(GD&TĐ)-Ông Mai Sỹ Nhật – Trưởng phòng HSSV, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã nhận được văn bản báo cáo của một số trường THPT và một số phòng GD&ĐT đề nghị được thực hiện giờ điều chỉnh của các đơn vị trường học đặt ra để giải quyết khó khăn.
>>>Cận cảnh HS Hà Nội uể oải tan trường
>>>Ngái ngủ rời nhà - Đói lả rời trường
>>>Tiếp tục theo dõi, gỡ vướng trong đổi giờ học
>>>Hà Nội thay đổi giờ học: Băn khoăn trước giờ G
Học sinh tan học khi thành phố đã lên đèn. Ảnh: gdtd.vn |
Tuy nhiên, quan điểm của Sở là tất cả các trường học và các cơ sở giáo dục trên địa bàn nằm trong diện điều chỉnh giờ làm việc và học tập của thành phố quy định phải nghiêm chỉnh thực hiện giờ được quy định điều chỉnh. Các trường học không được phép tự đặt ra giờ làm việc và học tập của riêng mình và chủ động tìm các giải pháp khắc phục khó khăn trong quá trình thực hiện.
Theo ông Mai Sỹ Nhật, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh về những khó khăn, thuận lợi, những giải pháp, kiến nghị để tháo gỡ, đồng thời chủ động tính toán kỹ các chi phí phát sinh cho hoạt động như (điện thắp sáng, nước sạch, công tác bảo vệ, làm thêm giờ...) để báo cáo sau một tháng thực hiện điều chỉnh giờ học. Đặc biệt nhấn mạnh, không cho phép nhà trường thu thêm khoản kinh phí nào để phục vụ cho công tác này.
Ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng HSSV, Sở GD&ĐT HN |
Tuy nhiên, Trưởng phòng HSSV của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thừa nhận một số vướng mắc phát sinh khi thực hiện điều chỉnh giờ như phát sinh tăng giờ cho cán bộ, giáo viên đối với các trường tiểu học, mầm non. Với các trường THCS, do thời gian giao ca giữa sáng và chiều quá gần nhau (15 phút) nên xảy ra hiện tượng ùn ứ trước cổng trường.
Đặc biệt, với các trường THPT, việc kết thúc giờ học chiều sau 19h là quá muộn sẽ dẫn đến việc các trường không duy trì được nếp sinh hoạt dưới cờ; tăng lượng điện thắp sáng, nguồn nước sạch phục vụ dạy và học; việc thực hiện các hoạt động ngoại khóa và giáo dục thể chất, quốc phòng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó còn phát sinh nhiều chi phí cho làm việc ngoài giờ của cán bộ, giáo viên và công tác bảo vệ của trường cũng như ảnh hưởng đến tâm lý học sinh dẫn đến giảm chất lượng học tập.
Điều đáng lưu ý là ở một số trường THPT vùng ngoại thành như huyện Từ Liêm, Thanh Trì, học sinh đi về bằng xe đạp với khoảng cách xa, đường vắng, không đèn đường sẽ rất nguy hiểm.
Khi thực hiện đổi giờ học, cán bộ, giáo viên cũng phải sắp xếp lại lịch sinh hoạt cho phù hợp để đảm bảo công tác và cuộc sống gia đình, nhất là đối với đông đảo giáo viên nữ đang nuôi con nhỏ. Một số trường phổ thông liên cấp dân lập gặp khó khăn khi tổ chức việc đưa đón học sinh bằng xe ô tô của nhà trường vì học sinh cùng đi chung một tuyến mà thời gian học chênh lệch nhau những 1 giờ.
Được biết, Hà Nôi có gần 900 trường thuộc các cấp học với khoảng trên 600 nghìn HSSV trong diện phải thực hiện điều chỉnh giờ học, giờ làm. Trong đó, có 390 trường mầm non với 173 nghìn học sinh, 218 trường tiểu học với 208 nghìn học sinh; 165 trường THCS với 127.500 học sinh và 99 trường THPT với 90.200 học sinh; còn lại là các trường TCCN và CĐ.
Hiếu Nguyễn