Thời gian gần đây, Uber vẫn đang là dịch vụ vận tải được dư luận quan tâm và tranh luận nhiều. Nhất về tính hợp pháp của nó. Nhưng đây không phải là hình thức dịch vụ vận tải thông qua ứng dụng di động duy nhất xuất hiện tại Việt Nam.
Trước Uber, tại TPHCM đã xuất hiện hai dịch vụ gọi taxi qua ứng dụng di động với tên gọi Grab Taxi và Easy Taxi.
Chính thức xuất hiện tại TPHCM từ tháng 7/2014, Uber là hình thức đi xe thông qua ứng dụng được cài đặt trên smartphone khá tiện lợi.
Thế nhưng, Uber đang vấp phải những ý kiến phản đối của một số hãng taxi vì cho rằng các xe tham gia kinh doanh dịch vụ này cần được xem xét lại về tính hợp pháp. Tuy nhiên, đã có đơn vị vận tải cho Uber thuê dịch vụ xe cho thuê.
Ông Hồ Huy - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Mai Linh - cho biết: “Uber hay Mai Linh hay các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước hợp tác với nhau tạo ra giá trị tốt cho người tiêu dùng, tạo ra điều kiện tốt cho xã hội và đặc biệt là hợp với luật pháp Việt Nam thì điều đó rất hoan nghênh”.
Bên cạnh Uber, dịch vụ Grab Taxi cũng đã thu hút trên 60.000 tài xế đăng ký tham gia. Ứng dụng này giúp khách hàng có thể nhận thấy những chiếc xe taxi gần nhất cũng như thông tin về chiếc xe và cả gương mặt tài xế.
Anh Nguyễn Nhật Tân (quận Bình Thạnh, TPHCM) nói: “Tôi thấy dịch vụ này an toàn vì mình biết được ai đưa đón mình. Nếu tôi lỡ để quên đồ trên xe, nhờ biết được thông tin xe mà tôi có thể gọi lấy lại được”.
Độ rủi ro và an toàn của hành khách đang là câu hỏi được nhiều người đặt ra khi mà đa số các tài xế taxi đều tự đăng ký tham gia các dịch vụ này.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Grab Taxi Việt Nam - cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với các hãng taxi để sàng lọc những tài xế tham gia Grabtaxi. Chỉ những tài xế đáp ứng đủ quy định của pháp luật và tiêu chí của chúng tôi mới tham gia được.
Với sự bùng nổ các loại hình vận tải thông qua ứng dụng di động, nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm có khung pháp lý rõ ràng cho hoạt động kinh doanh này.