Em gái nhỏ yêu quý!
Tháng Ba này, em tròn năm tuổi. Cái tuổi bướng bỉnh, nhõng nhẽo… nhưng dù thế nào em cũng thật đáng yêu.
Em bướng bỉnh lắm. Hôm lạnh, áo cộc. Hôm nóng, quần dài. Tóc chờm qua mắt mà không cho mẹ đưa đi tiệm cắt. Em muốn tóc dài giống mấy chị cùng lớp catwalk. Em thần tượng siêu mẫu Xuân Lan, sao không cắt tóc tém giống cô… cho gọn.
Thật khó hiểu, khó chiều. Tuần trước, em đòi mẹ mua quần bò rách. Mẹ không đồng ý, em khóc rồi chạy ngược ra cổng. Các cô phải mang kẹo ra, dỗ dành mãi em mới chịu vào lớp.
Tan học, em lại nhớ… lại đòi... Mẹ đưa em ra cửa hàng quen thuộc. Em tìm mãi rồi chốt mua chiếc quần bò ống loe đính ngọc trai. Em bướng mấy cũng “xanh non” với mẹ. Mướt mùa mẹ mới đưa em đến địa chỉ có quần bò rách, áo hở rốn. Ha ha ha…
Em nhõng nhẽo lắm. Ngày nào đi ngủ cũng bắt mẹ sờ tay lên trán. Nếu “máy khám” nói: “Nhiệt độ bình thường, chúc mừng bạn khỏe” là em phụng phịu. Em thích “máy khám” nói: “Trán nóng rồi, bạn bị sốt. Hãy nằm im để được mát xa và nghe kể chuyện”.
Mẹ vừa kể vừa giả vờ quên để em kể tiếp. Em biết kể chuyện “Dê đen và dê trắng”, “Tấm Cám”, “Cô bé quàng khăn đỏ”… Lúc em dừng lại để nhớ chi tiết tiếp theo thì anh cố tình nhảy vào kể sai. Anh thả em vào câu chuyện. Cho em gặp bạn sói. Bạn sói nhe răng, trợn mắt chào bạn Bống... Phản ứng của em là:
- Anh Đức kể hỏng truyện của em rồi… hu hu hu… mẹ xử lí anh Đức… anh Đức kể sai rồi… hu hu hu…
Đúng là trẻ con. Nhõng nha nhõng nhẽo. Khóc nhè chè thiu làm anh nhiều lần bị mẹ mắng oan. Cho nên, lúc nhà chỉ có hai anh em thì... Em biết thân biết phận, cun cút quét nhà, gấp quần áo, dọn đồ chơi… Anh lúc ấy to nhất, không ai bênh em. Em mới năm tuổi, anh mười bốn, sao ăn nổi anh. Mẹ về, cấm mách. Ha ha ha…
Hồi học tiểu học, thấy bọn bạn đèo em của chúng trên xe đạp, anh cũng thích có em. Anh về nằn nì đòi mẹ sinh em bé. Hơn năm sau, mẹ sinh em. Anh vui sướng khi được lên chức. Anh nhảy tưng tưng khi biết em là em gái.
Nghe nói, con gái hiền lành, không tranh giành đồ như con trai. Ấy vậy mà, em gái anh ngay từ bé đã có sở thích túm tóc anh rồi quát bằng tiếng hét. Ngủ thì gác chân lên mặt, lên bụng anh. Có khi lại ôm lấy tay anh mà tè dầm ướt áo. Mẹ bảo anh:
- Con nhường em một tí, sau này em lớn, em rửa bát, giặt đồ cho.
Thế là anh nhường.
Nhưng sự nhường nhịn của anh cũng chỉ có giới hạn. Em càng lớn càng chanh chua, đanh đá khiến anh dần thấy em thật phiền phức. Nếu có cỗ máy thời gian, anh sẽ không đòi mẹ sinh em bé nữa.
Tưởng có em vui thế nào, hóa ra nhiều rắc rối… Mẹ hay nói đỡ cho em nên anh kể sự tình với một thằng bạn. Ai ngờ, nó cùng cảnh ngộ như anh. Thế sao ngày trước anh em nó thuận hòa đến phát thèm. Nó - cái thằng lên chức trước anh, trả lời như một ông cụ:
- Anh em nào chả có lúc nọ lúc kia. Nhưng méo mó có hơn không, vắng nó cũng buồn thối ruột.
Ừ nhỉ, anh sực nhớ ra. Có lần em về bà ngoại hai ngày. Hai ngày không bị em lẽo đẽo theo sau nhưng anh cũng chẳng thấy vui. Anh nhớ cái mắt cười tít khi được anh chia từng viên kẹo, nhớ cái miệng lúc nào cũng ríu rít kể bao chuyện trẻ con. Đôi khi, em cũng rất hiểu chuyện.
Biết mẹ mệt thì rót nước mời mẹ. Biết anh đau thì chăm sóc, hỏi han. Khi anh ngã gãy tay, em ra dáng như một người chị: Xúc cơm cho anh, lấy nước cho anh, bóc cam cho anh, lại còn múa hát, đóng kịch, đọc thơ cho anh vui nữa.
Em còn bé nhưng chế lời thì không ai nhịn được cười. Bài thơ “Thăm nhà bà”, nguyên văn như sau: “Đến thăm bà/ Bà đi vắng/ Có đàn gà/ Chơi ngoài nắng/ Cháu đứng ngắm/ Đàn gà con/ Rồi gọi luôn/ Bập, bập, bập/ Chúng lật đật/ Chạy thật nhanh/ Xúm vòng quanh/ Kêu: “Chiếp, chiếp”/ Gà mải miết/ Nhặt thóc vàng/ Cháu nhẹ nhàng/ Lùa vào mát”.
Thì em luôn cố tình đọc câu cuối thành: “Lùa vào bát”. Em thích ăn thịt gà, em thích đi chơi… nên em cứ hát thế, cứ đọc thế… Thật đáo để.
Hôm qua, anh tình cờ tìm thấy những lá thư anh từng viết cho em. Đây là lá thư khi em còn trong bụng mẹ: “Anh là Nguyễn Minh Đức, anh trai của em. Em đừng làm mẹ đau nhé. Ba tuần nữa, anh em mình gặp nhau rồi. Anh sẽ mua tặng em váy công chúa màu hồng…”.
Đây là lá thư khi em một tuổi: “Em gái của anh có mái tóc ngắn, mắt long lanh, tay trắng trẻo, mông căng tròn… nói chung là rất xinh gái. Em chưa biết đi nên anh cứ phải bế hoặc cho ngồi xe ba bánh. Em lớn nhanh lên để cùng chạy đi chơi nhé…”.
Anh vừa đọc vừa rúc rích cười, nhớ lại những kỉ niệm về em hồi ấy. Thói quen viết thư dần bị quên lãng khi anh lên cấp hai. Nhưng hôm nay anh lại viết. Anh viết để cảm ơn em - em gái nhỏ tốt bụng của anh. Em đã giúp anh nhiều việc mà chính anh còn chưa làm được cho em.
Anh viết để xin lỗi em - em gái nhỏ từng bị anh bắt nạt, trêu chọc nhiều lần. Anh viết để chúc mừng em - em gái nhỏ vừa hoàn thành xuất sắc khóa học Model Kid tại Xuân Lan’s Academy. Em còn nhỏ nhưng thật kiên trì và bản lĩnh.
Cuối mỗi tuần, em cùng mẹ vượt hơn bốn mươi cây số từ Bắc Ninh về Hà Nội. Nắng, mưa, gió, rét… em cũng không nghỉ học. Em luôn được các cô khen về thần thái, kĩ năng tạo dáng, kĩ năng cảm thụ âm nhạc, độ tập trung, hợp tác... Em chính là tấm gương để anh học tập rồi.
Lá thư này là món quà tinh thần anh đặc biệt viết để chúc mừng sinh nhật em. Tháng Ba, tháng của hoa xoan tím biếc, hoa bưởi thơm lừng… nhưng chỉ bông hoa nhỏ nhà mình là đáng yêu nhất.
Bông hoa nhà mình biết hát, biết múa, biết kể chuyện, đọc thơ… Bông hoa nhà mình chăm ngoan, hiếu thảo, biết quan tâm tới ông bà, bố mẹ, anh chị... Mỗi sáng thức dậy em đều tự sắp xếp quần áo, bánh, sữa vào balô; tự đánh răng, rửa mặt, mặc đồ.... Em là niềm tự hào của anh, của gia đình mình.
Khi viết những dòng này tặng em, anh tự nhắc bản thân từ nay sẽ yêu thương em nhiều hơn, bớt chọc tức em hơn và luôn luôn bảo vệ em vì chúng ta là người một nhà.
Anh trai của em!