Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Tuy nhiên, hạnh phúc và khổ đau lại là hai mặt của đời sống thực tại, đôi khi chỉ mang tính chất tương đối.
Do đó, để có thể xây dựng đời sống hạnh phúc thực thụ bạn cần phải quay về với thực tại, nhận biết một cách sâu sắc về khổ đau và bản chất của nó.
Đức Phật dạy về Bốn Chân lý trên con đường kiếm tìm hạnh phúc thật sự, đó là: Khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, sự chấm dứt khổ đau và con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau. Bốn Chân lý này chính là lộ trình dẫn đến đời sống hạnh phúc chân thật và bất hoại.
Thật vậy, bạn không thể có được hạnh phúc nếu cứ chối bỏ khổ đau, mà trái lại bạn phải tìm cho ra nguyên nhân nào khiến bạn đau khổ, nhìn nhận bản chất của nó và từ từ tháo đi từng gút dây đang vò lấy bạn. Khi nhận ra được nguyên nhân của khổ đau cũng chính là lúc bạn bước chân vào cánh cửa hạnh phúc.
Tuy nhiên, Đức Phật dạy bạn cần phải trau dồi thêm bốn đức tính này để có một đời sống hạnh phúc, hãy làm mới bản thân mình bằng những đức tính này. Đó là:
1. Từ (sự tử tế, thân thiện)
Trước một tấm lòng tử tế, một cử chỉ thân thiện, một ánh nhìn trìu mến dù là bất cứ của ai, xa lạ hoặc thân quen, chúng ta luôn cảm thấy dễ chịu.
Sự từ ái, lòng yêu thương là nền tảng của mọi an vui trong đời sống. Không khí an vui này sẽ mang lại cho bạn cũng như những người chung quanh bạn hạnh phúc đích thực tự thân.
2. Bi (sự hiểu biết, thông cảm và chia sẻ nỗi đau)
Nếu bạn không có được sự thấu hiểu, không biết yêu thương, sẻ chia với nỗi đau của người khác và những người chung quanh bạn cũng vậy thì cuộc đời chắc hẳn sẽ trở thành sa mạc khô cằn, héo hắt tình thương.
Không một ai trên đời này là toàn mỹ, không một ai trên đời có thể luôn gặp điều may mà không một lần vướng vào rắc rối, những lúc ấy, ai cũng cần được đồng cảm, thấu hiểu sẻ chia để vượt qua tất cả.
Một em bé, một cụ già và ngay cả chúng ta đều không thể sống được nếu thiếu sự sẻ chia, quan tâm, chăm sóc của mọi người. Ai cũng có nhu cầu yêu thương và được yêu thương, hãy quan tâm nhau để nhân lên nhiều hạnh phúc cho cuộc sống này.
3. Hỷ (sự vui mừng)
Hạnh phúc chỉ có được khi bạn “Hỷ” một cách chân thật, tức vui mừng trước thành công và hạnh phúc của mọi người.
Lòng ganh ghét, tỵ hiềm luôn làm bạn khó chịu, mệt mỏi như đang mang u nhọt tâm hồn. Bạn sẽ cảm thấy bứt rứt, bất an khi nuôi dưỡng lòng ghen tỵ trong con người của mình.
Sự đồng cảm và chia sẻ niềm vui với tha nhân là yếu tố quan trọng để xây dựng không khí hạnh phúc. Do đó, bạn sẽ đánh mất hạnh phúc của chính mình nếu như bạn không thể hoan hỷ trước hạnh phúc của tha nhân.
4. Xả (là cái nhìn không thiên lệch về mọi thứ, nhìn đúng bản chất của sự vật, không bám víu cũng không ghét bỏ)
Đức Phật dạy “Bát phong suy bất động” tức đứng trước tám điều của cuộc đời (được, mất, khen, chê, vui, buồn, danh vọng và không danh vọng), bạn vẫn bình an, vững vàng kiếm tìm hạnh phúc, không dao động trước những chướng duyên của cuộc đời. Điều ấy chỉ có được khi bạn lấy tâm xả làm nền tảng cho cuộc sống của mình.
Khi bạn sống cởi mở, có cái nhìn đúng đắn về bản chất thật sự của cuộc sống và tích cực phát triển bốn đức tính Phật dạy, ứng dụng chúng vào từng nếp nghĩ, hành vi, bạn sẽ nhận ra mình đang dần tiến đến với hạnh phúc thật, những giá trị thật giúp bạn chuyển hóa khổ đau, chuyển hóa những điều không mong muốn, tận hưởng từng khoảnh khắc ý nghĩa của cuộc sống.