(GD&TĐ) - Mới đây Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết trong 25 mẫu rau ngót và mướp đắng lấy tại 7 chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội và TPHCM có 7/25 mẫu rau ngót và 2/25 mẫu mướp đắng có chứa thuốc bảo vệ thực vật vượt mức dư lượng tối đa cho phép. Việc lấy mẫu ngẫu nhiên và cho ra kết quả như vậy khiến nhiều người tiêu dùng giật mình vì nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Trong cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu HĐND Hà Nội vừa qua, cử tri cũng bày tỏ nỗi bức xúc về “rau ngót tắm thuốc sâu”. Có dạo, cả Hà Nội bàng hoàng vì “bánh phở tẩm phooc môn”. Có lẽ đây là lần đầu tiên thông tin về mất an toàn vệ sinh thực phẩm bị phanh phui trên báo chí nên người ta cảm thấy rất sốc. Tiếp đó là các vụ việc nước tương chứa chất gây ung thư, thực phẩm chứa hàn the, hoa quả nhập lậu từ Trung Quốc chứa dư lượng hóa chất vượt mức tối đa cho phép... liên tiếp làm rúng động dư luận.
Thời buổi “kinh tế thị trường”, việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất chế biến thực phẩm trở nên phổ biến. Phổ biến đến mức được cho là đương nhiên. Phẩm màu, đường hóa học bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn. Người trồng trọt sẵn sàng sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất kích thích tăng trưởng, thuốc diệt cỏ...đối với cây trồng, gây ô nhiễm nguồn nước và tồn dư hóa chất độc hại trong rau củ quả.
Người chăn nuôi không ngại ngần sử dụng hooc môn tạo nạc, hooc môn siêu tăng trọng, chất kích thích lớn và các chất độc hại khác cho vật nuôi nhằm thu được lợi nhuận nhanh nhất. Theo các chuyên gia, sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh trước hết có thể bị ngộ độc cấp tính nhưng nguy hiểm hơn là về lâu dài, sự tích lũy dần các chất độc hại trong cơ thể làm rối loạn quá trình chuyển hóa các chất, gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư hay tim mạch, thậm chí gây các dị tật dị dạng cho thế hệ mai sau.
Bữa ăn của người dân bây giờ được ít nhất là 3 Bộ quản lý, gồm Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Một cách nôm na, có thể hình dung như sau: Khi thực phẩm (ngũ cốc, thịt, thủy sản, trứng, sữa, rau củ quả, mật ong, thực phẩm biến đổi gen…) đang còn trong quá trình sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi), thu gom giết mổ, sơ chế, bảo quản, vận chuyển… thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Bộ Công thương quy định các điều kiện kinh doanh tại các chợ, siêu thị; quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật….
Bộ Y tế giữ vai trò chủ trì trong quy hoạch tổng thể về an toàn thực phẩm; quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ…. Cùng một lĩnh vực “ăn uống” nhưng nhiều Bộ “quản”, thành thử xảy ra chuyện quản lý chồng chéo mà cuối cùng không rõ trách nhiệm chính thuộc về ai.
Con đường thực phẩm an toàn “đi từ trang trại đến mâm cơm” vẫn còn đầy trắc trở. Dường như bất lực, không kiểm soát nổi nạn thực phẩm bẩn, các nhà quản lý đành kêu gọi mỗi người dân hãy tự biến mình thành “người tiêu dùng thông thái”, biết mua gì, ăn gì...Nhưng như vậy chẳng khác nào bỏ mặc người dân bơ vơ, tự xoay xở giữa “mê hồn trận” thực phẩm sạch bẩn lẫn lộn? Nếu mà như thế thì nguy hiểm quá. Nguy hiểm không chỉ đối với thế hệ hôm nay.
Phùng Thu Nguyệt