Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Công dân học tập là hạt nhân để xây dựng xã hội học tập

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Công dân học tập là hạt nhân để xây dựng xã hội học tập

Tại Hội thảo "Trường ĐH với xây dựng và triển khai mô hình Công dân học tập suốt đời – tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4" được tổ chức ngày 24/7 - tại Hà Nội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận, các ý kiến tuy khác nhau nhưng đều thống nhất cao về dự kiến tiêu chí tự học và hình thành phát triển công dân học tập.

Hạt nhân để xây dựng gia đình học tập

Dù có nhiều quan tâm nhưng so với giáo dục chính quy thì GDTX vẫn chưa được giành nhiều thời gian, trong khi GDTX có tiềm năng rất lớn và có ý nghĩa xã hội.

Công dân học tập là hạt nhân để xây dựng gia đình học tập; đơn vị học tập, dòng họ học tập và rộng ra là xã hội học tập. Chúng ta quan tâm đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng đồng thời chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng sống của từng người dân.

Bộ trưởng cho biết, thông qua các hội nghị do Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức, sẽ là cơ sở để tiếp tục thực hiện nền giáo dục mở, đặc biệt là xây dựng tài nguyên giáo dục mở, làm công cụ triển khai công dân học tập. Tất cả hoạt động đó đều xâu chuỗi với nhau theo một đường hướng nhất quán, đi từ cái chung đến cái cụ thể.

Bộ trưởng chia sẻ, như nhận xét của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngành GD-ĐT đã tập trung rất nhiều hoạt động đổi mới, trong đó tập trung nhiều vào đổi mới giáo dục phổ thông, giáo dục ĐH. Dù còn nhiều việc phải làm nhưng đến nay đã có nhiều kết quả tích cực.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ trì xây dựng Luật Giáo dục 2019 để trình Quốc hội, trong đó có nhiều nội dung về GDTX, học tập suốt đời. 

Trong thời gian tới, Bộ sẽ cùng với địa phương, hội khuyến học các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, tăng cường chỉ đạo và thực hiện đẩy mạnh GDTX. 

Như vậy, bên cạnh giáo dục chính quy, chúng ta vẫn có phân hệ học tập suốt đời và có được cộng hưởng rất tốt trên nền tảng Luật Giáo dục 2019.

Ngoài ra, Thủ tướng ban hành 2 quyết định lớn là: Phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Trên cơ sở đó, chúng ta xây dựng nền giáo dục mở, linh hoạt, tạo điều kiện cho người học tiếp cận giáo dục. Theo đó, các cơ sở giáo dục, trong đó có giáo dục ĐH vừa phát huy sứ mệnh vừa tranh thủ cơ hội để phát triển.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Công dân học tập là hạt nhân để xây dựng xã hội học tập ảnh 1
GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội thảo

Hiệu quả là thước đo và tạo động lực

Xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời nền tảng phải là giáo dục phổ thông. Ở bậc này, các em được trang bị phương pháp tự học, giáo viên cũng đổi mới phương pháp để thầy – trò chuyển từ dạy - học sang tự học. Đó mới là những điều mà chúng ta mong đợi.

Trao đổi về một số nhóm vấn đề cần thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết:

Thứ nhất, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức về GDTX và công dân học tập, nhằm thay đổi hình ảnh về GDTX như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu. GDTX phải chất lượng và tiện ích để tạo động lực cho mọi người học tập. 

Đây là việc rất quan trọng, nên cần bắt đầu đi từ nhận thức, thay đổi nhận thức. Việc này đã làm nhưng tới đây sẽ tiếp tục phải làm tốt hơn và hiệu quả hơn.

Thứ hai, tiếp tục rà soát để hoàn thiện quy chế kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng GDTX, để liên thông giữa giáo dục chính quy với loại hình giáo dục này; từ đó hình thành hệ thống GD hữu cơ, mở và linh hoạt.

Tới đây sẽ ban hành một số văn bản về quản lý trung tâm GDTX, dạy nghề ở các địa phương, nhằm khắc phục hiện trạng một trung tâm có 3 cơ quan tổ chức. Ngoài ra, để tạo đột phá lớn trong phân luồng ĐH, sẽ có thông tư về dạy văn hóa trong trường nghề. Bên cạnh đó, có thông tư về đào tạo từ xa, đào tạo kết hợp trực tuyến và công nhận giáo dục trực tuyến…

Những văn bản này sẽ tạo hành lang pháp lý tốt để phát triển giáo dục từ xa, học tập suốt đời cho công dân.

Thứ ba, Bộ sẽ chọn một số trường ĐH để kết hợp với địa phương xây dựng mô hình công dân học tập. Nhưng trước hết ngay trong trường ĐH phải có sự đồng bộ từ giảng viên, sinh viên cho đến chương trình đào tạo và các công cụ hạ tầng khác…

Nếu các thầy cô có nhận thức, có tư duy phát triển công dân học tập thì các thầy cô sẽ thay đổi phương pháp và thiết kế được tài liệu mở. 

Theo đó, nhiều sinh viên, thậm chí là người dân sẽ tiếp cận theo hướng trình độ cao, chứ không phải là phổ biến kiến thức. Vì thế, các trường ĐH phải tiên phong, dẫn dắt nâng cao chất lượng chứ không chỉ là phổ cập.

Cùng với đó, các trường ĐH phải gắn kết với địa phương thông qua trung tâm GDTX, nhằm thay đổi hình ảnh cho các trung tâm. Tức là, trung tâm GDTX không chỉ là nơi bổ túc cho những người khó khăn, mà phải thực chất là vệ tinh của các trường ĐH, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Việt Nam đã có viện ĐH mở, với tôn chỉ mục đích là tạo điều kiện cho nhiều người đi học.

Thứ tư, Bộ trưởng đề nghị các trường ĐH thành lập chi hội về khuyến học. Các trường phải có người chuyên trách, thì công việc mới có nền nếp và mới gắn kết tốt với Hội Khuyến học Việt Nam.

Ngoài ra, các trường cần xây dựng tài nguyên học liệu mở. Bộ GD&ĐT đã tích cực tham gia vào Hệ tri thức Việt số hóa, các trường ĐH là nơi sáng tạo ra nhiều cái mới và có nhiều kinh nghiệm, nên có thể xây dựng phát triển tài nguyên học liệu mở theo hướng số hóa, để cùng chia sẻ trong trường và nhiều người khác tham gia.

Khuyến khích các trường có điều kiện nên đầu tư về hạ tầng công nghệ, phần mềm hướng dẫn người học để theo dõi sự tiến bộ của người học và cung cấp dịch vụ có chất lượng.

Hiệu quả là thước đo và tạo động lực chứ không chỉ dừng lại ở phong trào. Kinh nghiệm đổi mới giáo dục cho thấy, có những việc không thể vội được, nhưng đã "chín" rồi thì phải làm thiết thực để có hiệu quả. Khi đó mọi người sẽ thấy thiết thân và tự nguyện thực hiện.  - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ