Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm xây dựng xã hội học tập

GD&TĐ - Phát biểu tại Hội nghị Á - Âu về “Học tập suốt đời và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030” diễn ra tại Hà Nội sáng 13/12, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng xã hội học tập (XHHT), tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

Các đại biểu tham gia Hội nghị Á - Âu về “Học tập suốt đời và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”
Các đại biểu tham gia Hội nghị Á - Âu về “Học tập suốt đời và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, khoa học kỹ thuật, kiến thức xã hội thay đổi từng ngày, do đó để tồn tại, phát triển thì mỗi người phải học tập liên tục để cập nhật kiến thức cho mình. Trong công việc, mỗi người thường xuyên phải học tập để đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi, phát triển. Học tập suốt đời để đáp ứng yêu cầu công việc và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bộ trưởng khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng XHHT, tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời; coi học tập suốt đời, xây dựng XHHT là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của ngành Giáo dục.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Đề án xây dựng XHHT; cùng đó, Hội Khuyến học phát triển rất mạnh; hệ thống, thiết chế về giáo dục suốt đời để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể tiếp cận với giáo dục đã rộng khắp, từ phường xã, làng xóm cho đến tận Trung ương. Với sự hỗ trợ của CNTT, Internet như hiện nay, việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân; xây dựng XHHT là rất thuận lợi. Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa, dự kiến khai trương vào đầu năm 2019; qua đây, mọi người có trách nhiệm đóng góp, chia sẻ, mang lại lợi ích rất lớn.

Trong Chương trình hợp tác về GD-ĐT năm 2018 được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEM lần thứ 13 và Hội nghị Hội đồng thống đốc Quỹ Á – Âu lần thứ 37, đã thống nhất tổ chức 4 hội nghị về Học tập suốt đời và phát triển bền vững tại 4 quốc gia với các chủ đề khác nhau; trong đó, Việt Nam là một trong 4 quốc gia đăng cai. 

So với thế giới, công bằng trong giáo dục của Việt Nam cũng đã đạt ở mức tương đối. Việt Nam đã hoàn thành: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS; các đối tượng hòa nhập rất được chú trọng. Giáo dục suốt đời được phát triển mạnh cũng sẽ góp phần để thực hiện công bằng giáo dục - một trong những mục tiêu nhiều nước đang theo đuổi.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, đây là vấn đề không dễ, vì đối tượng, hình thức, nội dung, phương pháp, phương tiện kiểm tra đánh giá rất đa dạng. Những khó khăn, vướng mắc đang được tiếp tục nghiên cứu để khắc phục, hướng tới một XHHT tốt hơn, mọi người được tham gia học tập thuận lợi hơn và trở thành một động lực cho mọi người chứ không phải bắt buộc.

Tại Hội nghị, người đứng đầu ngành Giáo dục Việt Nam đã chia sẻ những vấn đề giáo dục Việt Nam rất cần được tư vấn và học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Trong đó có việc xây dựng hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông - một nội dung quan trọng khi sửa Luật Giáo dục; xây dựng chương trình cho các phương thức giáo dục từ xa và cung cấp dịch vụ làm sao thuận lợi để mọi người cùng có thể tham gia; thiết chế về tổ chức các hình thức giáo dục suốt đời như thế nào cho linh hoạt, hiệu quả, tránh hình thức; ghi nhận, xác nhận và công nhận kết quả học tập theo hình thức không chính quy và phi chính quy nhằm khuyến khích việc học tập suốt đời...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ