Bất chấp nguy hiểm, người dân phường Phong Châu vẫn xuống sông vớt củi. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)
Một số nhân chứng cho biết thời gian trên, tại phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ, khu vực giáp sông Hồng, rất đông người dân thị xã đổ ra phía sông để vớt củi.
Mặc dù mực nước lên cao, chảy xiết, rất nguy hiểm nhưng anh Hậu cùng một số người dân vẫn liều mình bơi ra sông. Anh Hậu bị đuối sức và vào vùng nước xoáy nên bị nhấn chìm. Một số người dân nhìn thấy sự việc nhưng không kịp cứu anh Hậu. Khu vực xảy ra vụ việc cách nhà nạn nhân khoảng 500 mét.
Ngay khi sự việc xảy ra, gia đình nạn nhân đã tổ chức lực lượng đi xuôi dòng chảy để tìm kiếm nạn nhân, đồng thời báo cáo sự việc nên chính quyền địa phương.
Theo ông Hoàng Ngọc Chiến, trưởng khu dân cư số 7, phường Trường Thịnh, đến 17 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng và người dân địa phương vẫn chưa thấy tung tích nạn nhân.
Chính quyền địa phương cũng đã đến thăm hỏi gia đình nạn nhân đồng thời khuyến cáo người dân không được ra sông vớt củi trong thời điểm này. Tuy vậy, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương, còn rất nhiều người dân phường Trường Thịnh, Phong Châu, xã Hà Thạch... nằm sát sông Hồng vẫn ra sông để vớt củi.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ, tính đến 14 giờ ngày 20/8, mực nước sông Thao tại trạm Ấm Thượng là +26,43m (trên báo động 3 là 0,43m); tại thị xã Phú Thọ là +18,16m (trên báo động 1 là 0,66m); sông Đà tại xã La Phù là +13,20m, sông Lô tại xã Vụ Quang là +11,20m, sông Hồng tại Việt Trì là +11,01m.
Đơn vị đã ban hành lệnh báo động lũ trên sông Thao số 2, số 3 cho các huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê; lệnh báo động lũ số 1cho các huyện Tam Nông, Lâm Thao và thị xã Phú Thọ.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ, bão số 3 đã làm một người bị thương, làm đổ, sập, tốc mái và ngập 31 nhà; 109 hộ phải di dời nhà ở; làm ngập hơn 1.200 ha lúa và hoa màu; hơn 600ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.../.