Bộ trưởng chỉ hướng tháo gỡ khó khăn cho giáo dục vùng khó

GD&TĐ - Ngày 16/3, GS.TS Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn về tình hình phát triển giáo dục và thực hiện đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng Khóa XI.

Bộ trưởng chỉ hướng tháo gỡ khó khăn cho giáo dục vùng khó
Bộ trưởng chỉ hướng tháo gỡ khó khăn cho giáo dục vùng khó ảnh 1Bộ trưởng chỉ hướng tháo gỡ khó khăn cho giáo dục vùng khó ảnh 2Bộ trưởng chỉ hướng tháo gỡ khó khăn cho giáo dục vùng khó ảnh 3Bộ trưởng chỉ hướng tháo gỡ khó khăn cho giáo dục vùng khó ảnh 4Bộ trưởng chỉ hướng tháo gỡ khó khăn cho giáo dục vùng khó ảnh 5Bộ trưởng chỉ hướng tháo gỡ khó khăn cho giáo dục vùng khó ảnh 6
Cùng dự buổi làm việc, về phía tỉnh Lạng Sơn có các đồng chí: Trần Sỹ Thanh - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư tỉnh ủy; Phạm Ngọc Thường – Chủ tịch UBND tỉnh; 

Về phía Bộ GD&ĐT có lãnh đạo Văn phòng Bộ, các Cục, Vụ chức năng cơ quan Bộ.

Nhân tố quyết định thành công

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng đánh giá và ghi nhận thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều điểm sáng về GD&ĐT.

Theo Bộ trưởng, là tỉnh miền núi nên sự nghiệp phát triển giáo dục có nhiều khó khăn nhưng cũng có những điều kiện thuận lợi nhất định, trong đó lớn nhất là sự quan tâm rất lớn đến phát triển sự nghiệp giáo dục. Đây không phải việc riêng của Ngành mà là việc của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Chính vì vậy việc thực hiện Nghị quyết 29 tại địa phương nếu không đến nơi đến chốn, dàn trải sẽ không tập trung được nguồn lực đầu tư cho giáo dục, không tạo được niềm tin trong xã hội và nhân dân trong tỉnh.

Để đổi mới thành công, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đi sâu phân tích các nhiệm vụ và giải pháp chiến lược của địa phương cùng với hướng tháo gỡ khó khăn trong quá trình đổi mới. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến yếu tố con người.

Theo Bộ trưởng, chất lượng giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp phát triển giáo dục, do vậy tỉnh cần đặc biệt quan tâm tới nhiệm vụ này, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Cần tiếp cận góc độ phẩm chất năng lực của giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới, cách tiếp cận này là rất rộng so với chuẩn đào tạo hiện nay. Giáo viên phải đáp ứng những hoạt động giáo dục tích hợp, theo chuỗi… những hoạt động rộng hơn so với năng lực được quy chuẩn.

Hiện nay đã có nhiều biến động về số lượng, cơ cấu giáo viên. Song theo Bộ trưởng, sắp tới khi đưa CT, SGK mới vào giảng dạy sẽ có nhiều biến động hơn. Chính vì vậy, tỉnh cần có lộ trình chuẩn bị - không riêng về cơ sở vật chất, tài chính mà cả về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, quy hoạch trường lớp học - sao cho khoa học để đón đầu, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới GD&ĐT ở địa phương, góp phần vào cùng cả nước trong công cuộc đổi mới.

Những nhiệm vụ “sát sườn” 

Trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn hôm nay, ngoài 7 nhiệm vụ trọng tâm đã nêu ra cho ngành giáo dục tỉnh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn tỉnh Lạng Sơn chú trọng thực hiện những nhiệm vụ cụ thể như:

Trong rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, tỉnh phải căn cứ vào bộ quy chuẩn của Bộ sắp ban hành để có kế hoạch cụ thể đối với hai nhóm trường học; với các trường phổ thông đại trà, phải nhóm các điểm trường vào các trường trung tâm, có tính toán theo lộ trình cụ thể.

Với nhóm trường chất lượng cao, tỉnh phải khuyến khích xã hội hóa đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục theo định hướng giảm áp lực về biên chế giáo viên, nguồn lực đầu tư. Cùng với đó là củng cố hệ thống các trường PTDTNT, PTDTBT theo nguyên tắc trung ương đầu tư, địa phương hỗ trợ để nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc.

Về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, ngay từ bây giờ, tỉnh phải tính toán, dự báo sự thay đổi môn học theo chương trình mới với số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên hiện nay để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.

Với bậc học mầm non, các giáo viên đang thừa ở các cấp học sẽ thực hiện học chứng chỉ chuyển đổi để giải quyết tình thế thiếu giáo viên cấp học này trong trước mắt. Bộ sẽ giám sát việc thực hiện công tác này của các địa phương sao cho thực hiện hiệu quả nhất. Đồng thời với đó là trong quy hoạch đội ngũ, có kế hoạch sử dụng giáo viên dôi dư từ quy hoạch mạng lưới, từ biến động quy mô trường lớp học…

Bộ trưởng lưu ý: Nhiệm vụ này phải gắn với định hướng phát triển Trường CĐ Sư phạm của tỉnh. Có thể theo hướng thành lập phân hiệu của một trường sư phạm uy tín trong vùng; sau này phân hiệu trường phát triển đủ mạnh, có thể nâng cấp thành trường đại học của tỉnh. Trước mắt trường sẽ trở thành vệ tinh, hỗ trợ cho các trường ĐH sư phạm có uy tín trong vùng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Về nhiệm vụ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, Bộ trưởng nêu rõ: sắp tới Trung ương sẽ dành nguồn ngân sách để hỗ trợ các địa phương khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh phải chú trọng đến yếu tố vùng miền; xây dựng trường lớp phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng trong tỉnh sao cho sử dụng hiệu quả nhất các nguồn vốn đầu tư, đồng thời với đó là phải lồng ghép với các nguồn vốn khác, với nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp

Trong công tác công tác tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng học sinh, Bộ trưởng yêu cầu: Sở có kế hoạch bố trí cán bộ tâm lý, tư vấn hướng nghiệp để giúp đỡ học sinh trong các hoạt động tư vấn lựa chọn, định hướng nghề nghiệp nhằm đẩy mạnh phân luồng hiệu quả đối với một tỉnh vùng biên như Lạng Sơn.

Tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để xóa bỏ khoảng cách về địa lý giữa các vùng, các trường, tạo cơ hội để giáo viên và học sinh vùng cao, vùng sâu có điều kiện được tiếp thu, học tập các kiến thức, kỹ năng.

Với công tác giảng dạy ngoại ngữ, Bộ trưởng cho rằng là tỉnh biên giới, bên cạnh việc học ngoại ngữ số một, Lạng Sơn có thể cho học sinh đăng kí học tiếng Trung nhưng không bắt buộc, tuy nhiên vẫn phải trên cơ sở đẩy mạnh dạy tiếng Việt cho trẻ người dân tộc.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa đến công tác truyền thông để các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh hiểu được những công tác đổi mới ngành đang triển khai để có sự đồng thuận, huy động được nguồn lực từ đây đầu tư cho giáo dục. Song song với đó là tăng cường tuyên truyền các tấm gương sáng về người tốt việc tốt, các nhà giáo, học sinh điển hình.

Trong việc tăng cường kỷ cương, nền nếp trong các cơ sở giáo dục, theo Bộ trưởng, tỉnh phải đẩy mạnh nhiệm vụ này trong giáo dục mầm non, phổ thông, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở giáo dục, trường học để tăng cường tiếng nói của các nhà giáo, cá nhân cán bộ, giáo viên. Chú trọng thực hiện Chỉ thị về an toàn trường học, phòng chống tại nạn thương tích, triển khai kế hoạch dạy bơi cho học sinh.

Cuối cùng, với nhiệm vụ trước mắt là tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Lạng Sơn chú trọng chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kỳ thi để các công tác chuẩn bị thi, coi thi, hỗ trợ thí sinh đi thi, thầy coi thi được ngành giáo dục phối hợp với các lực lượng hỗ trợ kỳ thi chuẩn bị chu đáo nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất, để kỳ thi gọn nhẹ, bớt tốn kém cho xã hội.

Cùng ngày, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các thành viên trong đoàn công tác đã đến tìm hiểu thực tế giáo dục, tặng quà cho học sinh, giáo viên Trường MN-TH-THCS xã Bình Trung, huyện Cao Lộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ