT ngày 30/12/2016 gửi UBND tỉnh.”-Ông Hùng cho biết.
Về phía Trường Đại học Y dược TPHCM, trao đổi với phóng viên về việc làm sao phát hiện ra các trường hợp gian lận trên, PGS- TS Trần Hùng- Phó hiệu trưởng trường ĐH Y dược TPHCM cho biết: Nhà trường có công tác hậu kiểm riêng của trường. Vì vậy, sau khi bắt đầu năm học, trường thường làm công việc hậu kiểm tra tất cả các trường hợp trúng tuyển vào nhà trường, trường hợp nào có dấu hiệu gian lận, không đúng theo diện cử tuyển, nhà trường sẽ liên hệ với địa phương để xác minh và có hướng xử lý.
“Đây là một việc làm hàng năm của trường, nhằm xác định tính trung thực của người đi học, kể cả khi đã tốt nghiệp vẫn có thể thu lại bằng nếu phát hiện có gian lận”-PGS.TS Hùng nói.
Nói về các trường hợp gian lận tại Trường Đại học Y dược TPHCM, một cán bộ tại trường Dự bị Đại học TPHCM thẳng thắn bày tỏ: Chuyện này là chuyện không mới. Nó đã tồn tại từ lâu, những người thực hiện chính sách này ít nhiều cũng hiểu nội tình của những bất cập. Nhưng do nó thuộc về chính sách rồi. Sự xác tín và lên danh sách cử tuyển thuộc về địa phương, cấp xã, phường và các đơn vị. Các trường chỉ có nhiệm vụ tiếp nhận (ngân sách đào tạo đã có địa phương, chính sách lo) nên nhiệm vụ của các trường chỉ là hậu kiểm. Hậu kiểm tốt thì loại được những trường hợp gian lận, những trường hợp không xứng đáng, làm không tốt thì chính sách không mang lại hiệu quả.
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Công văn của Đại học Y dược TPHCM yêu cầu tỉnh Bình Phước xác minh thông tin, lý lịch thật của 7 sinh viên bị nghi ngờ |
Chính sách cử tuyển của Đảng và Nhà nước thực hiện nhiều năm qua dành cho các đối tượng học sinh thuộc các vùng miền khó khăn, dân tộc thiểu số, không mục đích gì khác nhằm hỗ trợ nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng cán bộ các vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, những bất cập và cả những mặt trái tồn tại bấy lâu nay trong chính sách cử tuyển ít nhiều đã được phơi bày.
Nó không đến từ chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước mà nó đến từ sự ích kỷ, vụ lợi từ chính những người đã và đang thực hiện chủ trương lớn trên của Đảng và Nhà nước. Dư luận vẫn hết sức quan tâm rằng liệu ngoài các trường hợp được cử tuyển sai trên sẽ còn bao nhiều trường hợp được “phù phép”, để hợp thức hóa việc sử dụng ngân sách của các địa phương và của Nhà nước.
Vấn đề mà dư luận đặt ra; sau các trường hợp bị phát hiện, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho các sai phạm trên?
Trao đổi với báo chí về vụ việc nhiều sinh viên của tỉnh, vì gian lận mà bị Đại học Y dược TPHCM buộc thôi học, ông Nguyễn Văn Hùng- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước cho biết:
Ngày 13/3/2017, Sở GD&ĐT cùng đại diện Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Ban Dân tộc tỉnh đã có cuộc họp liên tịch và thống nhất tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Trường đại học Y Dược TPHCM buộc thôi học 7 học sinh không có tên trong quyết định cử đi học của UBND tỉnh và bồi hoàn kinh phí cử tuyển đã cấp.
Trên cơ sở thống nhất tại cuộc họp, Sở GD&ĐT đã có Tờ trình số 783/TTr-SGDĐT ngày 13/3/2017, về việc đề nghị UBND tỉnh giải quyết sinh viên cử tuyển không có tên trong danh sách đính kèm Quyết định số 1669/QĐ-UBND ngày 10/9/2013 và Quyết định số 2152/QĐ-UBND ngày 10/10/2014 cử đi học của UBND tỉnh Bình Phước.
“ Các trường hợp được đi học dạng cử tuyển tại Trường Đại học Y dược TPHCM không xuất phát từ sự tham mưu của Sở GD&ĐT, những sinh viên này cũng không có tên trong danh sách kèm theo quyết định cử đi học của UBND tỉnh. Sở GD&ĐT đã kiểm tra hồ sơ, báo cáo UBND tỉnh đầy đủ các nội dung theo yêu cầu, việc thu hồi kinh phí cử tuyển đang được triển khai thực hiện.
Hiện, gia đình sinh viên Đỗ Hoàng Hải đã thực hiện việc bồi hoàn kinh phí. Sở GD&ĐT có Quyết định số 1440/QĐ-SGDĐT ngày 13/4/2017 thu hồi số tiền 57.870.000 đồng từ gia đình em Đỗ Hoàng Hải. Đối với các trường hợp khác, Sở GD&ĐT vẫn đang triển khai thu hồi”- ông Hùng thông tin.
Tờ trình của Sở GD&ĐT gửi UBND tỉnh Bình Phước |
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 134/2006/NĐ-CP Quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (được sửa đổi tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 49/2015/NĐ-CP), những đối tượng sau cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân:
a) Công dân Việt Nam thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và có thời gian 3 năm học trung học phổ thông tại trường đóng tại địa phương đó (học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, học sinh các lớp tạo nguồn tính theo hộ khẩu trường trú) được cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc có thời gian 4 năm học trung học cơ sở ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cử tuyển vào trung cấp; ưu tiên xét cử tuyển đối tượng là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ người dân tộc Kinh được cử tuyển không vượt quá 15% so với tổng số chỉ tiêu được giao;
b) Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số mà dân tộc đó chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp so với số dân của dân tộc đó trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thường trú ở khu vực III, II (có thể xét cả đối tượng ở khu vực I trong trường hợp dân tộc thiểu số đó có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp so với số dân của dân tộc đó trong phạm vi cả nước hoặc việc cử tuyển đối với các đối tượng này ở khu vực III, II không đủ chỉ tiêu được giao) từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh.