Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kiểm tra kết quả 5 năm thực hiện "tam nông" tại Quảng Trị

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kiểm tra kết quả 5 năm thực hiện "tam nông" tại Quảng Trị
(GD&TĐ) – Hôm nay (9/8), Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận - Thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) - đã kiểm tra kết quả 5 năm thực hiện công tác này và tình hình phát triển GD&ĐT tại tỉnh Quảng Trị.
11
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và đoàn công tác làm việc với Tỉnh ủy Quảng Trị
Bộ mặt nông thôn có sự chuyển biến 
Sau khi kiểm tra tình hình thực tế tại xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có buổi làm việc với tỉnh ủy Quảng Trị. Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Hữu Phúc cùng dự buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc cho biết: 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo nên sự chuyển biến rõ rệt bộ mặt, đời sống nhân dân tại các vùng nông thôn. Đời sống vật chất của người dân Quảng Trị không ngừng được nâng cao; thu nhập bình quân đến cuối năm 2012 đã đạt 23,8 triệu đồng; bình quân từ năm 2008 đến nay GDP mỗi năm tăng từ 14 - 15%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh sau 5 năm thực hiện Nghị quyết: Tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 là 16,8%, đến cuối năm 2012 là 13,5%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2008 tỷ trọng nông nghiệp chiếm 33,5%. Đến năm 2012, tỷ lệ này đã giảm còn 26,3%. Nông nghiệp tiếp tục chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, đã hình thành các vùng sản xuất thâm canh, chuyên canh  gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cao su, hồ tiêu, cà phê, sắn... kinh tế hộ chuyển từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường.
Chuyển biến rõ nét nhất là trong nhận thức của cán bộ, nhân dân trên địa bàn, ý thức được trách nhiệm của mình đối với công cuộc xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại địa phương. Người dân tích cực đóng góp công sức thực hiện các chương trình phát triển kinh tế nông thôn như: Dồn điền đổi thửa để xây dựng các vùng chuyên canh, xây dựng giao thông, kiên cố hóa kênh mương, hiến đất xây dựng đường giao thông, các công trình dân sinh khác. 
Tất cả những kết quả trên đây đã khẳng định các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đi vào thực tế cuộc sống và phù hợp với tiến trình phát triển đất nước.
Đến nay, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được các cấp, ngành và người dân trong tỉnh quyết tâm xây dựng; với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. 
Những khởi sắc trong giáo dục
Hiện toàn tỉnh Quảng Trị có 48/17 xã đạt tiêu chí về giáo dục, chiếm tỷ lệ 41%, số trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia là 228 trường, đạt tỷ lệ 64%. Kết quả phổ cập giáo dục bậc Tiểu học và THCS được ngành GD&ĐT Quảng Trị củng cố vững chắc, tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đối với Tiểu học tăng từ 94% (năm 2010) lên 96% năm 2013, tỷ lệ này ở THCS tăng từ 86% năm 2010 lên 90% năm 2013, góp phần đưa tỷ lệ xã huyện phổ cập THCS đạt 100%; 
Ở bậc học MN, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm so với năm trước. Hiện tỉnh đang triển khai công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, đến nay đã có 139/141 xã phường đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi và đang đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi toàn tỉnh trong năm 2013. 
Ngành Giáo dục Quảng Trị đã không ngừng tập trung các giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở bậc học phổ thông. Trong năm học 2012 - 2013, chất lượng giáo dục mũi nhọn được khẳng định với 15 giải học sinh giỏi cấp quốc gia, hàng trăm học sinh đạt giải và chứng chỉ công nhận.... 
Cùng đó, chú trọng công tác phân luồng học sinh sau THCS; thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo ở các trường TCCN, gắn đào tạo với nhu cầu ngành nghề, nhu cầu học tập của người học và nhu cầu sử dụng lao động của tỉnh.
Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Trị cũng đã đưa ra một số kiến nghị đề xuất với đoàn công tác về các vấn đề vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, và trong phát triển GD&ĐT.
1
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi làm việc
Thời gian tới, chuyển lập kế hoạch từ định tính sang định lượng
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã tiếp thu các ý kiến mà tỉnh đã đề xuất với Ban chỉ đạo T.Ư để báo cáo sau chuyến công tác. 
Bộ trưởng đánh giá cao tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh, nhất là công tác tuyên truyền. Ý thức của người dân đã được nâng cao rõ rệt. Biểu hiện sinh động nhất đó là người dân đã hiểu và sẵn sàng tham gia đóng góp, bỏ công của đối ứng với các nguồn vốn hỗ trợ từ T.Ư để chung tay xây dựng nông thôn mới. 
Đã có nhiều lĩnh vực chuyển biến tốt như trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng lúa đặc sản, nuôi trồng thủy hải sản, đã có những mô hình hiệu quả kinh tế cao. 
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, so với yêu cầu của Nghị quyết, số hộ nghèo còn nhiều, bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến trên diện rộng nhưng chưa có nhân tố để tạo ra sự chuyển biến căn bản. Có sự chuyển biến trong cơ cấu giữa nông nghiệp với các ngành khác nhưng chưa lớn, đồng thời giữa nông nghiệp thuần túy và nông nghiệp sạch, nông nghiệp kết tinh công nghệ cao tạo chất lượng cao cũng chưa có nhiều mô hình hiệu quả và bền vững... 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Trong triển khai Nghị quyết Trung ương về tam nông, tỉnh phải thay đổi cách thức xây dựng kế hoạch để phù hợp với thực tế địa phương: chuyển lập kế hoạch từ định tính sang định lượng. Như trong lâm nghiệp, cụ thể hóa kế hoạch trồng rừng thành số cây rừng theo từng năm. Thay vì quy hoạch cánh rừng gỗ lát, nên đặt mục tiêu cụ thể trong kế hoạch mỗi năm trồng bao nhiêu cây lát trong khu rừng đó.
Tiếp đó là quy hoạch nông thôn mới, bao gồm cả quy hoạch phát triển nông thôn, ngành nghề, đô thị. Khi đã có quy hoạch tốt rồi, trong quá trình thực hiện phải tập trung làm theo quy hoạch, không để phá vỡ quy hoạch đã phê duyệt.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải đáp, hướng dẫn tỉnh Quảng Trị các nội dung:

- Tìm kiếm các nguồn lực đầu tư cho ngành Giáo dục bên cạnh nguồn vốn ngân sách;

- Sáp nhập các trường TCCN và các trung tâm dạy nghề;

- Chế độ chính sách ưu đãi với các giáo viên vùng biên giáp ranh, vùng biên giới.

- Đồng ý nâng cấp trường Trung cấp Y của tỉnh Quảng Trị thành trường Cao đẳng.

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ