(GD&TĐ) - 2 bệnh nhân tử vong do cúm A/H5N1, số người mắc cúm mùa typ B và cúm A/H3N2 giảm dần trong khi bệnh nhân nhập viện do cúm A/H1N1 lại tăng đáng kể. Bên cạnh đó, nguy cơ lây lan cúm A/H7N9 vẫn đang hiện hữu là những cảnh báo về khả năng bùng phát nhiều chủng cúm trong mùa thu - đông, đông - xuân tới đây.
Cúm A/H1N1 lên ngôi
Cấp cứu cho bệnh nhân biến chứng nặng vì cúm Ảnh: V. Văn |
Theo quy luật, mỗi năm sẽ có một chủng cúm phát triển mạnh và trở thành dịch chính. Năm 2013, theo kết quả giám sát cúm trọng điểm tại 10 điểm, trong gần 1.000 mẫu xét nghiệm virus cúm, có tới 200 mẫu dương tính với virus cúm, riêng cúm A/H1N1 chiếm đến 50% các ca bệnh. Như vậy, cúm A/H1N1 đang dần thay thế cúm typ B và cúm A/H3N2 bởi tỷ lệ mắc cúm A/H1N1 năm 2012 chỉ là 5 - 7%.
BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết: Từ đầu tháng 10 đến nay, số người đến khám bệnh do cúm tăng đáng kể, trong đó có một số bệnh nhân phải nhập viện do mắc cúm A/H1N1. Điển hình ngày 3/10, bệnh viện đã tiếp nhận 2 ca nhập viện trong tình trạng biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp. Trước đó, một bệnh nhân 12 tuổi đã tử vong do cúm A/H1N1.
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó GĐ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, sau đại dịch năm 2009, cúm A/H1N1 liên tục xuất hiện ở nước ta và đến nay chủng cúm A/H1N1 lưu hành như một virus cúm mùa. Tuy nhiên, do đây là chủng virus mới nên số người có miễn dịch rất thấp (99%) nên tuy nằm trong danh sách cúm mùa, chưa có bằng chứng về sự biến đổi gen và độc lực theo hướng mạnh lên nhưng do khả năng lây lan nhanh (trực tiếp từ người sang người) nên cúm A/H1N1 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch cũng như gây ra nhiều biến chứng nặng cho bệnh nhân.
Hết vắc xin cúm, thủy đậu: Người dân đứng ngồi không yên
Số người đến khám vì nghi ngờ bị cúm ngày một tăng Ảnh: V. Văn |
Cả nước vẫn còn khoảng 80 triệu người chưa có miễn dịch và đều có khả năng mắc bệnh nên việc tiêm phòng là hết sức cần thiết. Theo BS Nguyễn Hồng Hà, một số đối tượng cần tiêm vắc xin phòng chống cúm là phụ nữ có thai (tiêm trước 3 tháng), người cao tuổi (trên 60 tuổi), trẻ em và người mắc bệnh mãn tính (viêm phổi, tiểu đường)…
Tuy nhiên, khảo sát tại một số điểm tiêm chủng trên đường Nguyễn Chí Thanh, Lò Đúc (Hà Nội) cho thấy vắc xin phòng cúm mùa, thủy đậu đã hết từ tháng 8. Tại phòng tiêm chủng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhân viên quầy lễ tân liên tục thông báo với người dân về việc chỉ còn vắc xin cúm năm 2012, vẫn chưa có vắc xin cúm mùa năm 2013. Việc hết 2 loại vắc xin trên vào đúng mùa dịch đã khiến không ít bệnh nhân hoang mang, lo lắng. “Không được tiêm hoặc bị tiêm gián đoạn 2 loại vắc xin khiến trẻ có khả năng nhiễm bệnh”, chị Hoàng Thu Hằng lo lắng.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, vắc xin phòng cúm mùa và thủy đậu là loại vắc xin không nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia và thường do các nhà nhập khẩu đặt hàng từ đầu năm và dự trù cho cả năm. Nếu năm đó nhu cầu tiêm vắc xin nhiều thì những tháng cuối năm sẽ hết hàng. “Hiện không chỉ riêng Hà Nội mà các cơ sở y tế khác trên toàn quốc đều hết hai loại vắc xin này. Dự kiến tháng 10, thậm chí tháng 11/2013 mới có vắc xin phòng cúm. Riêng vắc xin thủy đậu chưa biết bao giờ mới có vì còn phụ thuộc vào nhà sản xuất và đơn vị phân phối” ông Cảm cho biết.
Để phòng chống 2 bệnh trên, các bác sĩ khuyến cáo trẻ nhỏ nếu chưa được tiêm, chưa mắc bệnh cần phải được giữ gìn vệ sinh. Đồ dùng cá nhân, vệ sinh môi trường như khăn tắm, khăn lau, quần áo giặt xong cần phơi nắng và tránh tiếp xúc với trẻ mắc bệnh. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu như mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, ngứa, trên da xuất hiện các nốt ban có dịch nước bên trong thì cần cho trẻ đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời. Với phụ nữ mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.
- Từ đầu năm 2013 đến nay, đã có 4 bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1, trong đó 2 trường hợp đã tử vong. Tất cả các trường hợp này đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Như vậy, sự tồn tại mầm bệnh cúm trên gia cầm đã gây bùng phát dịch gia cầm mà còn có nguy cơ lây nhiễm sang người là rất lớn. - Mặc dù đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận một trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9 nhưng “sự bí ẩn” về cơ chế lây nhiễm và đối tượng mắc đều có biểu hiện lâm sàng nặng, khả năng tử vong cao (chiếm gần 30%) vẫn khiến các chuyên gia dịch tễ của Việt Nam, Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới quan ngại. Các chuyên gia y tế cũng lo ngại về tình trạng các loại virus cúm A/H1N1, A/H5N1, A/H7N9 tái tổ hợp tạo ra một loại virus mới vừa có đặc tính lây lan nhanh lại gây tử vong cao thì cực kỳ nguy hiểm. (BS Nguyễn Hồng Hà, Phó GĐ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư). |
PV