“Bữa cơm tình thương” cho học sinh xa nhà

GD&TĐ - “Nhìn cảnh những em HS nhà xa buổi trưa ở lại trường, tự ăn uống, tự chơi không có ai trông nom quản lý vừa không đảm bảo sức khỏe, nguy cơ mất an toàn lại rất cao, bởi thế tôi quyết định vận động cán bộ, giáo viên trong trường tổ chức bữa cơm trưa cho các cháu” - cô giáo Võ Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Hạnh 1 (Quỳ Châu, Nghệ An) tâm sự như vậy khi kể với chúng tôi về hoàn cảnh phải đi học xa nhà của những học trò thân yêu.

“Bữa cơm tình thương” cho học sinh xa nhà

Bữa cơm của tình thầy trò

Hơn hai tháng qua, ngày nào cũng vậy, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Châu Hạnh 1 lại cắt cử nhau, ai được nghỉ chuyên môn thì đi chợ, nấu cơm trưa cho những em HS ở bản xa của trường.

Cô Võ Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Hạnh 1 chia sẻ: “Toàn trường hiện có 224 em HS thì có 34 em đến từ 2 bản Minh Châu và Khe Mì cách trường từ 5 – 7km, phải qua mấy con suối, đi lại rất khó khăn.

Hoàn cảnh gia đình của những em ở 2 bản này cũng rất khó khăn. Nhiều em bố mẹ đi làm ăn xa, ở nhà với ông bà; có em thì bố hoặc mẹ mất sớm. Buổi trưa, các em ở lại trường, khi thì được bố mẹ cho vài nghìn ăn bánh, khi thì nhai vắt cơm nguội đùm từ nhà đi, có em nhịn qua bữa… Thương lắm!”.

Chứng kiến cảnh buổi trưa các em HS ăn uống qua loa, không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt, các em ở lại tự do đi chơi, không ai trông nom quản lý nguy cơ mất an toàn rất cao, vì thế, cô Thúy đã nảy sinh ý tưởng kêu gọi các thầy cô trong trường gom góp tiền để nấu cơm, lo bữa trưa cho các em HS.

Trường Tiểu học Châu Hạnh 1 đã tiến hành họp lấy ý kiến phụ huynh và báo với chính quyền địa phương, Phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu. Được sự nhất trí, các thầy cô của trường bắt đầu thực hiện bữa cơm tình thương cho HS xa nhà.

Mỗi tháng, mỗi giáo viên trong trường trích ra 50.000 đồng tiền lương, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng trên địa bàn để lấy kinh phí mua đồ dùng trong bếp.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho HS trong giờ nghỉ trưa, nhà trường đã tiến hành sửa chữa, đóng lại bàn ghế cũ thành tấm phản để làm nơi ăn, ngủ cho các em.

Không chỉ nấu ăn, lo bữa cơm, giấc ngủ cho các em mà thầy cô còn hướng dẫn các em ăn uống vệ sinh và biết dọn dẹp rửa bát đũa, gấp chăn chiếu gọn gàng, sạch sẽ.

Ban đầu lũ trẻ đón nhận bữa cơm với những bỡ ngỡ, háo hức. Còn bây giờ bữa cơm trưa đã trở thành niềm vui, thành giờ giấc sinh hoạt điều độ.

Bố mất sớm, mẹ sang Trung Quốc làm ăn rồi từ đấy không về, Nguyễn Mạnh Cường, học sinh lớp 5A ở với ông bà nội tại bản Minh Châu. Ông bà tuổi cao, không có sức đi rẫy nên cuộc sống rất khó khăn. Những ngày đi học của Cường chỉ có đùm cơm nguội của bà nội nhét vào cặp sách để trưa ăn tạm.

Cường nói: “Vì nhà xa, học cả ngày nên em phải ở lại buổi trưa. Buổi sáng đi học, bà nội đùm cơm nắm cho em đi học; đôi bữa trong nhà hết gạo, ông bà không có tiền thì em nhịn không ăn bữa trưa. Bây giờ, được thầy cô lo cho ăn cơm, rồi ngủ trưa để chiều dậy học nên em và các bạn thấy vui lắm ạ”!

Nhân rộng phong trào “nhường cơm, sẻ áo” cho trò

Là ngôi trường nằm trên địa bàn xã Châu Hạnh, tuy không phải địa phương vùng sâu, vùng xa nhưng có trên 80% các em học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo (trong đó hộ nghèo chiếm trên 51%).

Tuy vậy, những năm qua, nhà trường luôn nỗ lực trong công tác dạy và học. Trường Tiểu học Châu Hạnh 1 thực hiện dạy 2 buổi/ngày với 35 tiết/tuần.

Trước đó, trong thời gian thí điểm dự án VNEN, trường có kinh phí tổ chức ăn trưa bán trú cho HS. Tuy nhiên sau khi dự án kết thúc, thì việc tổ chức bán trú ở trường cũng không được duy trì.

Hiện tại, việc tổ chức ăn trưa hiện nay hoàn toàn là công sức và tiền của cán bộ giáo viên nhà trường bỏ ra, vì tình thương đối với HS và chỉ đủ để nuôi những em xa nhà, hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, cũng vì thế mà ảnh hưởng đến sinh hoạt, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, tổ chức thăm lớp, dự giờ lẫn nhau của các thầy cô.

“Về lâu dài, tôi cũng muốn tổ chức bán trú tại trường, vận động phụ huynh đăng ký cho con em ở lại buổi trưa. Vừa đảm bảo sức khỏe cho trò, vừa để hoạt động dạy học 2 buổi/ngày hiệu quả hơn.

Những em nhà xa, hoàn cảnh khó khăn thì được miễn phí, còn những em gia đình có điều kiện hơn thì đóng một số tiền quỹ nhất định, để nhà trường lấy chi phí thuê cô nuôi, và sắm thêm các đồ dùng như bếp gas, nồi cơm điện, xoong chảo, bát đũa… để việc nấu ăn bán trú quy củ hơn.

Trong thời gian tới, nhà trường sẽ cố gắng kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp vào quỹ để không chỉ HS 2 bản Minh Châu và Khe Mỳ mà tất cả các em HS trong trường được ăn trưa và ngủ nghỉ miễn phí tại trường” - cô Thúy chia sẻ.

Việc tổ chức bán trú buổi trưa không đơn thuần là hỗ trợ cho các em HS có hoàn cảnh khó khăn bữa ăn trưa đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo ATTP, mà còn giúp các em yêu thương, trân trọng lẫn nhau; đồng thời, nhà trường muốn thông qua đó dạy cho các em kĩ năng sống như sống có ý thức, trách nhiệm trong tập thể.

Bà Nguyễn Thị Châu – Trưởng Phòng GD&ĐT Quỳ Châu - cho biết: Việc tổ chức bán trú tại Trường Tiểu học Châu Hạnh 1 nằm trong phong trào chung mà toàn ngành Giáo dục Quỳ Châu đang phát động, đó là phong trào “nhường cơm, sẻ áo” cho học trò nghèo, học trò vùng xa.

Đây cũng là hoạt động được chính quyền địa phương ủng hộ. Về phía ngành Giáo dục, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì và mở rộng mô hình này, trước hết nhằm chăm lo sức khỏe cho HS, từ đó nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày.

Anh Lô Xuân Vân, Hội trưởng Hội phụ huynh Trường Tiểu học Châu Hạnh 1 cũng phấn khởi chia sẻ: Nhiều em học xa phải ở lại buổi trưa thường chơi các trò chơi nguy hiểm như leo trèo các cây xanh cao vút trong khuôn viên nhà trường. Đằng sau trường có một cái ao nước rất sâu, nếu không có người quản lý, các em rất dễ bị sẩy chân, nguy hiểm tính mạng. Vì thế, các thầy cô tổ chức bữa cơm trưa và quản lý các cháu khiến phụ huynh rất yên tâm và ủng hộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.
Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.