Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Đại học Huế

GD&TĐ - Trong chuyến công tác các tỉnh miền Trung, chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có buổi làm việc với lãnh đạo Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế và Giám đốc ĐH Huế.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng nhấn mạnh: Hiện nay Bộ GD-ĐT đang thực hiện một chương trình hành động rất quyết liệt cụ thể, trong đó có 9 nhiệm vụ trọng tâm. 

Chúng tôi đề nghị và mong lãnh đạo tỉnh căn cứ vào 9 nhiệm vụ trọng tâm của Ngành cho năm học này và những năm học tiếp theo. Cùng phối hợp với Bộ chỉ đạo ngành GD-ĐT của tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển. Trong 9 nhiệm vụ này, chúng tôi cũng rất quan tâm đến một số nhiệm vụ mà Thừa Thiên - Huế có thế mạnh.

Trước hết là nhiệm vụ phát triển đội ngũ giáo viên. Trong 16.000 giáo viên của tỉnh Thừa Thiên - Huế phải rà soát lại theo quy chuẩn mới. Trên cơ sở chuẩn này sẽ có đào tạo bồi dưỡng. Nhiệm vụ này gắn sát với ĐH Huế.

Trong quy hoạch chung tới đây, Bộ GD&ĐT rất quan tâm đến đặc thù từng vùng, miền. So với các trường ĐH ở miền Trung, ĐH Huế rất mạnh về các khoa cơ bản, tự nhiên, khoa học cơ bản, Y khoa và Nông Lâm... Đây là những mũi nhọn thế mạnh của ĐH Huế. 

Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ đặt hàng các nhà khoa học và có những dự án, đề án những ngành trọng điểm, chúng tôi sẽ giao cho ĐH Huế một số ngành đó. Những ngành này phải gắn rất chặt với nhu cầu phát triển địa phương của Huế.

Như vậy mối quan hệ giữa ĐH Huế với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế phải rất khăng khít, bởi đây chính là nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao cho Huế

Việc đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên của Thừa Thiên - Huế rất quan trọng, cả về kiến thức, chuyên môn, Tiếng Anh. Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có dự án gần 20 tỷ đồng để  bổ sung chuyên môn, tăng cường năng lực Tiếng Anh cho giáo viên ở Huế.

Ngoài ra, cần gắn kết giữa Sở GD&ĐT và  ĐH Huế với Trường Cao đẳng Sư phạm. Vì sắp tới đây khi quy hoạch tới các cơ sở giáo dục phải gắn chặt đào tạo bồi dưỡng giáo viên và tăng cường vai trò của các trường sư phạm trực thuộc Bộ GD&ĐT. Như vậy, cùng một đầu tư nhưng đem lại cái lợi rất lớn cho địa phương, tránh tình trạng đầu tư dàn trải dẫn đến hiệu quả không cao.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ rõ: ĐH Huế muốn thu hút công nghệ, chương trình nước ngoài, khoa học công nghệ tiên tiến cần phải có khu vực xây dựng mới. Riêng khu vực nội đô hiện có chỉ thích hợp những chương trình kinh tế, quản trị kinh doanh. Tới đây, chúng tôi sẽ rà soát lại quy hoạch ĐH Huế, khu nội đô là ngành học nào phù hợp để định hướng, bảo tồn tốt cảnh quan. Phải có một hạ tầng tốt thì mới thu hút đầu tư của các dự án, các trường ĐH nước ngoài sang hợp tác.

Bộ trưởng cho rằng Huế có lợi thế thu hút được rất nhiều du khách nước ngoài. Vì thế ĐH Huế cần nghiên cứu để tiến tới thành lập Trường ĐH Du lịch Huế.

Về phía Bộ GD&ĐT sẽ ủng hộ cho ĐH Huế tiếp cận chương trình đào tạo của Trường ĐH Du lịch Huế trong tương lai đào tạo theo chuẩn của nước ngoài. Vừa đào tạo du lịch, vừa có khách sạn để thực hành.

"ĐH Huế với hơn 2.000 nhà khoa học, do đó trong thời gian tới phải cố gắng khai thác đội ngũ chất xám hiện có, để làm sao đóng góp cho sự phát triển của đất nước" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ