Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp xúc cử tri tỉnh Quảng Trị

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp xúc cử tri tỉnh Quảng Trị

(GD&TĐ)- Sáng nay (23/9), trước Kì họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Cam Tuyền (Cam Lộ, Quảng Trị) cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao đổi về các ý kiến, kiến nghị của cử tri
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao đổi về các ý kiến, kiến nghị của cử tri

Ý kiến từ cử tri

Các cử tri đã nghe ông Hoàng Đức Thắm - Đại biểu Quốc hội Khóa XIII tỉnh Quảng Trị, Giám đốc Sở GD&ĐT - báo cáo tóm tắt chương trình dự kiến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII.

Tại buổi tiếp xúc, các Đại biểu Quốc hội đã nghe 8 ý kiến phản ánh của cử tri xã Cam Tuyền tập trung vào 7 nhóm vấn đề liên quan đến Luật Đất đai, chính sách với người có công, mô hình Hội đồng Nhân dân các cấp, việc làm của sinh viên sau khi ra trường, dạy thêm học thêm...

Sau khi nghe các kiến nghị của cử tri, lãnh đạo chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắm đã giải trình các kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực, quyền hạn của mình. Đồng thời, đoàn đại biểu Quốc hội cũng đã tổng hợp ý kiến để trình lên các cấp thẩm quyền và Quốc hội.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp xúc cử tri xã Cam Tuyền (Cam Lộ, Quảng Trị)
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp xúc cử tri xã Cam Tuyền (Cam Lộ, Quảng Trị)

Trả lời thẳng thắn 2 vấn đề nóng trong GD - ĐT

Hiện nay, việc tuyển dụng lao động là do các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động quyết định.

Việc đào tạo, dạy nghề do các nhà trường trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng và qui mô, qui hoạch và nhu cầu nguồn nhân lực của từng địa phương, từng vùng phù hợp và đáp ứng nhu cầu nhân lực. 

Các Bộ, ngành liên quan trên các cơ sở qui hoạch, thực tế đó cung cấp đầy đủ thông tin để định hướng các cơ sở đào tạo và thông tin cho người học để có những quyết định đúng đắn.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Là thành viên Chính phủ, đồng thời cũng là đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã trao đổi với cử tri về các ý kiến được nêu. Bộ trưởng tập trung vào 2 nhóm vấn đề có liên quan đến ngành GD&ĐT.

Về vấn đề việc làm của sinh viên ra trường, Bộ trưởng khẳng định đây là vấn đề quan trọng của cả đất nước cũng như trong các gia đình hiện nay. Hiện Chính phủ đã có quy hoạch nguồn nhân lực, đồng thời yêu cầu các tỉnh công bố công khai nhu cầu và các vị trí việc làm tại địa phương để HS - SV và gia đình biết để cân nhắc, quyết định chọn ngành học.

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT đang cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của đơn vị sử dụng lao động.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng nêu rõ những khó khăn hiện đang tồn tại là: Việc đào tạo và sử dụng sinh viên – người lao động đã khác xa với thời kỳ bao cấp. Trước đó, học ngành nào, trường nào người học không được tự quyết định được mà dựa vào nhu cầu nhân lực quốc gia để Nhà nước phân công ngành học và phân công công tác, bố trí công việc cho người học.

Sau đổi mới, nền kinh tế phát triển nhiều thành phần. Đơn vị sử dụng lao động thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau: Kinh tế nhà nước, tư nhân, có cả doanh nghiệp nước ngoài; người lao động Việt Nam làm việc cả trong và ngoài nước...  Chính vì vậy, Nhà nước không thể tập trung phân công lao động với số lượng nhiều như vậy. Người lao động phải chủ động cân nhắc chọn lọc từ ngành học đến nơi xin việc, nơi làm việc.

Thêm vào đó, hiện nay, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục Đại học, quyền chủ động trong đào tạo thuộc về các trường; Bộ GD&ĐT không nắm quyền giao chỉ tiêu cho các trường nữa mà chỉ tạo điều kiện trong cơ chế quản lý và kiểm tra chất lượng đào tạo của các trường ĐH - CĐ.

Bộ GD&ĐT, Chính phủ đã có những thông tin công khai về vấn đề này rất rộng rãi. Chính vì vậy, lựa chọn ngành nào, trường nào hoàn toàn phụ thuộc vào học sinh và gia đình. Do vậy các bậc làm cha, làm mẹ cùng cần phải tìm hiểu nhu cầu lao động và xu hướng việc làm hiện nay của địa phương để có định hướng cho con cái trong việc chọn trường, chọn ngành phù hợp với lực học và điều kiện kinh tế gia đình mình.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận với cử tri xã Cam Tuyền
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận với cử tri xã Cam Tuyền
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Nếu chỗ nào thấy hiện tượng dạy thêm học thêm là tiêu cực, phụ huynh cần mạnh dạn thông báo với lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo phòng, Sở GD&ĐT. Đừng sợ việc con mình bị trù dập hay việc thông báo này gây ảnh hưởng đến việc học của các cháu.

Về vấn đề dạy thêm học thêm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Cùng với việc nghiêm cấm dạy thêm, học thêm tràn lan vì tác động tiêu cực của kinh tế thị trường Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh một loạt chính sách liên quan việc dạy và học, lâu dài và căn bản sẽ thay đổi cả nội dung dạy và học, cách thi, cách kiểm tra - đánh giá. Việc này Bộ GD&ĐT đã thí điểm và nhận được nhiều tín hiệu tích cực.

Mấy năm trước chỉ có những học sinh ở thành phố, thị xã, gia đình có tiền đi học thêm thì mới đỗ được đại học, mới đỗ được thủ khoa. Gần đây số lượng các cháu ở vùng sâu, vùng xa, các cháu ở nông thôn không học thêm vẫn đỗ đại học, vẫn đỗ thủ khoa vào các trường đại học chất lượng cao ngày càng nhiều. Thậm chí, có học sinh ở Sơn La hai năm liền đều đạt Huy chương Vàng quốc tế.

Những em gia đình có điều kiện, nếu không có ý chí, không có thực lực thì dù học thêm nhiều vẫn không đỗ đại học. Bản thân nhiều phụ huynh vẫn muốn con mình đi học thêm để luôn đạt điểm cao nhất lớp, nhất trường. 

Với cương vị của mình Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hứa sẽ chuyển ý kiến, tâm nguyện của cử tri tới các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ trong các diễn đàn mà mình tham gia.

Bá Hải - Minh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ