“Bong bóng tài chính” đang âm thầm diễn ra?

GD&TĐ - “Nhiều quốc gia đang có xu hướng bảo hộ thương mại và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình xuất khẩu nói riêng và hoạt động sản xuất nói chung. Trong khi đó, giá các tài sản tài chính thế giới đã tăng quá cao, gây quan ngại về tình trạng “bong bóng tài chính” đang âm thầm diễn ra” - Bộ Công Thương mới đây đưa ra nhận định.

Tình trạng lạm phát trong tầm kiểm soát, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư... Nhưng nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro. (ảnh: Bắc Sơn)
Tình trạng lạm phát trong tầm kiểm soát, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư... Nhưng nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro. (ảnh: Bắc Sơn)

Điểm sáng và rủi ro tiềm ẩn

Theo Bộ Công Thương, kinh tế Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất kinh doanh cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng của năm 2018 cải thiện đáng kể, do tăng trưởng GDP quý III cao hơn so với quý II. Tính chung 9 tháng GDP tăng 6,98%.

Trong 9 tháng của năm 2018, các mặt hàng nông sản thực phẩm, rau củ sản xuất thuận lợi, nguồn cung tăng nên giá tương đối thấp. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, do quy mô chăn nuôi tại hộ gia đình giảm mạnh so với năm trước, nguồn cung cho thị trường chủ yếu từ các trang trại chăn nuôi tập trung, nên giá tăng cao hơn năm trước. Nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng liên tục tăng cao trong giai đoạn gần đây là do giá dầu thô thế giới tăng cao (trước các biến động chính trị tại các nước xuất khẩu dầu mỏ). Các nhóm hàng vật tư phục vụ sản xuất, xây dựng ổn định về nguồn cung và giá bán.

Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 9 tháng qua tăng khoảng 7,3%, đây là mức tăng khá tốt trong thời gian tương đối dài gần đây. Điều này cho thấy, sức mua trên thị trường đang có dấu hiệu phục hồi.

Bên cạnh đó, khu vực sản suất kinh doanh tiếp tục được cải thiện, chỉ số PMI dù tăng chậm lại, nhưng vẫn cho thấy dấu hiệu tích cực. Theo công bố từ Nikkei - HIS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã giảm nhẹ, nhưng vẫn là một trong những mức tăng cao nhất kể từ cuộc khảo sát bắt đầu vào tháng 3/2011. Bộ này cũng cho biết, tình trạng lạm phát trong tầm kiểm soát, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá, thu chi ngân sách Nhà nước được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, rủi ro ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế như: Thị trường tài chính tiền tệ nhiều biến động; ngành nông, lâm, thuỷ sản bị thiệt hại do chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai…

“9 tháng vừa qua, kinh tế Việt Nam có một số kết quả nổi bật về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu, thu hút khách quốc tế và đầu tư nước ngoài. Song với mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế trên 6,7% vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức” - Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Dự báo về mối lo

Dự báo từ cơ quan chức năng cho biết: Những tháng cuối năm 2018, nền kinh tế sẽ được tiếp đà tăng trưởng khả quan và hưởng lợi từ những động lực. Diễn biến kinh tế thế giới có nhiều yếu tố là hậu thuẫn tích cực cho tăng trưởng của Việt Nam, bao gồm triển vọng tăng trưởng khả quan của kinh tế thế giới, đặc biệt từ triển vọng kinh tế Mỹ. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế vẫn đang được đẩy nhanh. Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh, sự thay đổi về thủ tục hành chính. Kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết thời gian qua chuẩn bị có hiệu lực.

Tuy có những yếu tố tích cực và thuận lợi như trên, nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực, có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng. Về dài hạn, nền kinh tế vẫn thiếu hụt các động lực tăng trưởng chính, trong khi áp lực lạm phát tăng lên, hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Thêm nữa, xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng. Nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của thị trường nội địa, nhiều quốc gia đang có xu hướng bảo hộ thương mại và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình xuất khẩu nói riêng và hoạt động sản xuất nói chung.

Đáng chú ý là giá các tài sản tài chính thế giới đã tăng quá cao (cao hơn cả thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính 2008 - 2010), gây quan ngại về tình trạng “bong bóng tài chính” đang âm thầm diễn ra, đặt tình hình tài chính toàn cầu trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, đặc biệt là những vấn đề tài chính đang tích lũy trong nội tại nền kinh tế Trung Quốc (khi mà giá bất động sản đang được đẩy lên cao, trong khi tình trạng dư thừa rất rõ ràng...).

“Trong khi diễn biến thị trường ngoại hối khó lường, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ - Trung Quốc - EU) diễn ra căng thẳng hơn, có thể ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu và sau đó là tăng trưởng kinh tế” - Bộ Công Thương nêu - “Môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi thủ tục hành chính rườm rà, hạ tầng chưa được cải thiện nhiều và công nghiệp phụ trợ yếu kém, còn nhiều chính sách vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, bên cạnh đó yêu cầu về chất lượng các dự án FDI ngày càng cao (về công nghệ, giá trị gia tăng cao, đạt tiêu chuẩn về môi trường...), khiến các nhà đầu tư vẫn dè dặt về môi trường hoạt động lâu dài, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư giảm sút”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ