Người làm luật bức xúc
Cuốn sách “Bộ luật Dân sự và Văn bản hướng dẫn thi hành 2014" do Nhà xuất bản Lao động – Xã hội (cơ sở phía Nam) in ấn và phát hành đã sử dụng hình ảnh người đàn ông lực lưỡng, với độc chiếc quần nhỏ để làm hình bìa khiến dư luận đang rất bức xúc.
Không chỉ vậy, hình ảnh nhân vật bìa còn được thiết kế đặt đứng trên quả cầu lửa, hai tay dang rộng cầm hai cán cân, với ý nghĩa tượng trưng cho công lý, quyền uy của luật pháp.
Không khó để nhận ra hình ảnh trên tấm bìa có khuôn mặt giống diễn viên hài Công Lý. Chưa nói việc hình ảnh “chỉ có tính minh họa” hay còn ý nghĩa nào khác thì những người công tác trong lĩnh vực luật coi đây là hành động khó chấp nhận, nếu không muốn nói là bôi nhọ luật pháp.
Phó giáo sư - tiến sĩ Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ pháp luật Kinh tế - Dân sự, Bộ Tư pháp |
Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ pháp luật Kinh tế - Dân sự, Bộ Tư pháp, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Bộ Luật dân sự) đã rất giận dữ và bức xúc khi biết có cuốn sách hướng dẫn thi hành Luật Dân sự lại sử dụng hình ảnh bìa một cách tùy tiện như vậy.
“Hành động này không thể chấp nhận, thể hiện sự tùy tiện, xúc phạm, bôi nhọ đến nền tư pháp. Cần có chế tài để xử lý đơn vị để xảy ra sai phạm” – ông Huệ nhấn mạnh.
Luật sư Trương Anh Tú – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội – cũng cho rằng hành động này của cơ quan xuất bản là việc làm thiếu nghiêm túc, thể hiện sự tắc trách của cơ quan xuất bản. Theo luật sư thì luật pháp vốn dĩ tượng trưng cho quyền uy, sự nghiêm minh, chứ không phải là tác phẩm hài.
Thế nhưng lại bị những người làm sách, không biết vô tình hay hữu ý đưa ra làm trò đùa, cười nhạo, khi lấy hình ảnh diễn viên hài, với trang phục không nghiêm túc để làm bìa trong một cuốn sách hướng dẫn người dân thi hành pháp luật.
Nhà xuất bản nói gì?
Trước những phản hồi này, phía đơn vị xuất bản – Nhà xuất bản Lao động – Xã hội lại tỏ ra lúng túng trong cách xử lý. Khi được hỏi, ông Nguyễn Huy Chánh (Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của Nhà Xuất bản Lao động - Xã hội – đơn vị trực tiếp tiến hành in ấn, phát hành cuốn sách) cho biết: “Bộ luật Dân sự và Văn bản hướng dẫn thi hành 2014 được chúng tôi in và phát hành đầu năm nay, với số lượng 1.000 cuốn.
Cách đây vài tháng, khi nhận ra sai sót, chúng tôi đã ra văn bản thu hồi lại. Tuy vậy, vì một lý do nào đó mà cuốn sách vẫn chưa thu hồi hết và còn bày bán ở một số nhà sách. Tôi vừa cho nhân viên tiến hành rà soát và sẽ thu hồi lại toàn bộ”.
Bìa cuốn sách do Nhà xuất bản Lao động - Xã hội cấp phép phát hành. |
Tuy vậy, khi đề cập đến vấn đề lỗi tại ai, để sai sót này có thể lọt qua mọi khâu trong quy trình kiểm duyệt xuất bản từ đăng ký, biên tập nội dung, rồi qua tay các cấp lãnh đạo trước khi đến với độc giả. Ông Chánh cho biết, cuốn sách do nhà xuất bản cấp giấy phép, nhưng bìa sách lại do một đơn vị khác thiết kế nên không nắm rõ sự việc.
Hiện đơn vị đang tiến hành rà soát lại quy trình để tìm ra lỗi ở khâu nào, sau đó sẽ thông tin sự việc tới dư luận.
Câu trả lời này không thỏa đáng, bỡi lẽ, đơn vị đã phát hiện ra sai phạm cách đây vài tháng và tự thu hồi, vậy mà chỉ đến khi bị dư luận phát hiện thì mới tiến hành rà soát quy trình để tìm ra lỗ hổng.
Đặc biệt, chẳng lẽ trước khi cấp phép mà không hề kiểm duyệt, rà soát lại nội dung và hình thức các xuất bản phẩm, mà mặc nhiên "giao phó" hoàn toàn cho đơn vị tư nhân khác, để đến khi xảy ra sai sót thì đi "đá bóng" cho phía đối tác.
Chuyện xuất bản phẩm phát hành ra thị trường xảy ra lỗi và sai sót xưa nay không hiếm. Trong thời gian qua, hàng loạt vấn đề liên quan đến lĩnh vực xuất bản như việc sử dụng logo, hình ảnh minh họa bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia, rồi từ điển in sai, dịch sai ngữ nghĩa, sách thiếu nhi có nội dung đồi trụy, truyện cổ tích 18+... đã làm dư luận vô cùng bức xúc.
Sau mỗi sự việc ầm ỹ các đơn vị đều đưa ra rút kinh nghiệm, nhưng rồi cũng rơi vào quên lãng và chẳng ai có thể dám chắc lần sau sẽ không lặp những vụ việc tương tự.
Có thể thấy rõ rằng, những vụ việc tai tiếng trong nghành xuất bản vừa qua đã chứng tỏ lỗ hổng không nhỏ trong “dây chuyền” xuất bản phẩm ở Việt Nam hiện nay, từ khâu biên tập đến khâu kiểm duyệt sản phẩm.