Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ định hướng nhiệm vụ phát triển đại học vùng

GD&TĐ - Sáng nay (2/4), ĐH Thái Nguyên tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước nhân kỷ niệm 25 năm thành lập. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu chúc mừng và giao nhiệm vụ cho ĐH Thái Nguyên trong chiến lược phát triển thời gian tới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu giao nhiệm vụ cho ĐH Thái Nguyên trong chiến lược phát triển. Ảnh: Việt Hà
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu giao nhiệm vụ cho ĐH Thái Nguyên trong chiến lược phát triển. Ảnh: Việt Hà

Dự buổi lễ có đồng chí Uông Chu Lưu - Phó chủ tịch Quốc hội, Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHTNTNNĐ của Quốc hội, ông Trần Quốc Tỏ - Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên.

Minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước về trung tâm giáo dục đại học

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhiệt liệt chúc mừng lãnh đạo ĐH cùng các trường thành viên, các thầy, cô giáo, HSSV ĐH Thái Nguyên qua các thời kỳ nhân kỷ niệm 25 năm xây dựng - phát triển và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý được Đảng và Nhà nước trao tặng.

Bộ trưởng khẳng định: Sự ra đời của ĐH Thái Nguyên cùng với ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và 2 ĐH quốc gia 25 năm trước đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng và phát triển các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực trình độ cao tầm cỡ khu vực để góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Các đại biểu tại buổi lễ. Ảnh: Việt Hà
 Các đại biểu tại buổi lễ. Ảnh: Việt Hà

Được thành lập trong bối cảnh đất nước đang ở giai đoạn đầu của quá trình đổi mới, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học còn nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đồng bộ… nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên ĐH Thái Nguyên trong suốt 25 năm qua, ĐH Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Bộ GD&ĐT đánh giá cao những đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, các nhà giáo, cán bộ, viên chức của ĐH Thái Nguyên đối với hệ thống các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam, đặc biệt là đối với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, vùng có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống, có truyền thống cách mạng và là địa bàn chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trình độ cao của các trường thành viên ngày càng đông đảo, với gần 1.000 cán bộ khoa học là GS, PGS, tiến sỹ, chiếm tỷ lệ hơn 27% trên tổng số giảng viên cơ hữu của toàn ĐH, đạt mức bình quân chung của cả nước.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học được tăng cường. Năng lực và chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học ngày càng nâng cao, góp phần cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh Thái Nguyên nói riêng, các tỉnh trong vùng nói chung. ĐH Thái Nguyên đã trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn nhất khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Bộ trưởng đã ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích của các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, sinh viên ĐH Thái Nguyên đã đạt được trong 25 năm qua.

Vận hội mới trong cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0

Bộ trưởng nhấn mạnh: Giáo dục ĐH đang đứng trước những vận hội to lớn nhưng cũng nhiều thách thức trên con đường phát triển. Hội nhập quốc tế, cạnh tranh toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động trực tiếp tới nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, đòi hỏi giáo dục ĐH phải đi trước một bước và thích ứng nhanh hơn;

Đồng chí Uông Chu Lưu cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm các mô hình khởi nghiệp, sản phẩm NCKH của sinh viên ĐH Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hà
 Đồng chí Uông Chu Lưu cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm các mô hình khởi nghiệp, sản phẩm NCKH của sinh viên ĐH Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hà

Ngành nghề đào tạo thay đổi nhanh chóng, nhiều ngành đào tạo mới phát sinh, xu hướng đào tạo, nghiên cứu liên ngành để giải quyết những vấn đề lớn của địa phương, vùng, quốc gia và toàn cầu vừa là thời cơ cho các ĐH lớn nhưng cũng vừa là thách thức đối với phần lớn các ĐH nước ta khi năng lực và khả năng hội nhập còn hạn chế;

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ ra các vận hội lớn của ĐH Thái Nguyên đang đứng trước những thách thức chung của ngành và thách thức riêng của ĐH.

“Đó chính là xu thế và tiến trình đương nhiên của tự chủ ĐH, là nhu cầu nội tại của việc thực hiện tái cơ cấu, quan hệ giữa quy mô đào tạo với chất lượng phát triển, giữa năng lực hiện có với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực … Đây là những thách thức mà ĐH Thái Nguyên phải tập trung giải quyết trong thời gian tới” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ.

Định hướng 6 nhiệm vụ để ĐH Thái Nguyên phát triển

Để thực hiện những mục tiêu đặt ra, Bộ trưởng yêu cầu ĐH Thái Nguyên tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ sau:

Xây dựng chiến lược phát triển ĐH Thái Nguyên với những mục tiêu, giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn. Phát triển ĐH theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ trực tiếp và trước hết cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên nói riêng, các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc nói chung; kiện toàn, đổi mới mô hình ĐH hai cấp theo tinh thần tự chủ với mục tiêu cộng lực để cạnh tranh và phát triển.

Đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao năng lực, đổi mới quản trị ĐH; kiện toàn và đảm bảo các điều kiện để Hội đồng ĐH thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định; đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng tinh gọn, hiệu quả; chú trọng thực hiện bồi dưỡng kiến thức quản trị cho lãnh đạo các đơn vị thành viên, các phòng, ban, khoa của ĐH.

Rà soát, quy hoạch lại các ngành đào tạo trên cơ sở nghiên cứu, dự báo nhu cầu sử dụng lao động trong nước và quốc tế. Xác định rõ những ngành truyền thống có thế mạnh để đầu tư theo hướng chất lượng cao, đặc biệt là công nghệ, nông lâm và y dược. Đối với những ngành không còn phù hợp với nhu cầu nhân lực thì cần có lộ trình dừng đào tạo.

GS.TS Phạm Hồng Quang giới thiệu các sản phấm ứng dụng KHCN của các đơn vị thành viên ĐH Thái Nguyên được trưng bày bên lề buổi lễ. Ảnh: Việt Hà
GS.TS Phạm Hồng Quang giới thiệu các sản phấm ứng dụng KHCN của các đơn vị thành viên ĐH Thái Nguyên được trưng bày bên lề buổi lễ. Ảnh: Việt Hà

Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo để qua đó nâng cao chất lượng đào tạo. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ theo yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng, phục vụ sinh kế của người dân và yêu cầu đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp trên địa bàn, trước hết là trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên - nơi đang ngày càng có nhiều khu công nghiệp, nhà máy lớn. Tập trung hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trên cơ sở thế mạnh của các trường và nhu cầu phát triển của vùng.

Phát huy tiềm năng của đội ngũ giảng viên, nhà khoa học của các trường thành viên; có chính sách, chế độ đãi ngộ thực sự tạo động lực đối với các nhà khoa học và giảng viên để các thầy cô đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của ĐH. ĐH Thái Nguyên có thể nghiên cứu, đề xuất thực hiện cơ chế thí điểm thu hút các giảng viên, nhà khoa học trình độ cao trong và ngoài nước đến làm việc tại các trường ĐH thành viên.

Quan tâm hơn nữa tới công tác kiểm định và xếp hạng ĐH. Hiện nay ĐH Thái Nguyên là ĐH duy nhất trong các ĐH vùng và ĐH quốc gia chưa có tên trong các bảng xếp hạng cao của khu vực và thế giới. Vì vậy, ĐH Thái Nguyên và các trường thành viên cần xác định mục tiêu kiểm định và xếp hạng quốc tế vào trong các mục tiêu phát triển ĐH để đầu tư nguồn lực và có kế hoạch thực hiện cụ thể.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị Đảng, Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để giáo dục ĐH Việt Nam nói riêng, ĐH Thái Nguyên nói chung ngày càng phát triển. Đề nghị tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, chủ động đặt hàng để ĐH Thái Nguyên được đóng góp nhiều hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ