Bức thiết giáo dục giới tính cho vị thành niên

Bức thiết giáo dục giới tính cho vị thành niên

Vị thành niên là một giai đoạn phát triển rất nhanh về thể chất, tâm sinh lý và tinh thần. Sự bùng nổ thông tin, giao thoa văn hóa ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ và hành vi của lứa tuổi vị thành niên. Do đó, việc giáo dục giới tính cho lứa tuổi này  rất cần thiết, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần.

Tuổi teen rất cần được giáo dục giới tính
Tuổi teen rất cần được giáo dục giới tính

Thắc mắc "chuyện ấy" với ai?

Trong một lần tham dự buổi tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên tổ chức tại Trường THCS Đăng Hưng Phước (huyện Chợ Gạo), chúng tôi thấy rõ nhu cầu tìm hiểu kiến thức về sức khỏe giới tính của các em học sinh ở đây. Mặc dù thời gian chỉ vỏn vẹn gần một giờ, nhưng đã cung cấp được phần nào cho các em học sinh những chuyện tế nhị về sức khỏe giới tính, về những thay đổi cơ thể ở tuổi dậy thì...

Các chuyên gia tư vấn đã giúp các em nắm được một số kiến thức cơ bản như: sự phát triển tâm sinh lý; giáo dục giới tính; giáo dục sức khoẻ tình dục lành mạnh và an toàn, các biện pháp tránh thai, phòng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Một số em đã không ngần ngại bật mí: "Khi muốn biết những chuyện này, tụi em khó hỏi ai được, hỏi cha mẹ thì bị gạt ngang: "con nít mà biết để làm gì!"; còn hỏi thầy cô thì lại không dám. Do đó, chủ yếu là hỏi nhỏ với các bạn chơi cùng nhóm hoặc có khi tìm sách để đọc nhưng rất ít..."

Một chuyên gia tâm lý cho biết, điều này có thật vì ở lứa tuổi vị thành niên, các em thường có nhu cầu tìm hiểu về những thay đổi trên cơ thể của mình, nhưng không tự giải thích được hoặc không có ai tư vấn, trả lời nên đành phải tự tìm hiểu lấy theo cách của mình. Và điều này cũng là thực tế xảy ra đối với thanh thiếu niên ở thành thị lẫn nông thôn.

N. Tú (một sinh viên ở Trường ĐH Tiền Giang) nói: "Mình vẫn còn nhớ năm lớp 7, những kiến thức giới tính căn bản nhất mình biết được qua chương trình dạy giới tính cho các bạn nữ của hãng băng vệ sinh Whisper. Nhưng hồi đó, mình quá ngượng để thấy thắc mắc của các bạn nam là tại sao tớ không được học là vô lý. Theo mình đó là "đặc quyền" riêng của con gái."

Bạn T.N. (sinh viên): "Hồi nhỏ mình cũng không được bố mẹ dạy nhiều về giới tính, cũng tò mò, nhưng thấy ngượng nên chẳng biết mang đi hỏi ai. Dần dần cũng quên, cho đến lúc tìm được sách thích hợp (cười!). Bây giờ thì em trai mình cũng đang ở tuổi dậy thì, mình muốn thay đổi phương thức của cha mẹ nên cũng đang cung cấp kiến thức gián tiếp cho cậu".

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ y khoa Tạ Văn Trầm (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế TG) nhận xét: Tuổi vị thành niên càng trẻ càng ít hiểu biết về sức khỏe giới tính, các bậc lớn tuổi (kể cả cha, mẹ, thầy cô giáo) chưa quan tâm đúng mức để giúp đỡ, hướng dẫn trẻ trong bước đi đầu đời.

Nữ phát triển về mọi mặt sớm hơn nam nên dễ bước vào con đường tình dục không an toàn. Các em nam có nhu cầu tình dục cấp bách, dữ dội, một khi đã có điều kiện nảy sinh ham muốn thì không tùy thuộc vào tình yêu có sâu sắc và bền vững hay không và ít khi có đủ bình tĩnh, đủ tinh thần trách nhiệm để sử dụng các biện pháp tránh thai; do vậy, nam dễ có những hoạt động tình dục không kềm chế được, dẫn đến những bạo lực về tình dục đối với nữ ít tuổi hơn.

Nam thường ít quan tâm đến những biện pháp tránh thai, ít quan tâm đến trách nhiệm. Nữ thường nể nang, thiếu hiểu biết, nên dẫn đến có thai ngoài ý muốn rồi nạo phá thai không an toàn.

Trong tình hình thông tin đại chúng như hiện nay với hiện tượng bùng nổ các hình ảnh về sex, bạo lực, hút thuốc, uống rượu, ma túy... là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ và nhận thức của tuổi vị thành niên.

Theo Tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn (Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh), ở giai đoạn này, các em sẽ dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những yếu tố tác động của xã hội bên ngoài nếu như không có sự định hướng, dạy dỗ của gia đình và nhà trường. Hậu quả nhãn tiền của vấn đề là việc một số em "bắt chước", "học đòi" lối sống buông thả, đua đòi và quan hệ tình cảm theo kiểu một số nhân vật trong các phim ảnh "mì ăn liền".

Thực tế hết sức đau lòng là một bộ phận các em "tuổi teen" (thậm chí còn ngồi trên ghế nhà trường), nhưng đã nghĩ đến chuyện "yêu đương" quá sớm. Một cô giáo dạy trường THCS kể lại hiện tượng học sinh lớp 7 đã hẹn hò, trốn học đi chơi và thậm chí còn xảy ra việc đánh nhau, vì chuyện "bạn gái" của mình bị người khác chọc ghẹo...

Giáo dục giới tính là rất cần thiết

Kết quả khảo sát của WHO (Tổ chức Y tế thế giới) đối với 19 chương trình giáo dục giới tính trường học ở nhiều nước cho thấy, trẻ vị thành niên có hoạt động tình dục trễ hơn, giảm hoạt động tình dục, biết cách sử dụng các biện pháp ngừa thai một cách hiệu quả, và hoàn toàn không thúc đẩy trẻ có hoạt động tình dục sớm và nhiều hơn. Giáo dục giới tính bao gồm: Sự phát triển của giới tính, sức khỏe sinh sản, các mối quan hệ cá nhân, tình cảm, về ngoại hình, về vai trò của giới.

Những kiến thức về giáo dục giới tính giúp trẻ vị thành niên có một quan điểm tích cực về tình dục, đồng thời cung cấp các thông tin và kỹ năng để trẻ vị thành niên có được thái độ và hành vi đúng, hiểu biết và có trách nhiệm về những quyết định của mình.

Ở Tiền Giang, giáo dục giới tính cho học sinh phần lớn được ngành giáo dục và các tổ chức đoàn thể thực hiện qua những diễn đàn, những buổi sinh hoạt nói chuyện  về giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên. Ngoài ra, còn có mô hình tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại một số quán cà phê ở TP. Mỹ Tho, tư vấn qua Trung tâm Tư vấn sức khỏe và tâm lý bạn trẻ (Tỉnh Đoàn) hoặc Trung tâm Tư vấn dân số - gia đình và trẻ em.

Các hoạt động này nhằm tập trung và phổ biến rộng rãi những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên ngoài nhà trường, ngoài tổ chức Đoàn, Hội.

Thạc sĩ - bác sĩ Kim Dung, cho biết Dự án "Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản" do UNFPA (Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc) tài trợ tại Tiền Giang cho biết: Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia chu kỳ 7 hợp tác giữa Việt Nam và UNFPA, giai đoạn 2006 - 2010, Dự án đã hoạt động từ tháng 6 - 2006 theo các trọng tâm sức khỏe sinh sản ưu tiên như: làm mẹ an toàn; phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS; đặc biệt trong đó có chăm sóc sức khỏe vị thành niên/thanh niên...

Theo khảo sát của Ban Quản lý Dự án "Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản" thì lứa tuổi vị thành niên/thanh niên trên địa bàn tỉnh tuổi từ 10-24 chiếm tỷ lệ 30% dân số của tỉnh; qua đánh giá thực tế, họ chưa có nhận thức đầy đủ về các vấn đề sức khỏe sinh sản như: có thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm HIV/AIDS...

Hiện nay, Dự án tiếp tục hỗ trợ triển khai các hoạt động ngoại khóa về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, tập trung vào các điểm được lựa chọn trong 14 trường phổ thông của huyện Châu Thành, Cái Bè và TP. Mỹ Tho. Hoạt động truyền thông dưới hình thức nhóm giáo dục đồng đẳng và cung cấp tài liệu để thông tin về dịch vụ sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục cho thanh niên làm việc tại các khu công nghiệp của huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho và vị thành niên bán vé số, thanh niên bốc vác tại huyện Cái Bè.

Đồng thời, tổ chức lồng ghép truyền thông cho cha mẹ tại cộng đồng trong các hoạt động nhóm vay vốn tín dụng/tiết kiệm của Hội Nông dân nhằm tạo điều kiện và ủng hộ vị thành niên/thanh niên tiếp cận dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục.

Theo Báo Tiền Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ