Bộ Y tế đề xuất thí sinh là F0 được dự thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Theo Bộ Y tế, thí sinh là F0 đang cách ly tại nhà có nguyện vọng thi tốt nghiệp THPT năm 2022, phải có đơn xin dự thi và ký xác nhận đồng ý của phụ huynh...; cam kết thực hiện nghiêm phòng, chống dịch Covid-19.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổ chức phòng thi tốt nghiệp THPT riêng cho thí sinh F0

Bộ Y tế vừa có góp ý phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho các học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trước đó, Bộ Y tế nhận được Công văn số 1611/BGDĐT-QLCL của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc góp ý phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho các học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sau khi nghiên cứu, Bộ Y tế đã góp ý về một số biện pháp bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể:

Tổ chức phòng thi tốt nghiệp THPT riêng cho thí sinh F0 theo dõi, cách ly tại nhà nếu có nguyện vọng.

Thí sinh thuộc diện tiếp xúc gần (F1) được tham dự kỳ thi cùng với các thí sinh không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Thí sinh thuộc diện ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ) được tham dự kỳ thi. Hội đồng thi tổ chức cho thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ thi tại các phòng thi riêng đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19. 

Thí sinh thuộc diện ca bệnh xác định (F0): Nếu thí sinh đang được theo dõi, điều trị nội trú tại cơ sở y tế trong thời gian diễn ra kỳ thi, không thể tham gia dự thi, sẽ được đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT. Trường hợp thí sinh có nguyện vọng dự thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thi vào đợt thi khác. 

Nếu thí sinh là F0 đang được theo dõi, cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú trong thời gian diễn ra kỳ thi sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Trường hợp thí sinh có nguyện vọng dự thi, phải có đơn xin dự thi của thí sinh và ký xác nhận đồng ý của phụ huynh học sinh hoặc người giám hộ, trong đó có nội dung thí sinh cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. 

Hội đồng thi tổ chức cho thí sinh thuộc diện ca bệnh xác định (F0) nêu trên thi tại các phòng thi riêng đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19. 

Cả thí sinh, cán bộ coi thi, chấm thi, giám sát đều phải thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch

Về yêu cầu đối với các thí sinh thuộc diện tiếp xúc gần (F1), ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định (F0) tham dự Kỳ thi, Bộ Y tế nêu rõ: Phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi đến dự thi tại Điểm thi và trong quá trình di chuyển từ nơi ở đến nơi dự thi và ngược lại như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch/dung dịch sát khuẩn tay nhanh, hạn chế tiếp xúc gần với người khác nếu có thể (chỉ được phép bỏ khẩu trang trong khi làm bài thi, khi phát biểu phải đeo khẩu trang).

Yêu cầu đối với cán bộ coi thi và cán bộ giám sát tại các phòng thi dành cho thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ, phòng thi dành cho thí sinh thuộc diện ca bệnh xác định:

Tùy theo tình hình thực tế, bố trí cán bộ coi thi và cán bộ giám sát cố định cho tất cả các buổi thi (nếu có thể) tại những phòng thi dành cho thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ, phòng thi dành cho thí sinh thuộc diện ca bệnh xác định.

Các cán bộ làm thủ tục thi, coi thi phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân trong suốt quá trình làm thủ tục thi và coi thi, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh. 

Bố trí kíp trực y tế tại các địa điểm thi để kịp thời sơ cấp cứu và xử lý các tình huống phát sinh.

Các cán bộ tham gia dọc phách, chấm các bài thi của các thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định phải sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân và thải bỏ đúng qui định, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

Triển khai các hoạt động vệ sinh trường, lớp, phòng thi ngay sau khi kết thúc kỳ thi

Theo Bộ Y tế, cần triển khai các hoạt động vệ sinh trường, lớp, phòng thi ngay sau khi kết thúc kỳ thi. Riêng đối với các phòng thi của các thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ, phòng thi của các thí sinh thuộc diện ca bệnh xác định phải được tổ chức vệ sinh khử khuẩn ngay sau mỗi buổi thi. 

Bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho người sử dụng; có đủ nước sạch và xà phòng tại khu vực vệ sinh; bố trí thùng đựng rác có nắp đậy để thu gom, xử lý rác bảo đảm vệ sinh. 

Bộ Y tế cũng nêu rõ: Việc xác định ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định (F0), người tiếp xúc gần (F1) thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1909/BYT-DP ngày 15/4/2022 về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19 và biện pháp y tế đối với ca bệnh Covid-19 và người tiếp xúc gần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.