Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm những trường học khó khăn nhất tỉnh Lào Cai

GD&TĐ - Hôm nay (17/10), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đoàn công tác đến thăm một số trường học vùng khó khăn của tỉnh Lào Cai và chủ trì Hội thảo về thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Lào Cai và các tỉnh miền núi Tây Bắc: Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm những trường học khó khăn nhất tỉnh Lào Cai
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm những trường học khó khăn nhất tỉnh Lào Cai ảnh 1Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm những trường học khó khăn nhất tỉnh Lào Cai ảnh 2Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm những trường học khó khăn nhất tỉnh Lào Cai ảnh 3Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm những trường học khó khăn nhất tỉnh Lào Cai ảnh 4Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm những trường học khó khăn nhất tỉnh Lào Cai ảnh 5Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm những trường học khó khăn nhất tỉnh Lào Cai ảnh 6Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm những trường học khó khăn nhất tỉnh Lào Cai ảnh 7

Bộ trưởng thăm những trường học khó khăn nhất

Với mong muốn khảo sát thực tế đời sống của giáo viên, điều kiện ăn, ở nội trú của học sinh cũng như điều kiện cơ sở vật chất các trường học vùng núi khó khăn nhất, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác đã trực tiếp đến thăm những trường học khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai.

Tại các trường đến thăm, Bộ trưởng đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, của giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập, phát triển sự nghiệp giáo dục vùng khó khăn; trực tiếp thăm hỏi, nắm tình hình điều kiện ăn ở của giáo viên, cơ sở vật chất, điều kiện dạy - học của thầy và trò nơi đây;

Bộ trưởng cũng rất quan tâm đến chính sách cho học sinh người dân tộc, con hộ nghèo, học sinh bán trú, nội trú. Tại mỗi trường đến thăm, Bộ trưởng đã tặng quà và sách vở để nhà trường cải thiện công tác dạy và học.

Tại trường PTDTNT THCS&THPT huyện Sa Pa và Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Lào Cai), Bộ trưởng thăm các lớp học theo Mô hình trường học mới VNEN, trực tiếp hỏi chuyện các học sinh là Chủ tịch Hội đồng tự quản các lớp học, trao đổi về tình hình học tập, nơi ăn ở, sở thích và những khó khăn của học sinh khi đến trường học tập.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ biểu dương tỉnh Lào Cai có bước đổi mới sáng tạo, chủ động triển khai hiệu quả mô hình trường học mới VNEN cấp THCS.

Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp học cần bước đi phù hợp, bài bản

Cùng ngày, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng ông Đặng Xuân Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chủ trì Hội thảo về thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Lào Cai và các tỉnh miền núi Tây Bắc.

Dự Hội thảo có lãnh đạo Văn phòng, đại diện các Cục, Vụ chức năng, cơ quan trực thuộc Bộ GD&ĐT; lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh trong vùng Tây Bắc, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Lào Cai, huyện Bát Xát, Sa Pa...

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phân tích: Hiện nay, ngành Giáo dục tại nhiều địa phương miền núi khó khăn không đủ các điều kiện để đảm bảo chất lượng dạy và học. Chính vì vậy, các địa phương đang có xu hướng chủ động quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học.

Đây là điều rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên nếu thực hiện không có chiến lược từ Trung ương đến địa phương và có những bước đi phù hợp, bài bản sẽ phá vỡ quy hoạch và dẫn tới tình trạng lãng phí nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, phải tạo được sự đồng thuận, ủng hộ trong nhân dân và xã hội về chủ trương quy hoạch và sắp xếp lại mạng lưới trường lớp.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT rất quan tâm đến công tác quy hoạch và sắp xếp lại mạng lưới trường lớp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn.

Bộ GD&ĐT sẽ khảo sát thực tế, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh, giáo viên và người dân; tìm hiểu đời sống nội trú của các cháu, đời sống của giáo viên xa nhà để tháo gỡ khó khăn, giúp giáo viên yên tâm công tác, học sinh yên tâm học tập.

Bộ GD&ĐT sẽ có những chính sách thiết thực để sự hỗ trợ về chủ trương, chính sách đối với giáo dục vùng khó thực tế hơn, gần với điều kiện dạy và học hơn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường; đồng thời, triển khai công tác giáo dục vùng khó khăn một cách linh hoạt, bài bản, bám sát thực tế của các địa phương để nâng cao tính khả thi.

Thông qua chủ trương này của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT, người dân, các tổ chức cá nhân có tấm lòng hảo tâm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, tập hợp nguồn lực hợp pháp cùng với Trung ương xây dựng được hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT để thầy và trò có điều kiện thật tốt cho việc dạy học, ăn ở.

Cần tránh tình trạng làm ào ào, mạnh địa phương nào nơi ấy làm, phá vỡ chủ trương, quy hoạch của Bộ, của Trung ương, đồng thời không tranh thủ được sự đồng thuận của người dân gây bức xúc trong xã hội như một số địa phương đã làm trong thời gian qua.

Những vấn đề thuộc về cơ chế chính sách vượt thẩm quyền , Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu, trình Thủ tướng để có những chính sách phù hợp hơn.

Những thành tựu trong công tác sắp xếp mạng lưới trường lớp

Tại Hội thảo, lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh trong vùng đã khẳng định những hiệu quả mang lại của công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp học những vùng khó khăn để đưa học sinh từ các điểm trường lẻ về trường trung tâm học tập.

Ông Nguyễn Anh Ninh - Giám đốc Sở GD&ĐT - chia sẻ: Tỉnh Lào Cai đã thực hiện và đạt được kết quả tốt trong công tác sắp xếp mạng lưới trường lớp học: Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục có nhiều chuyển biến rất rõ nét, vững chắc ở tất cả các cấp học, nhất là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; người dân đồng thuận và thống nhất cao chủ trương này của tỉnh và giác ngộ hơn việc cần thiết đưa trẻ đến trường.

Nhờ triển khai thực hiện tốt việc quy hoạch lại mạng lưới, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục được nâng lên, tỉnh có điều kiện đầu tư tập trung hơn, nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ cho các nhà trường.

Quản lý giáo dục có điều kiện đổi mới, sự liên thông giữa các cấp học đã tạo điều kiện tốt cho quản lý và triển khai các hoạt động giáo dục để từ đó nâng cao chất lượng giáo dục tại các nhà trường. Tại các trường được tổ chức lại, công tác nuôi dạy trẻ cũng có nhiều điều kiện tốt hơn, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, sinh hoạt của trẻ.

Ông Hoàng Đức Minh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu -cho biết: Người dân Lai Châu rất đồng thuận với chủ trương đưa trẻ về các trường trung tâm. Nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa tự nguyện xin con em mình được về trường trung tâm học tập.

Kinh nghiệm của Lai Châu cho thấy đồng bào dân tộc chỉ tin vào những việc chính quyền làm tốt, nếu quy hoạch lại trường học và dạy học tốt, họ sẽ mang con về các trường trung tâm.

Tuy nhiên hiện nay, giáo dục tỉnh Lai Châu còn thiếu rất nhiều về cơ sở vật chất, bếp ăn bán trú, nhà lưu trú và các điều kiện khác trong trường PTDTBT, PTDTNT phục vụ cho công tác tập trung học sinh ở các điểm trường lẻ về trường trung tâm.

Ông Luyện Hữu Trung – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái - báo cáo: Đề án sắp xếp mạng lưới trường, lớp học của tỉnh đã giải quyết được cơ bản những bất cập của mạng lưới trường, lớp học hiện nay.

Qua đó, địa phương có điều kiện đầu tư tập trung cho các trường, để từ đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. Tuy nhiên khó khăn chung ở đây là thiếu nguồn lực đầu tư và vướng mắc nhiều cơ chế chính sách, đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm hỗ trợ các tỉnh miền núi, khó khăn.

Lắng nghe, ghi nhận thông tin từ lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các tỉnh trong quy hoạch sắp xếp, mạng lưới trường, lớp học của mình cần định hướng rõ các nguồn lực đầu tư sao cho hiệu quả, không dàn trải.

Bộ trưởng đồng ý với ý kiến của các địa phương và Lào Cai là trong quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học phải làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó; Trong quá trình làm, rà soát các nguồn vốn để lồng ghép sao cho hiệu quả; Tính toán vị trí các điểm trường để đầu tư sao cho hợp lý, các cháu đến trường thuận lợi...

Cùng ngày, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm và làm việc với cán bộ, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai và Phân hiệu Đại học Thái Nguyên.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng nhấn mạnh: Muốn xóa đói nghèo tỉnh Lào Cai phải thực hiện phổ cập giáo dục để nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đắc lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Trường CĐ Sư phạm là nơi đào tạo chủ yếu giáo viên cho tỉnh. Trong điều kiện hiện nay, phải rà soát lại đội ngũ giáo viên về chuẩn năng lực. Trường phải có những chương trình phù hợp để đào tạo lại đội ngũ giáo viên, công tác này làm tốt thì giáo dục phổ thông mới phát triển.

Vai trò sứ mạng của nhà trường ngày càng lớn: Đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho tỉnh và các vùng lân cận. Muốn làm tốt việc này, Bộ trưởng đề nghị Trường CĐ Sư phạm phải dựa vào cụm Đại học Thái Nguyên và Trường ĐH Sư phạm 2; đồng thời cải tiến phương pháp, cách thức đào tạo, ứng dụng mạnh mẽ CNTT để giáo viên đang thực hiện giảng dạy cũng có thể theo học. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ