Bữa cơm gia đình - “Nếp nhà” nên giữ

GD&TĐ - Một bữa cơm gia đình rất quan trọng trong tổ ấm người Việt. Thế nhưng hiện nay, cuộc sống bận rộn, và sự tiện lợi của các nhà hàng, quán ăn khiến cho bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên ngày càng thưa dần.

Bữa cơm gia đình - “Nếp nhà” nên giữ

Đó có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho sự gắn kết các thành viên gia đình trong xã hội hiện đại ngày càng lỏng lẻo, thiếu sự quan tâm chia sẻ...

Thiếu bữa cơm sum họp gia đình

Trong một cuộc thi vẽ tranh dành cho thiếu nhi về gia đình do Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) tổ chức cách đây không lâu, kết quả khá bất ngờ, hơn 80% bức tranh của các em vẽ về bữa cơm gia đình. Điều đó khiến nhiều phụ huynh phải suy nghĩ về những bữa cơm truyền thống của gia đình Việt đang dần thiếu vắng.

Mặc dù chỉ có bữa cơm tối là cả nhà ăn cùng nhau nhưng vì công việc bận tối ngày nên một số gia đình cũng ít khi được quây quần sum họp thường kỳ. Có gia đình cả tuần không có bữa ăn nào cả nhà có mặt đầy đủ. Thậm chí có những hôm người ở nhà ăn trước, người về muộn ăn sau vì con trẻ còn phải học bài và người già phải nghỉ ngơi sớm.

Chị Nguyễn Thu Hòa, GV Trường THCS Thịnh Liệt (Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi quy định: Đến bữa là mọi người phải có mặt đông đủ. Thế nhưng, quy định ấy đã mất dần hiệu lực. Mỗi người mỗi việc. Thời gian biểu của từng người lại khác nhau nên chẳng thể ngồi vào mâm cùng lúc”.

Anh Đỗ Đức Vương (cán bộ Ngân hàng ADB, Hà Nội) cũng cho biết: “Những bữa cơm chung của gia đình anh trong một tháng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cả hai vợ chồng có hôm đi làm tới tận tối muộn. Gia đình anh có bố mẹ ở cùng, nên việc đưa đón con và nấu cơm ông bà đảm nhiệm. Hàng ngày, ông bà thường ăn trước, để phần hai vợ chồng ăn sau. Cả hai vợ chồng anh cũng hiếm khi được ăn cơm cùng con cái, do các con và ông bà đều phải ăn cơm sớm, đúng giờ”.

Cần giữ “nếp nhà”

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Kim Quý, chuyên gia Tâm lý học, Cố vấn đường dây tư vấn Hỗ trợ Chăm sóc bà mẹ trẻ em cho rằng: “Tại các đô thị lớn ở nước ta, có đến 30 - 40% gia đình hiếm khi có bữa cơm với đầy đủ thành viên. Đây là một xu hướng hiển nhiên dưới tác động của nhịp sống hiện đại. Người Việt hôm nay đang bị cuốn theo tiết tấu công nghiệp nhanh gấp của kinh tế thị trường, của nhịp sống đô thị, nên đã phai bạc rất nhiều nét văn hóa thuần Việt của bữa cơm gia đình truyền thống. Nhiều người Việt thích/phải thích ăn tiệm, ăn nhậu ngoài phố hơn là về ăn cùng mâm với đầm ấm gia đình”.

Theo TS Nguyễn Thị Kim Quý: “Với người Việt Nam, bữa cơm chính là chiếc gương soi phản chiếu hạnh phúc của một gia đình. Không đơn thuần là để duy trì sự sống, bữa cơm của người Việt còn chứa đựng bao giá trị về văn hóa ẩm thực và văn hóa ứng xử. Việc duy trì bữa cơm gia đình trong mỗi gia đình hiện đại ngày nay là điều cần thiết, là một nét văn hóa truyền thống rất cần được gìn giữ, phát huy. Đây là một cơ hội tuyệt vời để bố mẹ tìm hiểu, lắng nghe ý kiến con cái, theo dõi hình thành tính cách con trẻ. Bữa cơm gia đình là không gian thảo luận mở, nơi con trẻ có thể tìm kiếm sự ủng hộ, góp ý từ các thành viên khác về những dự định, quyết định của mình. Một gia đình hạnh phúc là ở đó mọi thành viên luôn có sự chia sẻ, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau từ những việc đơn giản”.

Cuộc sống dù có hiện đại, bận rộn thế nào đi nữa thì thiết nghĩ mỗi thành viên không nên xem nhẹ bữa ăn gia đình, bởi đó là truyền thống tốt đẹp và là nét bản sắc độc đáo của văn hóa Việt Nam. Bữa cơm gia đình vô cùng quan trọng, nó nói nên tất cả từ tình yêu thương đến đạo đức, lòng hiếu thảo, sự chăm sóc, một bài học không thầy mà chỉ có ông bà, cha mẹ, anh em dạy nhau, vô cùng bổ ích cho cả đời không sao kể hết. “Mỗi người phải biết điều hòa cái “tôi” của mình, công việc chung với nhu cầu cá nhân để sắp xếp, dành thời gian cho vợ chồng, con cái thì mới duy trì được tình yêu thương, mái ấm mà mình mong muốn”, TS Nguyễn Thị Kim Quý khuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ