Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Quảng Ninh cần có đô thị đại học trong tương lai

GD&TĐ - Chiều 14/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch tỉnh Vũ Thị Thu Thủy cùng lãnh đạo các sở ban ngành của tỉnh về định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn tới, trong đó có việc hình thành một đô thị đại học dựa trên nền tảng là Trường Đại học Hạ Long hiện nay.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khảo sát khu vực quy hoạch mở rộng có diện tích 50ha của Trường Đại học Hạ Long tại Thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh : Xuân Phú
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khảo sát khu vực quy hoạch mở rộng có diện tích 50ha của Trường Đại học Hạ Long tại Thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh : Xuân Phú

Cũng tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm Trường Đại học Hạ Long và khu đất rộng 50ha tọa lạc tại vị trí đặc địa ở TP Uông Bí, nơi được quy hoạch sẽ xây dựng Trường Đại học Hạ Long mới trong tương lai.

Tầm nhìn chiến lược trong phát triển đại học

Những năm gần đây, kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh có bước phát triển mạnh mẽ. Nói về 3 đột phá của tỉnh trong thời gian qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đó là đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể, Quảng Ninh đã và đang triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực với chiến lược và tầm nhìn dài hạn, trong đó có vai trò quan trọng của Trường Đại học Hạ Long.

Bộ trưởng cho biết, cả nước hiện có 27 trường đại học địa phương, Trường Đại học Hạ Long mới xuất hiện trên bản đồ đại học địa phương 5 năm trở lại đây, nhưng nếu so với xuất phát điểm thì đây là một trong những trường đại học địa phương thành công với quy mô đào tạo giữ ổn định và có xu hướng tăng dần, chất lượng, số lượng đội ngũ ngày một tăng lên.

Trao đổi về một số nội dung liên quan đến định hướng, tầm nhìn của Trường Đại học Hạ Long, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, xây dựng một trường đại học không quá khó nhưng để phát triển được và phát triển bền vững không dễ. Theo Bộ trưởng, đại học không chỉ thuần túy là nơi đào tạo nguồn nhân lực mà phải là trung tâm trí tuệ, chuyển giao tri thức, đổi mới sáng tạo không chỉ cho địa phương mà còn cho cả vùng, cho đất nước và mở rộng ra cả khu vực và quốc tế.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tại buổi làm việc. Ảnh: Xuân Phú
  • Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tại buổi làm việc. Ảnh: Xuân Phú

“Lợi thế của Trường Đại học Hạ Long trong tương lai là được tọa lạc trên một diện tích rộng, khoảng 50ha, nằm trong vùng kinh tế thuận lợi, kết nối giữa các trung tâm kinh tế phát triển, vì thế cần hướng tới hình thành một quần thể hay đô thị đại học chứ không chỉ đơn thuần là một trường đại học như hiện nay, ở đó sẽ có khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hội thảo hội nghị, giảng đường, khu dân cư… Trên cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, có thể thu hút các trường đại học nước ngoài tới mở chi nhánh, phân hiệu, tạo ra một quần thể đào tạo và cộng đồng các trường đại học quốc tế ngay tại Việt Nam” - Bộ trưởng gợi mở.

Lợi thế của Trường Đại học Hạ Long trong tương lai là được tọa lạc trên một diện tích rộng, khoảng 50ha, nằm trong vùng kinh tế thuận lợi, kết nối giữa các trung tâm kinh tế phát triển, vì thế cần hướng tới hình thành một quần thể hay đô thị đại học chứ không chỉ đơn thuần là một trường đại học như hiện nay.

 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Là trường đại học non trẻ, để phát triển được trong xu hướng cạnh tranh hiện nay, Bộ trưởng cho rằng, Trường đại học Hạ Long trước hết cần nhìn vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và cả vùng ít nhất trong 10 năm tới, tránh chạy theo nhu cầu nhất thời cần gì mở đó mà không nhìn xa, không phát huy được năng lực cạnh tranh lâu dài. Trong đó, có thể tập trung vào một số ngành mũi nhọn đặc thù như du lịch, dịch vụ, công nghệ kỹ thuật, công nghiệp biển, nông nghiệp công nghệ cao…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, ngay cả những ngành truyền thống như dịch vụ, du lịch cũng phải hướng tới phân khúc cao, mang lại giá trị gia tăng lớn, ví dụ như đào tạo các CEO quản lý khách sạn, nhà hàng đẳng cấp quốc tế. Bên cạnh đó có thể mở rộng đào tạo một số ngành công nghệ vui chơi giải trí theo hướng nhập khẩu chương trình đào tạo của quốc tế, mời các giáo sư, chuyên gia nước ngoài uy tín đến làm việc dài hạn để chuyển giao chương trình, giáo trình, đào tạo. Từ đó, sẽ dần hình thành bộ môn, khoa và ngành mới một cách vững chắc.

“Một trường đại học không cần nhiều ngành nhưng phải có ngành cốt lõi theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực nhưng phải có lộ trình. Trường Đại học Hạ Long nên cân nhắc để có những ngành lõi tập trung nguồn lực đầu tư phát triển. Đây sẽ là những ngành tạo nên uy tín và thương hiệu riêng có của Trường Đại học Hạ Long”.

Về nghiên cứu khoa học, mặc dù Trường Đại học Hạ Long xác định đi theo hướng ứng dụng thực hành nhưngtheo Bộ trưởng, dù là ứng dụng cũng không thể không có hoạt động nghiên cứu ở một trường đại học, nghiên cứu chính là phương thức nâng cao trình độ đào tạo.

“Quảng Ninh là địa phương có nhiều điều kiện phát triển tốt, theo đó có nhiều hoạt động có thể nghiên cứu như công nghệ, môi trường, xã hội. Trước mắt Trường Đại học Hạ Long có thể “mượn” các nhà khoa học để họ tham gia làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu, dần dần từ đó hình thành đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học. Các nghiên cứu này phải mang tính thực tiễn cao và phục vụ cho chính sự phát triển của Quảng Ninh” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thiên thời - địa lợi - nhân hòa

Mường tượng 20 - 30 năm sau, đô thị Đại học Hạ Long phải trở thành trung tâm giáo dục quốc tế trong đó có từ mầm non, mẫu giáo cho đến đại học, doanh nghiệp nghiên cứu, công nghệ cao, tất cả quần tụ lại với một mục tiêu chung là chất lượng quốc tế. Với lộ trình, bước đi và tầm nhìn như vậy, với các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa hiện nay, trên đất Quảng Ninh sắp tới sẽ có cả trường đại học FLC nữa, người đứng đầu ngành Giáo dục nhận định đây sẽ là một sự cạnh tranh tích cực theo hướng cộng sinh, chia sẻ theo chuỗi và cùng thúc đẩy nhau phát triển.

 

Những ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gợi ý hướng phát triển mới cho Trường Đại học Hạ Long trong thời gian xa hơn, đồng thời giúp tháo gỡ những khó khăn cho tỉnh để xây dựng nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh.

 
Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc

Nếu có thách thức thì thách thức lớn nhất của Trường Đại học Hạ Long là cơ chế, nhưng nếu hóa giải được sẽ tạo được đột phá. Khi Quảng Ninh có đột phá về giáo dục đại học sẽ quay loại kích hoạt, làm động lực tạo “cầu” cho giáo dục phổ thông phát triển theo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tin tưởng rằng, với điều kiện sẵn có cộng với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, Quảng Ninh sẽ hình thành được một đô thị đại học có tầm cỡ trong tương lai. “Tôi cũng được biết Trường Đại học Hạ Long có thế mạnh về các ngành nghệ thuật văn hóa, đây là lợi thế, ở đâu có khoa học xã hội nhân văn tốt thì đó sẽ là trường đại học có tính nhân văn cao”, Bộ trưởng nhắn gửi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc với trường ĐH Hạ Long. Ảnh : Xuân Phú
  • Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc với trường ĐH Hạ Long. Ảnh : Xuân Phú

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các vụ, cục chức năng của Bộ GD&ĐT cũng giải đáp ngay tại chỗ nhiều câu hỏi và đề nghị của Trường Đại học Hạ Long về cơ chế, chính sách liên quan tới hoạt động và sự phát triển của trường.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc thay mặt lãnh đạo tỉnh bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc về sự quan tâm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đến sự phát triển của giáo dục tỉnh nhà nói chung và Đại học Hạ Long nói riêng. Bí thư Nguyễn Văn Đọc hoàn toàn nhất trí với quan điểm phát triển Đại học Hạ Long theo hướng hiện đại, đẳng cấp, tiến tới hình thành một đô thị đại học tầm cỡ trong tương lai không chỉ cho địa phương mà cho cả đất nước và khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.